Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự kết nối giữa nhà cung cấp và bên mua vẫn còn chưa chặt chẽ.

Trước thực trạng này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định công nghiệp là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển mới của TP. Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố vừa tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2025 với quy mô mở rộng. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, hướng đến mục tiêu kết nối doanh nghiệp nội địa với chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp bán dẫn, cơ khí chế tạo, hàng không, y tế và điện tử.

Theo các chuyên gia, ngày càng nhiều nhà sản xuất nước ngoài chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam và có nhu cầu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện nay, trách nhiệm xã hội đang là một tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt cần đáp ứng để tham gia chuỗi cung ứng. “Điển hình như Công ty ITO, một doanh nghiệp Nhật chuyên sản xuất thiết bị cho ngành điện tử, yêu cầu rất cao về chế độ đãi ngộ người lao động. Doanh nghiệp này có chiến lược mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất so với mức 80% hiện nay”, bà Oanh nói.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn thiếu nền tảng kết nối đủ sâu giữa nhà cung cấp và bên mua

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn thiếu nền tảng kết nối đủ sâu giữa nhà cung cấp và bên mua

Việc kết nối doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp FDI là dịp để nhiều công ty Việt có kinh nghiệm đã từng cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn sản xuất lớn tìm kiếm cơ hội mới. Đồng thời, nắm bắt được nhu cầu cũng như những yêu cầu của doanh nghiệp FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong nước như Samsung, Bosch Việt Nam, ITO Việt Nam đã chia sẻ về nhu cầu nội địa hóa, kế hoạch phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam, đồng thời tìm kiếm đối tác tiềm năng để hợp tác dài hạn. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, các tổ chức quốc tế như JETRO, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK), cùng các hiệp hội ngành hàng trong nước, tạo thành mạng lưới hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới.

Ông Phạm Anh Tuyên, Phó giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thịnh Phát (chuyên sản xuất linh kiện cơ khí) cho biết, đơn vị đã cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn của nước ngoài. Hiện doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới từ các hội chợ triển lãm quốc tế, các chương trình xúc tiến để tìm đối tác…

Cũng như vậy, ông Nguyễn Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Daviteq, hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, cho biết đây là lần thứ 2 công ty tham gia hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp với mục tiêu tìm kiếm đối tác phù hợp. “Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu nền tảng kết nối đủ sâu giữa nhà cung cấp và bên mua. Cần những cơ chế hỗ trợ để những nhà cung cấp công nghệ hỗ trợ Việt có thể tiếp cận đúng đối tác và ngược lại”, ông Lộc chia sẻ kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, đúng tiềm năng, thành phố còn phối hợp với Samsung triển khai dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh. Chương trình này đã từng được Samsung triển khai tại Hàn Quốc và Thái Lan, giúp doanh nghiệp nhỏ cải tiến dây chuyền sản xuất, tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh tập trung hoàn thiện danh mục dự án để kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các dự án trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới...

“Ngành công thương thành phố cũng chuẩn bị tổ chức khóa tập huấn cho doanh nghiệp Việt về lộ trình gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tiêu chuẩn kỹ thuật, quản trị sản xuất đến các yêu cầu xã hội và môi trường... Trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch chuyển đầu tư, các hoạt động này sẽ là bệ đỡ để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận dòng vốn và đơn hàng quốc tế”, bà Ngọc nói.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-tham-gia-sau-vao-chuoi-cung-ung-167152.html
Zalo