Bảo tàng cách mạng trong lòng dân - Nơi lưu giữ mùa Xuân chiến thắng
'Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân' mãi mãi trường tồn trong lòng dân. Đầu xuân năm mới, dân làng Cổ Hiền mong ước việc gìn giữ những 'báu vật' của chiến tranh đón nhận được sự chung tay của các ngành, các cấp cùng người dân trên quê hương Quảng Bình.
Đã hơn 50 năm trôi qua, đến bây giờ, người dân xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ chuyến thăm, chúc Tết Quý Sửu năm 1973 của Tổng Bí thư Lê Duẩn với bộ đội Trường Sơn và Đảng bộ, nhân dân xã này. Cho đến hôm nay, người dân Hiền Ninh vẫn giữ gìn cẩn thận những hiện vật “một thời khói lửa” theo cách riêng của mình tại một bảo tàng “đặc biệt”, đó là “Bảo tàng cách mạng trong lòng dân”.
Làng Cổ Hiền xã Hiền Ninh là vùng đất trù phú nằm bên dòng Đại Giang, là một trong “tứ danh hương” của huyện Quảng Ninh xưa. Nơi đây có đường 15A trong hệ thống đường Trường Sơn cắt qua xã ở bến phà Long Đại, “tọa độ lửa” khốc liệt một thời. Từ năm 1971-1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn về đóng quân trên địa bàn xã. Mỗi tấc đất, mỗi địa danh nơi này gắn liền với dấu ấn của bộ đội Trường Sơn.
Với người làng Cổ Hiền, trong những năm chiến tranh khốc liệt, tất cả một lòng nêu cao khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, sẵn sàng huy động sức người, sức của, công trình, nhà ở để phục vụ chiến đấu, tất cả vì tiền tuyến miền Nam. Mỗi lần đi qua các di tích lịch sử này, người Hiền Ninh vẫn như thấy bóng dáng vị tướng Tư lệnh bộ đội Trường Sơn và trùng trùng, điệp điệp lớp quân đi.
Thành thông lệ, cứ ngày Rằm tháng Chạp hàng năm, con cháu nhà họ Lê, họ Nguyễn, xã Hiền Ninh lại quây quần về nhà thờ họ để giỗ chạp. Bên mâm lễ ngày cuối năm, các bậc trưởng lão lại kể cho con cháu những câu chuyện oai hùng thời đánh Mỹ.
Nhà thờ họ Lê nằm bên cánh đồng lúa Hiền Ninh xanh bát ngát. Năm xưa, nơi đây được chọn làm Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559. Ngồi dưới mái hiên nhà thờ họ Lê, nhai miếng trầu cay, nhấp ngụm trà chát ngọt, cụ Lê Mậu Xuyên, ở thôn Cổ Hiền bồi hồi nhớ lại chuyện của hơn 50 năm về trước. Năm đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm bộ đội, thăm nhân dân, một chuyến thăm “không hẹn trước” làm mọi người không khỏi bất ngờ.
Ngày đó, ông Lê Mậu Xuyên là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hiền Ninh. Bây giờ đã ngoài tuổi 90 nhưng ông Xuyên nhớ mãi hình ảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến về thăm, chúc Tết Quý Sửu năm 1973 với bộ đội Trường Sơn và Đảng bộ và nhân dân trong xã. Trong không khí đầm ấm của mùa xuân chiến thắng, Tổng Bí thư khen ngợi bộ đội Trường Sơn, nêu rõ tầm quan trọng đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... Đó cũng là con đường thắm tình đoàn kết của các dân tộc 3 nước Đông Dương...
Sáng mồng 2 Tết năm đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Chính ủy Đặng Tính đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cầu phao Long Đại và Binh trạm 12. Trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 12, đồng chí Lê Duẩn khẳng định, Tổ quốc ta, Nhân dân ta rất tự hào có những người con kiên cường, dũng cảm như các đồng chí.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhà thờ họ Lê vẫn còn đó như 1 chứng tích lịch sử. Ông Lê Mậu Xuyên nhớ lại, lúc đó, nhiều người không ngờ rằng Tổng Bí thư về với Hiền Ninh. Lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trước, tiếp sau đó Tổng Bí thư Lê Duẩn về, theo sau có đoàn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Đại tá Đặng Tín. Một kỷ niệm tôi nhớ nhất lúc này là tổ chức đoàn văn công tại 2 điểm, 1 điểm tại hội trường nhưng ở đây không đủ sức chứa người xem nên mới tổ chức 1 đoàn văn công ra biểu diễn phía ngoài bờ sông. Đêm đó ngoài bờ sông và cả trong hội trường đều có đoàn văn công biểu diễn.
Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và qua 14 năm thành lập, vận hành tuyến chi viện Trường Sơn, lần đầu tiên, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức đại hội mừng công, khai mạc tại hội trường Đoàn 559 ở xã Hiền Ninh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương tham dự đại hội này. Chuyến viếng thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm ai nấy đều bất ngờ.
Trước Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Chiến công của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân trên tuyến đường mang tên Bác góp phần xứng đáng vào thắng lợi của các chiến trường. Cũng vào tháng 3/1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn nhận lệnh từ Chính phủ, Bộ Quốc phòng đón tiếp đoàn Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc và Hoàng hậu từ Trung Quốc qua Hà Nội, vượt Trường Sơn về thăm nơi đây. Được tổ chức đưa đón trọng thị, chu đáo, an toàn, Quốc trưởng và Hoàng hậu vô cùng cảm kích và xúc động trong chuyến đi này.
Dấu ấn về Bộ đội Trường Sơn, về quá trình đấu tranh cách mạng của quê hương được người dân Hiền Ninh lưu giữ rất “đặc biệt” trong một bảo tàng “đặc biệt”. Đó là “Bảo tàng cách mạng trong lòng dân” với hơn 200 hiện vật, tranh ảnh được sưu tầm, cất giữ suốt hành trình gần 70 năm. Bảo tàng hiện có rất nhiều kỷ vật chiến tranh như khẩu súng chính tay đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn giao cho ông Nguyễn Đức Thể sử dụng.
Rất nhiều hiện vật là mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ; các dụng cụ mà bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong, nhân dân sử dụng trong thời chiến gắn bó với những năm tháng ác liệt tại tọa độ lửa phà Long Đại, như: Ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước... Hay như bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đảng bộ và Nhân dân xã Hiền Ninh dịp Tết Ất Hợi năm 1995.
Ông Nguyễn Viết Lùng, trưởng họ Nguyễn, làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh giới thiệu về ý nghĩa của bảo tàng lòng dân như thế này: “Có rất nhiều con em của 3 dòng họ tham gia kháng chiến. Người thì cầm súng, lựu đạn, người thì cầm kiếm, dao, tất cả đều ra trận. Bây giờ tất cả đều là kỷ vật của những con người tham gia cách mạng. Khi xã Hiền Ninh chuẩn bị đón xã anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, con em trên quê hương ai lưu giữ được kỷ vật gì liên quan đến cách mạng thì đều cống hiến, đưa đến tặng cho bảo tàng xã Hiền Ninh”.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh nhớ mãi những ngày ông cùng đoàn công tác ra Hà Nội gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Trong lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên kể lại nhiều câu chuyện cảm động khi Binh đoàn 559 đóng quân tại xã Hiền Ninh. Và cũng chính nơi đây, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã giao nhiệm vụ rất quan trọng đối với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Binh đoàn 559. Đó là bảo đảm công tác hậu cần chi viện cho chiến trường miền Nam, chuẩn bị cho trận đánh lớn, cuộc tổng tiến công đi đến thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng luôn ghi nhớ lời dặn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, theo lời kể của ông Hùng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hiền Ninh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng để xây dựng quê hương. Ông rất mong muốn giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử trên địa bàn, nơi mà sở chỉ huy của Binh đoàn 559 đóng quân, giữ gìn các hiện vật của bộ đội để lại, hiện vật trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu rất quý. Tôn tạo, phát huy để sau này giáo dục truyền thông cách mạng cho thế hệ trẻ”.
Trong số các hiện vật trong bảo tàng này có nhiều kỷ vật lịch sử rất giá trị như: cây kiếm tự tạo của ông Nguyễn Văn Phúc người làng Cổ Hiền luôn mang bên người khi hoạt động du kích từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám; một lưỡi lê của ông Nguyễn Viết Hạ, du kích làng Cổ Hiền; cây đại đao của ông Trương Đình Trung như “vật bất lý thân” đi theo ông trong những năm đầu chống Pháp... Mỗi kỷ vật là một câu chuyện dài của những người dân yêu nước, của những người lính kiên trung dũng cảm…
Ông Phạm Trung Đông, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trăn trở khi các di tích chiến tranh đã đang xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây bảo tàng này còn mở cửa cho bà con và các cháu học sinh đến tham quan. Sau 1 thời gian nhà cửa ở đây xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn. Xã có tu sửa sơ qua nhưng sau 1 thời gian lại hư hỏng. Theo ông Đông, vừa rồi huyện có đề nghị với tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí để tôn tạo, tu sửa, nâng cấp, có hình thức khôi phục, bổ sung thêm hiện vật của bảo tàng. Huyện rất mong cấp trên quan tâm hỗ trợ.
“Bảo tàng cách mạng giữa lòng dân” mãi mãi trường tồn trong lòng dân. Đầu xuân năm mới, dân làng Cổ Hiền mong ước việc gìn giữ những “báu vật” của chiến tranh đón nhận được sự chung tay của các ngành, các cấp cùng người dân trên quê hương Quảng Bình.