Cuộc điện đàm Trump – Putin: Đòn bẩy để giải quyết xung đột Nga – Ukraine?

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2 đã gây chú ý lớn trên toàn cầu. Dù được đánh giá cao từ hai bên, cuộc điện đàm này cũng gây tranh cãi gay gắt từ phía Ukraine và các đồng minh châu Âu. Liệu điều này có phải là bước đi quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine?

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Trump – nhân tố quan trọng kết thúc cuộc chiến Nga – Ukraine?

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 12/2, Tổng thống Trump cho biết đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, đồng thời nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí để nhóm chung bắt đầu đàm phán ngay lập tức nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine sau gần ba năm cuộc chiến.

Thông báo của ông Trump được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói với các đồng minh rằng Ukraine không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ do quân đội Nga kiểm soát và sẽ không được NATO bảo vệ an ninh như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Về phía Nga, Điện Kremlin xác nhận cuộc điện đàm giữa Tổng thống nước này Putin với người đồng cấp phía Mỹ Trump. Trả lời với các phóng viên sau cuộc điện đàm, người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết: "Chủ đề về giải quyết vấn đề Ukraine đã được thảo luận. Tổng thống Trump đã phát biểu ủng hộ việc sớm chấm dứt thù địch và giải quyết vấn đề một cách hòa bình".

Ông Peskov nói thêm: "Về phần mình, Tổng thống Putin đã đề cập đến nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và nhất trí với ông Trump rằng có thể đạt được một giải pháp lâu dài thông qua đàm phán hòa bình".

Trong ngày 13/2, ông Peskov nói với các phóng viên rằng Moskva đã bắt đầu chuẩn bị một nhóm đàm phán để tổ chức một cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Ông Peskov nói: "Chắc chắn đã bắt đầu. Và khi tổng thống đưa ra quyết định phù hợp, chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn",

Khi được hỏi liệu đại diện Mỹ có dự kiến sẽ đến thăm Moskva trong tương lai gần hay không, ông Peskov trả lời: "Chưa. Cho đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể nào về vấn đề này".

Trước những động thái trên của chính quyền Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai nhượng bộ trước Tổng thổng Nga Putin khi các cuộc đàm phán về Ukraine thậm chí còn chưa bắt đầu. Ông gọi đó là điều đáng tiếc khi Tổng thống Mỹ đã đơn phương tuyên bố bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin để chấm dứt cuộc chiến của Điện Kremlin với Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cũng đồng tình với những phát biểu của người đồng cấp phía Đức. Ông tuyên bố: "Chúng ta không được trao cho Nga bất kỳ lợi thế nào trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu".

Liệu Ukraine đang bị gạt sang một bên?

Ông Trump cho biết rằng "chúng ta đang trên con đường đạt được hòa bình". Các nhà phân tích cho rằng không rõ khi phát biểu như trên, ông Trump đã làm rõ liệu phía Ukraine và Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky có tham gia trực tiếp vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào hay không. Nếu không, việc loại trừ Kiev sẽ được đánh giá là phù hợp với mong muốn trong thời gian qua của Tổng thống Putin khi muốn gạt Ukraine sang một bên. Trước đó, vị lãnh đạo Nga đã bác bỏ vai trò Tổng thống của ông Zelensky khi xem đó là bất hợp pháp khi nhiệm kỳ của ông đã kết thúc từ năm ngoái.

Việc Kiev không tham gia các cuộc đàm phán sẽ là một sự thay đổi đáng kể so chính sách trong nhiều năm qua của Mỹ và đồng minh - vốn được định hướng theo nguyên tắc "không nói gì về Ukraine mà không liên quan đến Ukraine" dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Lúc đương nhiệm, ông Biden cũng đã từ chối trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin khi cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.

Tuy vậy, ông Trump cũng thông báo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky sau cuộc điện đàm với ông Putin. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng hai người đã thảo luận về các cơ hội để đạt được hòa bình, thảo luận về sự sẵn sàng hợp tác ở cấp độ nhóm và khả năng công nghệ của Ukraine - bao gồm thiết bị bay không người lái và các ngành công nghiệp tiên tiến khác.

Trong khi về phía Tổng thống Trump, trên một bài viết trên mạng xã hội Truth Social, ông cho biết Tổng thống Ukraine Zelensky cũng giống như Tổng thống Putin đều muốn tạo ra hòa bình. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump có sự thay đổi khá nhiều so với người tiền nhiệm khi nhắc về Tổng thống Ukraine. Ông được cho là cũng đã ám chỉ về vấn đề nhiệm kỳ của ông Zelensky khi từng cho rằng "vào một thời điểm nào đó, bạn sẽ có một cuộc bầu cử".

Bên cạnh các cuộc điện đàm, Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã được lên lịch trình trong sự kiện Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào cuối tuần tại Đức. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng Đặc phái viên Ukraine-Nga của Tổng thống Trump, ông Keith Kellogg sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới Đức, Bỉ và Ukraine vào ngày 13/2 (theo giờ địa phương).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đã nói trước những phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump bằng cách nói với các đồng minh ở Bỉ vào ngày 12/2: "Máu phải ngừng đổ và cuộc chiến này phải kết thúc". Bài phát biểu của ông Hegseth được xem là bản mô tả chi tiết nhất về thỏa thuận hòa bình mà chính quyền Tổng thống Trump mong muốn kể từ khi ông trở lại Phòng Bầu dục.

Những tín hiệu từ Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại ở Ukraine và các nước rằng Kiev sẽ bị buộc phải nhượng bộ về lãnh thổ và chính trị để đổi lấy việc chấm dứt giao tranh. Trong một bài viết trên X, ông John Bolton -- cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump đã nói rằng cách tiếp cận của tổng thống tương đương với việc "bán rẻ" Ukraine và "ông Trump thực sự đã đầu hàng ông Putin về vấn đề Ukraine".

Những phát biểu mới nhất của Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cũng làm dấy lên mối lo ngại bên trong Ukraine. "Đó là một dấu hiệu xấu khi ông ấy nói chuyện trước với ông Putin, chứ không phải với ông Zelensky", ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine cho biết. Ông nói thêm: "Một cuộc gọi điện thoại như vậy tự nó đã là phần thưởng cho ông Putin. Nó giống như một sự phá vỡ sự cô lập chính trị của ông ấy".

Áp lực cho việc hòa bình dường như đang gia tăng cả trong và ngoài nước của Ukraine. Theo một cuộc thăm dò của Gallup công bố vào tháng 11/2024 cho thấy hầu hết người dân Ukraine ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này. Bài diễn văn công khai của Tổng thống Ukraine Zelenskyy cũng dường như phản ánh chính xác những mong muốn này mặc dù ông đã cảnh báo rằng không có thỏa thuận hòa bình nào có thể bền vững nếu không có sự đảm bảo an ninh cụ thể của Mỹ.

Những nỗ lực của Nga và Ukraine để tạo lợi thế trước đàm phán hòa bình

Cả Moskva và Kiev đều đang tìm cách tạo đòn bẩy để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán được nối lại. Các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều bày tỏ sự sẵn sàng nối lại đàm phán, mặc dù không bên nào cho biết sẽ nhượng bộ đáng kể.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã gặp Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tại Kiev để thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng nhằm đảm bảo Mỹ tiếp cận được nguồn khoáng sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Ukraine.

Bên cạnh đó, Kiev cũng gia tăng tìm kiếm sự đồng thuận, hỗ trợ từ chính đồng minh của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga. Vừa qua, Kiev và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã kêu gọi thành lập một mặt trận đàm phán thống nhất.

"Chúng tôi mong muốn thảo luận về con đường phía trước cùng với các đồng minh Mỹ", tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Đức , Ba Lan, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Ukraine, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu cho biết. Tuy bố cũng nêu rõ: "Mục tiêu chung của chúng ta là đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào".

Bà Kaja Kallas, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của EU, phát biểu trên mạng xã hội X: "Sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là vô điều kiện".

Trong khi đó về phía Nga, trong tuần này, Nga và Mỹ đã kết thúc một cuộc trao đổi tù nhân được Tổng Trump mô tả là một cử chỉ thiện chí có thể giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Đáng chú ý cũng trong tuần, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết Ukraine sẽ sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ mà nước này chiếm được ở tỉnh Kursk phía Tây của Nga để đổi lấy việc giải phóng một số lãnh thổ của Ukraine do quân đội Moskva kiểm soát.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng này khi cho đó là điều bất khả thi tại cuộc họp báo vào ngày 12/2. Ông Peskov nói: "Nga chưa bao giờ thảo luận về việc trao đổi lãnh thổ của mình và sẽ không bao giờ làm như vậy. Tất nhiên, các đơn vị Ukraine sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ này. Tất cả những ai không bị loại bỏ sẽ bị trục xuất".

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo ABC News)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-dien-dam-trump-putin-don-bay-de-giai-quyet-xung-dot-nga-ukraine-20250213224852323.htm
Zalo