Cuộc chiến kinh tế, thương mại chưa từng có
Dư luận bàn luận rằng lúc này không khác gì 'đêm trước' của cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, nhưng là chiến tranh kinh tế, thương mại.
Những ngày qua cả thế giới nóng lên, chao đảo, thậm chí hoảng loạn bởi quyết định áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả hòn đảo của Úc không người ở, chỉ có chim cánh cụt định cư. “Tác giả” chính của đòn trả đũa này là nhà kinh tế lớn, từng là trợ lý Tổng thống Trump khóa 45, ông Navarro.
Với quyết tâm làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump và ê kíp đã khiến thông tin toàn cầu tập trung cao độ vào chương trình áp thuế và cuộc chiến thương mại toàn cầu, tạm quên đi cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông, vụ động đất khủng khiếp tại Myanmar, Thái Lan, việc Tổng thống Hàn Quốc bị tòa hiến pháp tuyên án phế truất…
Dư luận bàn luận rằng lúc này không khác gì “đêm trước” của cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, nhưng là chiến tranh kinh tế, thương mại. Không còn “toàn cầu hóa” nữa, trật tự luật pháp trong thương mại quốc tế đang bị Mỹ vứt bỏ. Vai trò của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế bị lu mờ, có nguy cơ phá sản, giải tán, chẳng hạn WTO, WB, IMF… Chẳng biết đâu mà tính.
Lần này, ông Trump quyết đạt mục đích “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” với tinh thần “Nước Mỹ trên hết”, đồng thời để thực hiện lời hứa lúc tranh cử. Nước Mỹ bấy lâu nay ỷ lại vào việc sở hữu và quyền ban phát đồng USD của mình cho cả thế giới. Mỹ nhập siêu hầu hết những hàng hóa mà mình cần. Nợ công trên dưới 35.000 tỉ USD. Công nghiệp phát triển quá chậm ở nhiều lĩnh vực, thậm chí thua xa Trung Quốc, Canada, Ấn Độ, Mexico, châu Âu.
Về nhiều mặt, Mỹ đang lo sợ Trung Quốc soán ngôi siêu cường. Mỹ nợ Trung Quốc hàng ngàn tỉ USD; trong khi người, hàng hóa, văn hóa Trung Hoa đang tràn ngập và lũng đoạn thị trường Mỹ. Các nước châu Âu già nua không mặn mà hợp tác với Mỹ trong tài chính, quân sự, thương mại, lâu nay còn lợi dụng Mỹ “dễ tính”.
Hành động và chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu và cả nước Mỹ. Nửa triệu người Mỹ biểu tình. Các nghị sĩ dân chủ đòi luận tội tổng thống, nhưng chắc khó vì ở hai viện, đảng Cộng hòa vẫn thế áp đảo.
Thị trường chứng khoán Mỹ và nhóm G.7, G.20 tràn ngập sắc đỏ xuống kịch sàn. Nhiều tỷ phủ hàng đầu thế giới mất hàng tỉ, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ USD. Nhiều nước xếp hàng gặp đại diện Nhà Trắng để thảo luận về mức thuế và giãn hạn áp dụng. Cuối cùng thì Tổng thống Donald Trump đã đột ngột tuyên bố gia hạn 90 ngày việc áp thuế đối ứng với 75 nước và vùng lãnh thổ. Riêng với Trung Quốc thì áp dụng ngay 125% sau khi Trung Quốc áp 84% với hàng loạt hàng hóa Mỹ, ngoài ra gần chục thực thể Mỹ bị đưa vào vòng cấm. Kim ngạch Trung Quốc xuất sang Mỹ 500 tỉ USD trong khi Mỹ chỉ xuất sang Trung Quốc có 150 tỉ USD, tức là Mỹ nhập siêu hơn 300%, nên mới sinh chuyện.
Thế giới đang diễn ra cuộc chiến thương mại chưa từng có với quy mô toàn cầu và hậu quả chưa thể lường hết được, cả đối với nước gây ra cuộc chiến và nước bị tấn công.
Việt Nam - đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ cũng bị áp thuế 46%. Bằng sự nhanh nhạy, quyết đoán, kịp thời với bản lĩnh tự tin, Tổng Bí thư Tô Lâm là nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên điện đàm với Tổng thống Donald Trump để mở ra hướng giải quyết cùng có lợi. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ngay lập tức và liên tục họp chính phủ cùng các bộ ngành liên quan để chỉ đạo, xử lý. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc được cử làm Đặc phải viên của Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn quan chức và doanh nghiệp Việt Nam sang Washington đàm phán với Mỹ…

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ những năm qua - Ảnh: Internet
Cuộc chiến thương mại này khiến cả Mỹ lẫn các nước khác trên thế giới thức tỉnh. Làm ăn phải công bằng, phải cấu trúc lại nền thương mại và cán cân thanh toán. Kinh tế toàn cầu bị thiệt hại thì Mỹ cũng không tránh khỏi. Chả nói đâu xa, chính tỷ phú Elon Musk - nhân vật nòng cốt của bộ máy đang điều hành nước Mỹ đã phần nào “ngấm đòn” thiệt hại kinh tế.
TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ