Cựu Bí thư Vĩnh Phúc nộp 20 tỷ đồng, dùng 2 lô đất khắc phục vụ Phúc Sơn
Bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ Hậu 'Pháo', quá trình điều tra và truy tố, bà Hoàng Thị Thúy Lan nộp lại 20 tỷ đồng và 2 lô đất.
VKSND Tối cao ban hành cáo trạng vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Trong vụ án, bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Vĩnh Phúc bị truy tố tội Nhận hối lộ. Nữ cựu Bí thư bị cáo buộc nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn).
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra và truy tố, bà Lan được ghi nhận đã nộp lại 20 tỷ đồng, đồng thời tự nguyện sử dụng 2 lô đất trước đó đã nhờ Hậu "Pháo" mua (trị giá hơn 34 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả vụ án.
Hai lô đất này hiện đứng tên Tập đoàn Phúc Sơn và đang được kê biên.

Bị can Hậu "Pháo" và Hoàng Thị Thúy Lan.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, VKSND Tối cao cáo buộc có vi phạm và hành vi phạm tội trong 4 dự án bất động sản tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Các dự án gồm: Dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Vĩnh Tường, Dự án Khu đô thị mới Tứ Trung (huyện Vĩnh Tường), Dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1 (huyện Vĩnh Tường) và Dự án Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 2.
Theo cáo trạng, cuối năm 2016, Dự án Chợ đầu mối, do Công ty Sông Hồng Thăng Long làm chủ đầu tư, bị đưa vào danh mục thu hồi. Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo", Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, đã gặp bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đặt vấn đề được thực hiện dự án, thông qua việc Hậu mua lại Công ty Sông Hồng Thăng Long và thành lập pháp nhân mới là Công ty Thăng Long.
Bà Lan đồng ý và chỉ đạo cấp dưới hỗ trợ Hậu. Trong đó, Phạm Hoàng Anh, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khi đó là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, là người chủ trì các cuộc họp với sở, ngành, thống nhất thúc đẩy việc chia tách doanh nghiệp để thay đổi chủ đầu tư dự án.
Ông Hoàng Anh cũng là người ký văn bản đề nghị UBND tỉnh phê duyệt việc tách doanh nghiệp, nhằm giúp Công ty Thăng Long của Hậu "Pháo" được làm chủ đầu tư Dự án Chợ đầu mối.
Kết quả, Công ty Thăng Long được làm chủ đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất, được điều chỉnh kéo dài tiến độ thực hiện dự án.
Cáo trạng cáo buộc bà Lan còn chỉ đạo ông Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, quy mô, diện tích đối với nhà ở xã hội thấp tầng và nhiều hạng mục khác, nhằm giúp Công ty Thăng Long có lợi hơn.
Bên cạnh đó, Hậu "Pháo" còn tác động để hạ giá trị quyền sử dụng đất được UBND tỉnh giao, từ đó giúp Công ty Thăng Long giảm số tiền sử dụng đất phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 200 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cáo buộc, tại Dự án Chợ đầu mối này, Hậu "Pháo" đã chi gần 50 tỷ đồng và 2,36 triệu USD để hối lộ cho bà Lan, ông Thành, Hoàng Anh, ông Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch tỉnh), Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính) và ông Chu Quốc Hải (cựu Phó giám đốc Sở TN&MT).
Đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, cáo trạng thể hiện từ tháng 7/2017 đến đầu năm 2022, Hậu đưa bà Lan 3 lần, tổng 25 tỷ đồng và 1 triệu USD.
Lần đầu tiên vào tháng 7/2017, Hậu đưa bà Lan 20 tỷ đồng để nhờ tạo điều kiện cho thực hiện dự án.
Lần thứ 2 vào ngày 19/3/2021, bà Lan nhận 1 triệu USD từ Hậu để giúp đỡ trong việc triển khai thực hiện dự án. Lần cuối cùng vào khoảng đầu năm 2022, Hậu "Pháo" đưa bà Lan 5 tỷ đồng để xin thực hiện các dự án khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.