TP Hồ Chí Minh hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số đóng góp 40% GRDP

Nghị quyết 57-NQ/TƯ đã mở cánh cửa để thành phố Hồ Chí Minh bước ra biển lớn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Thành phố đang xây dựng các mô hình cụ thể để trở thành thành phố cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực này, đưa kinh tế số đóng góp 40% GRDP vào năm 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh đang tạo được khí thế mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Ảnh: Vân Nguyễn

Thành phố Hồ Chí Minh đang tạo được khí thế mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Ảnh: Vân Nguyễn

Tạo “khí thế” về chuyển đổi số

Thời gian qua, nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục đăng ký xe lần đầu hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến. Anh Phan Thành Nhân (phường Cát Lái) cho biết, anh vừa đăng ký thành công xe ô tô thông qua ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) mà không cần đến Phòng Cảnh sát giao thông, nhờ vậy mà công việc của anh không bị ảnh hưởng.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 571 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến toàn trình trong tổng số 1.492 thủ tục hành chính được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thành phố cũng đã phê duyệt tái cấu trúc 1.816/1.816 quy trình nội bộ (cắt giảm từ 1 đến 2 bước trong quy trình), nhờ vậy đã cắt giảm được hơn 3.564 giờ làm việc của cán bộ, công chức. Thành phố cũng đã cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính có điều kiện kinh doanh không cần thiết (đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công).

Để chuẩn bị nguồn nhân lực triển khai số hóa dịch vụ công, tính đến nay đã có hơn 20.000 cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Hồ Chí Minh đã được tiếp cận về chuyển đổi số với khóa đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đã triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức và người dân.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lê

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lê

Hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực trọng điểm thực hiện đổi mới sáng tạo tăng từ 39,9% năm 2021 lên 44,8% năm 2023 và ước giai đoạn 2024-2025 đạt khoảng 45%.

Tuy nhiên, đối với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn gặp không ít khó khăn, cần được hỗ trợ hơn nữa về cơ chế, chính sách.

Bà Nguyễn Bích Diền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thời trang Faslink cho rằng, đây là ngành phát thải môi trường lớn nên rất cấp thiết chuyển đổi xanh, chỉ cần 1% sản phẩm dệt may được tái chế sẽ đem lại lợi ích lớn đối với ngành và môi trường.

Theo bà Nguyễn Bích Diền, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp quá trình trên diễn ra nhanh hơn và cần được nhà nước hỗ trợ chính sách.

Công chức thành phố Hồ Chí Minh vận hành dịch vụ công trực tuyến phục vụ chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Nguyễn Lê

Công chức thành phố Hồ Chí Minh vận hành dịch vụ công trực tuyến phục vụ chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Nguyễn Lê

Triển khai nhiều mô hình, giải pháp chuyển đổi số

So với các địa phương khác trên cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt là nguồn lực về con người và hạ tầng, để dẫn đầu về tiến trình chuyển đổi số.

Thành phố Hồ Chí Minh có 91 trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường thuộc nhóm nghiên cứu mạnh; hơn 450 tổ chức khoa học và công nghệ, 123 tổ chức hoạt động trung gian về khoa học và công nghệ; 134 phòng thí nghiệm; hơn 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hằng năm, thành phố có hơn 40.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó hơn 2.000 bằng sáng chế về kiểu dáng công nghiệp.

Về hạ tầng số, đối với hạ tầng kỹ thuật, thành phố có Trung tâm Dữ liệu chính quyền số với hơn 1.200 máy chủ; 100% địa bàn thành phố được phủ sóng thông tin di động; 100% hạ tầng cáp quang internet băng thông rộng được triển khai đến tất cả khu phố, ấp (không có vùng lõm ở địa bàn cư dân đông). Đặc biệt, thành phố đã phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm, khu vực tập trung đông dân cư (đạt tỷ lệ trên 100% so với chỉ tiêu quốc gia).

Đối với hạ tầng dữ liệu, hiện thành phố có 91 cơ sở dữ liệu mở, trong đó đã đưa vào vận hành 58 cơ sở dữ liệu mở phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn đang triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lê

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Sài Gòn đang triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lê

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tiến trình chuyển đổi số, thành phố xem thể chế và cơ chế đặc thù giữ vai trò nền tảng. Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số bứt phá.

Thành phố đang triển khai thực hiện đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Đề án này sẽ tạo lập môi trường phát triển bền vững cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập - nơi được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại để các tổ chức khoa học và công nghệ công lập phát triển đạt chuẩn quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang xây dựng danh mục các bài toán lớn phục vụ chuyển đổi số. Thông qua danh mục này, thành phố mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư có giải pháp tham gia giải quyết, đồng hành cùng thành phố. Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề lớn, tận dụng mọi nguồn lực, cơ hội để phát triển trong thời kỳ mới.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, thành phố đang thúc đẩy hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp). Mô hình hợp tác này được xem là yếu tố quyết định để biến kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, thành phố khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, quyết tâm đến năm 2030 kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP thành phố.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-hien-thuc-hoa-muc-tieu-kinh-te-so-dong-gop-40-grdp-709322.html
Zalo