Chính quyền Tổng thống Trump muốn gì trong đàm phán thuế với các nước?

Mặc dù mục tiêu thực sự của Nhà Trắng vẫn còn nhiều điều khó đoán, một bức tranh cụ thể hơn về các cuộc đàm phán thương mại đang dần hé lộ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng trong hôm 10/4. Ảnh: Washington Post.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng trong hôm 10/4. Ảnh: Washington Post.

Thêm đơn đặt hàng khí đốt tự nhiên từ các công ty Mỹ. Gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Giảm thuế đối với các “gã khổng lồ” công nghệ ở Thung lũng Silicon...Đó chỉ là vài trong số những yêu cầu được cho là sẽ xuất hiện trên bàn đàm phán mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xúc tiến với nhiều quốc gia.

Dù các mục tiêu cụ thể của Nhà Trắng vẫn chưa thật sự rõ ràng, một khung cảnh đàm phán song phương đang dần hình thành, theo chia sẻ từ rất nhiều nguồn tin tham gia hoặc được báo cáo về tiến trình này.

Hôm 9/4, ông Trump bất ngờ ra lệnh tạm ngừng triển khai gói thuế quan quy mô lớn nhằm vào hơn 70 quốc gia. Lý do chính thức được đưa ra là do những biến động bất thường của thị trường trái phiếu. Theo Tổng thống, mức thuế này sẽ được tạm hoãn trong vòng 90 ngày – khoảng thời gian đủ để các cố vấn của ông và các đối tác nước ngoài tìm kiếm một loạt thỏa thuận hợp lý. Ông cho biết các cuộc đàm phán đã bắt đầu với những đối tác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel và nhiều nước khác.

Cần lưu ý rằng trong khi tạm ngưng áp thuế lên phần lớn các đối tác, ông Trump vẫn giữ nguyên mức thuế 10% đối với gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và đồng thời nâng mức thuế lên hơn 100% đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc.

Các quan chức Nhà Trắng tỏ ra lạc quan rằng một số thỏa thuận có thể được hoàn tất trong vài tuần tới.

“Vấn đề duy nhất là họ không có đủ thời gian trong ngày”, Tổng thống Trump nói về đội ngũ của mình. “Ai cũng muốn đến để ký một thỏa thuận”.

Tuy nhiên, điều khiến không ít đối tác – và thậm chí cả nội bộ Nhà Trắng – bối rối là: rốt cuộc những thỏa thuận này sẽ như thế nào? Ngay cả một số cố vấn thân cận của ông Trump cũng thừa nhận họ chưa thực sự nắm rõ ông muốn đạt được điều gì, theo một số nguồn tin được tờ Washington Post dẫn lại.

Ông Trump lâu nay vẫn nhấn mạnh mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác – một quan điểm bị nhiều chuyên gia kinh tế cả cánh tả lẫn cánh hữu chỉ trích là phi thực tế.

Việc kỳ vọng Mỹ có thể xuất khẩu sang các quốc gia nghèo với quy mô tương đương lượng hàng hóa mà họ bán sang Mỹ là điều không thực tế – và nếu cố theo đuổi mục tiêu này, nền kinh tế Mỹ có thể phải gánh chịu những hậu quả không nhỏ.

Điều khiến giới chức Mỹ và quốc tế bối rối hơn là phát biểu của cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro hồi tuần trước. Ông Navarro chỉ trích khoản đầu tư hàng tỷ USD của hãng xe Đức BMW vào một nhà máy tại South Carolina là “bất lợi cho nước Mỹ” – trong khi đây rõ ràng là một ví dụ điển hình về việc mang sản xuất trở lại nội địa mà ông Trump từng nhiều lần cổ vũ.

“Chúng tôi không rõ họ thực sự muốn gì. Tệ hơn, các quốc gia khác cũng không biết Trump đang nhắm đến điều gì,” ông Doug Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ – một tổ chức nghiên cứu từng chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump – nói. “Tôi không hiểu làm sao có thể đàm phán trong hoàn cảnh như vậy.”

Khởi đầu chậm chạp

 Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi lễ ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi lễ ký sắc lệnh tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Giữa bối cảnh thiếu định hướng, các đại sứ, đại diện thương mại và quan chức cấp cao phải tự liên lạc, nhắn tin cho nhau để chia sẻ thông tin. Họ bàn về việc liệu nên làm việc với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent hay Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, và tìm hiểu xem ý tưởng nào có thể khiến đội ngũ của ông Trump cảm thấy hứng thú.

Tuy vậy, tiến độ đàm phán vẫn rất chậm. Một nhà ngoại giao cấp cao từ một đối tác thương mại lớn của Mỹ cho biết, ngay sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế, Nhà Trắng hoàn toàn im lặng về những nhượng bộ cần có thể giúp giảm mức thuế. Phải đến khi ông Trump tạm hoãn lệnh áp thuế cao nhất, giới chức Mỹ mới tỏ ra sẵn sàng bước vào đàm phán bình thường – tức là có đi có lại – thay vì chỉ đơn phương đưa ra yêu cầu.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phía Mỹ vẫn chưa đưa ra định hướng rõ ràng.

“Phía Ấn Độ rất khó xác định ai là người có quyền ra quyết định. Phía Nhật cũng không biết nên trao đổi với ai ở Mỹ. Mọi thứ vẫn vô cùng hỗn loạn”, một nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán cho biết.

Dù các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn đầu, những nét chính trong chiến lược thương mại mà nhóm của ông Trump đang theo đuổi đã dần lộ diện, theo nhận định từ giới chức và chuyên gia.

Các thỏa thuận mà chính quyền Trump muốn hướng tới sẽ được thiết kế riêng cho từng quốc gia, dựa trên những vấn đề cụ thể mà Washington cho là nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng. Những trợ lý thân cận của ông Trump như ông Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu là yêu cầu các quốc gia khác giảm cả thuế quan và các rào cản phi thuế quan.

Trong nhiều tuần qua, các chuyên gia tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã miệt mài phân tích chính sách thương mại của nhiều quốc gia – đặc biệt là Trung Quốc – để tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhập siêu cũng như xác định các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Mỹ. Những kết quả phân tích này sẽ là nền tảng cho các yêu cầu mà chính quyền Trump sẽ đưa ra trong đàm phán.

Khí đốt, thịt bò và công nghệ

 Các đòn thuế của ông Trump có thể gây ảnh hưởng tới người nông dân Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Các đòn thuế của ông Trump có thể gây ảnh hưởng tới người nông dân Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Hai nguồn tin nội bộ cho biết, các thỏa thuận đang được định hình có thể bao gồm những cam kết cụ thể nhằm hỗ trợ từng ngành công nghiệp trong nước.

Đơn cử, Nhật Bản có thể được khuyến khích mua số lượng lớn khí đốt tự nhiên của Mỹ. Tại châu Âu, các quy định nghiêm ngặt đối với các tập đoàn công nghệ và những hạn chế với thịt bò Mỹ nhập khẩu cũng có thể được đưa vào đàm phán. Do thuế quan giữa Mỹ và EU phần lớn đã được gỡ bỏ, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ xoay quanh các rào cản phi thuế quan.

Nông dân Mỹ – những người từng chịu thiệt hại nặng nề trong các cuộc chiến thương mại trước đây – cũng có thể được hưởng lợi nếu châu Âu đồng ý nới lỏng các quy định đối với một số mặt hàng nông sản Mỹ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn hoài nghi rằng những thỏa thuận mang tính ngành nghề riêng lẻ này liệu có thực sự giúp khôi phục lại thời kỳ vàng son của ngành sản xuất Mỹ hay không. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn đang dao động bất ổn dù ông Trump đã tạm dừng áp thuế, ông có thể cảm thấy cần đưa ra những thỏa thuận hẹp mang tính “chữa cháy”, thay vì để các biện pháp thuế quan một lần nữa gây gián đoạn với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, các quốc gia khác hoàn toàn có thể đáp trả bằng những đòn trả đũa – trong đó có cả việc xả trái phiếu Mỹ mà họ đang nắm giữ. Và cũng không thể bỏ qua tiền lệ: Ông Trump từng thể hiện sự sẵn sàng nhượng bộ khi thị trường tài chính rơi vào bất ổn – một điểm yếu mà các đối tác thương mại hoàn toàn có thể khai thác.

“Câu hỏi then chốt là: liệu họ sẽ chỉ đi ký những thỏa thuận hình thức để chiều lòng một vài ngành, hay sẽ thực sự theo đuổi những cam kết có ý nghĩa nhằm tái cân bằng thương mại và tạo không gian cho sản xuất nội địa?”, bà Lori Wallach, Giám đốc tổ chức Rethink Trade, nêu quan điểm. “Nếu kế hoạch chỉ là bắt châu Âu từ bỏ các chính sách bảo mật công nghệ để đổi lấy quyền bán thịt bò Mỹ, thì điều đó chẳng liên quan gì đến việc giảm thâm hụt thương mại kéo dài của Mỹ với phần còn lại của thế giới”.

Theo Washington Post

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chinh-quyen-tong-thong-trump-muon-gi-trong-dam-phan-thue-voi-cac-nuoc-post184562.html
Zalo