Cuốn sách 'Nguyễn Đình Thi với âm nhạc' là một món quà

Mới đây, tại Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2024, cuốn sách 'Nguyễn Đình Thi với âm nhạc' của nhà lý luận - phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu được trao giải A hạng mục Sách sưu tầm - nghiên cứu. Bên cạnh những nghiên cứu, cuốn sách có một số tư liệu và câu chuyện chưa từng kể về nhà thơ Nguyễn Đình Thi. PNVN đã trò chuyện với tác giả Nguyễn Thị Minh Châu về những câu chuyện này.

 Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Nhà văn Nguyễn Đình Thi

Món quà của yêu thương và lòng kính trọng

+ Được biết, nhiều nội dung trong cuốn sách này đã được bà ấp ủ những năm qua. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về hành trình của mình?

-Tôi bắt đầu hành trình "đi tìm chân dung âm nhạc" của Nguyễn Đình Thi từ hơn 10 năm trước. Là người đa tài, nhà văn Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn đáng ngưỡng mộ trong nhiều loại hình văn học nghệ thuật. Riêng trong âm nhạc, những đóng góp của ông cũng rất đặc biệt với vai trò là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền ca khúc Cách mạng, một trong những tác giả được phổ thơ nhiều nhất. Ông còn là tác giả lời ca của hơn 30 tác phẩm thanh nhạc. Trong mảng khí nhạc, Nguyễn Đình Thi đã chuyển soạn tác phẩm bất hủ "Người Hà Nội" cho nhạc thính phòng và dàn nhạc giao hưởng. Không những thế, giai điệu "Diệt phát xít" của ông nhiều lần được "tái sử dụng" để phục hiện sự kiện lịch sử đã qua trong một số tác phẩm giao hưởng của các nhà soạn nhạc khác.

Khi làm công việc này và in thành sách, tôi tâm niệm đây sẽ làm món quà sinh nhật lần thứ 100 dành cho bố dượng tôi- nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi - với tất cả tình yêu thương và lòng kính trọng. Sự ghi nhận bằng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trước sinh nhật của ông (ngày 20/12) làm cho món quà càng thêm ý nghĩa, vơi bớt những áy náy hơn 20 năm nay, trong đó có di nguyện trả lại cái kết như nguyên bản của nhạc phẩm "Người Hà Nội". Mong rằng ở nơi ấy, ông cũng thấy vui.

+ Để có một tác phẩm phê bình âm nhạc dày dặn, nhiều tư liệu và câu chuyện chưa từng được công bố như "Nguyễn Đình Thi với âm nhạc" hẳn là một công việc mà bà đã dành nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết?

- Đúng vậy! Đầu tiên, tôi phải thu thập tác phẩm. Điều này không hề đơn giản. Ngoài 2 ca khúc nổi tiếng, các bài hát khác của ông được xuất bản chủ yếu từ giữa thập niên 40 thế kỷ XX. Tôi đã kỳ cạch ký âm một số bài trước khi may mắn tìm được bản in từ 80 năm trước. Tôi còn ký âm qua file nhạc một số bài phổ thơ Nguyễn Đình Thi của nhạc sĩ hải ngoại vì nghe nói không còn bản nhạc. Rất kỳ công và mất khá nhiều thời gian để tập hợp ca khúc và hợp xướng phổ thơ Nguyễn Đình Thi, càng khó khăn hơn với các bản chuyển soạn "Người Hà Nội" cho hòa tấu thính phòng và dàn nhạc của các nhạc sĩ đã mất.

Việc in ấn cũng không dễ dàng. Kinh phí hạn hẹp, in xong mới tá hỏa tam tinh: Dù giấy khổ lớn mà vẫn không hiện rõ các dòng kẻ trong tổng phổ dàn nhạc. Sách quảng bá tác phẩm âm nhạc mà không đọc được nốt nhạc thì… vứt! Bắt buộc phải xoay xở mọi cách để in lại cho chuẩn chỉnh một "chân dung âm nhạc".

Bìa cuốn sách “Nguyễn Đình Thi với âm nhạc”

Bìa cuốn sách “Nguyễn Đình Thi với âm nhạc”

"Nhà văn bẽn lẽn khi được gọi là nhạc sĩ"

+ Trong những năm tháng được sống bên cạnh người bố dượng - nhà văn Nguyễn Đình Thi, bà nhận thấy điều gì về phẩm chất nhạc sĩ trong ông?

- Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: "Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ, vì chỉ viết được hai bài hát. Thực ra ba bài. Bài thứ ba là bài "Voi" ca ngợi bộ đội pháo binh. Bài hát được văn công dựng đi biểu diễn cho chiến sĩ ngoài mặt trận, được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát động viên. Nhưng cũng chỉ đến đó, tôi thấy tạng mình không thể viết được bài hát nữa, nên thôi không dám viết thêm". Nhà văn Nguyễn Đình Thi không thoải mái, thậm chí bẽn lẽn khi được gọi là nhạc sĩ. Có lẽ niềm phấn khích khi Bắc-Nam sum họp đã giúp ông quên e ngại để viết thêm bài cuối sau 30 năm chia tay âm nhạc. Còn bài nào sáng tác đầu tiên vẫn là ẩn số. Song, qua những bài hát mà tôi tìm được vẫn có thể rút ra đôi điều về "chất nhạc" ở ông.

Nếu trong văn của Nguyễn Đình Thi có một "Người Thơ" độc đáo và tự do, không bị trói buộc vào khuôn mẫu cấu trúc hay âm vần, vào số từ trong câu hay số câu trong bài, thì trong nhạc cũng có một Nguyễn Đình Thi tiên phong, sớm hướng tới cái mới chưa biết đến bao giờ trong cấu trúc và hình thức âm nhạc, cũng như xu hướng tư duy khí nhạc trong ngôn ngữ thanh nhạc.

Đội ngũ lý luận và phê bình âm nhạc còn… lưa thưa

+ Ngoài mảng lý luận, phê bình âm nhạc, Nguyễn Thị Minh Châu còn sáng tác ca khúc. Dường như đó là những khoảnh khắc bà dịu lại, những khoảng lặng giữa bộn bề công việc?

-Tôi không coi sáng tác là nghề tay trái. Tôi viết ca khúc chủ yếu cho riêng mình, để nói những gì có thể khiến mình "nổ tung". Và đây là cách tốt nhất để vượt qua stress. Viết xong lấy lại cân bằng được rồi thì bài hát cũng hết "hiệu lực", không có điều kiện và thời gian để quan tâm đến nó nữa, cất ngăn kéo thôi. Chỉ các bài hát thiếu nhi là được sử dụng vì tôi thường viết cho con. Có lúc viết theo đặt hàng của trường mầm non, trường thi văn nghệ được giải thành phố nên cho dù con hư (khó ăn, khó ngủ) các cô cũng chiếu cố cho (cười). Khi con tôi học tiểu học, con ghét nhất môn thuộc lòng, người mẹ là tôi lại phổ nhạc cho bài thơ để con dễ nhớ. Tôi viết bài hát để nói thay con hoặc trò chuyện với con, hiện giờ là với cháu nội. Các ca khúc thiếu nhi của tôi đều đã thu âm tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có 2 bài được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhà lý luận - phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu

Nhà lý luận - phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu

+ "Buổi chiều ấy", một thi phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết năm 1984 cũng từng được bà phổ nhạc thành ca khúc "Chiều ấy". Giai điệu ấy đã đến với nhà lý luận - phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu theo cách nào?

- Nhiều năm về trước, ở "tuổi xế chiều", nhà văn Nguyễn Đình Thi và mẹ tôi - NSND Tuệ Minh- tái ngộ sau nhiều mất mát đắng cay trong đời. Tôi là một trong hai độc giả đầu tiên của bài thơ "Buổi chiều ấy" mà bố viết tặng mẹ. Một lần, bố con tôi tình cờ được thưởng thức qua Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh ca khúc "Chiều ấy" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Bố dượng tôi trầm ngâm và bày tỏ giá như giai điệu "bắt" trúng hơn tâm trạng, cảm xúc của lời thơ. Ông nhẹ nhàng bảo tôi: "Con viết lại cho bố". Tôi đã suy nghĩ rất lâu và mãi tới khi hung tin bố bị ung thư giai đoạn cuối đến với cả gia đình. Từ bệnh viện trở về, trong khoảnh khắc đau đớn, bần thần ấy, giai điệu mà tôi "nợ" bố tự nhiên vang lên trong đầu. Giai điệu bài "Chiều ấy" đã tuôn ra trên quãng đường từ bệnh viện trở về nhà. Tôi đã hát ca khúc ấy cho bố nghe khi ông nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời, khi sức khỏe đã yếu lắm. Mấy ngày sau thì ông hôn mê rồi qua đời một tuần sau đó.

+ Có thể thấy số lượng và vai trò của nữ giới trong lý luận, phê bình âm nhạc ở nước ta vẫn còn thưa thớt và chưa đậm nét. Nguyễn Thị Minh Châu cũng từng có một số chuyên luận chạm tới vấn đề này. Theo bà, nguyên do là vì đâu?

- Đội ngũ lý luận và phê bình âm nhạc chẳng cứ nữ, cả nam cũng lưa thưa. Trên báo chí hiện nay, các bài viết về âm nhạc vẫn chủ yếu là bình luận lời ca chứ chưa đi sâu vào phân tích giai điệu, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Như thế thì vẫn chưa thể coi là phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Theo tôi, lý do khiến chúng ta thiếu hụt đội ngũ phê bình âm nhạc đúng nghĩa là do Học viện âm nhạc và các nhạc viện ở ta vẫn chưa đào tạo chuyên ngành phê bình. Thứ nữa là sinh viên ngành lý luận âm nhạc ra trường thường chỉ chọn nghiên cứu và giảng dạy vì nghề phê bình dễ va chạm. Và nữa, ngay trong giới âm nhạc cũng chưa nhiều người hiểu đúng bản chất của phê bình là ngành lưỡng tính: Vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu sinh năm 1957 ở Hà Nội. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bà được đào tạo chính quy chuyên ngành Piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và chuyên ngành Lý luận âm nhạc tại Viện Hàn lâm Âm nhạc Gnesin, Moskva (Liên Xô cũ). Bà có gần 20 công trình nghiên cứu phê bình đã xuất bản và công bố.

Võ Hà (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuon-sach-nguyen-dinh-thi-voi-am-nhac-la-mot-mon-qua-20250110140632315.htm
Zalo