Ngừng nhập dầu Nga, nhà máy lọc dầu tại Đức gặp khó
Tại thị trấn Schwedt, miền đông nước Đức, nhiều người dân vẫn mong muốn nối lại nguồn cung dầu từ Nga - yếu tố từng giữ vai trò then chốt trong hoạt động của nhà máy lọc dầu địa phương. Ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu ban hành sau xung đột Nga - Ukraine.

Nhà máy lọc dầu Schwedt đã ngừng tiếp nhận dầu Nga do lệnh cấm vận của EU. Ảnh AFP
Tuyến ống dẫn dầu Droujba - nghĩa là “hữu nghị” trong tiếng Nga - được đưa vào hoạt động từ những năm 1960 để dẫn dầu từ Liên Xô cũ sang Đức, trở thành biểu tượng của thành phố nằm gần biên giới Ba Lan.
Kể từ tháng 1/2023, nhà máy lọc dầu Schwedt đã ngừng tiếp nhận dầu Nga do lệnh cấm vận của EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang có dấu hiệu nới lỏng, hi vọng phục hồi dòng chảy dầu Nga lại trỗi dậy tại thành phố 30.000 dân này.
“Rất nhiều người mong muốn dầu Nga có thể quay trở lại thông qua tuyến ống dẫn dầu Droujba”, ông Hans-Joachim Höppner, Chủ tịch Hội đồng thành phố, chia sẻ với AFP. Ông cũng là thành viên đảng CDU của Thủ tướng tương lai Friedrich Merz.
Nhà máy lọc dầu Schwedt - từng là tổ hợp công nghiệp lớn của Đông Đức - hiện đang sử dụng khoảng 1.200 lao động và là nguồn sống chính của thành phố. Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tương lai của nhà máy trở nên bấp bênh.
Ông Höppner nhận định nếu quan hệ giữa Đức và Nga được cải thiện, khả năng nhập lại dầu Nga là “hoàn toàn có thể”.
“Hãy dỡ bỏ cấm vận”
Dù vậy, chính quyền Đức vẫn giữ lập trường cứng rắn, bác bỏ mọi nới lỏng trừng phạt đối với Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin và không có kế hoạch nối lại quan hệ thương mại năng lượng.
Tuy nhiên, tân chính phủ của Thủ tướng Merz - dự kiến nhậm chức vào đầu tháng 5 - sẽ phải đối mặt với áp lực lớn do cuộc khủng hoảng công nghiệp và đà lên của đảng cực hữu AfD, vốn công khai kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
“Lệnh cấm vận này gây thiệt hại cho chúng ta còn nhiều hơn cho phía Nga”, bà Peggy Lindemann, nghị sĩ đảng AfD kiêm thành viên ban đại diện người lao động tại nhà máy, nhấn mạnh.
Bất ngờ hơn, ông Dietmar Woidke - Chủ tịch bang Brandenburg (nơi đặt nhà máy) và là thành viên đảng SPD của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz - cũng bày tỏ mong muốn “sớm quay lại quan hệ kinh tế bình thường với Nga”. Phát ngôn này gây xôn xao nội bộ SPD, hiện đang đàm phán để gia nhập liên minh cầm quyền cùng CDU.
Hiện nay, nhà máy Schwedt đang phải nhập dầu qua cảng Rostock của Đức và Gdansk của Ba Lan, với chi phí sản xuất tăng do phải tinh chế tới 25 loại dầu khác nhau. Công suất vận hành chỉ đạt khoảng 80% và tình hình tài chính đang “rơi vào thâm hụt”, theo ông Danny Ruthenburg, Chủ tịch ban đại diện lao động.
Ông cho rằng cần tìm giải pháp khẩn cấp để cứu lấy việc làm, bao gồm tăng lượng dầu nhập từ cảng hoặc cho phép nối lại cung cấp qua đường ống Droujba nếu chiến sự tại Ukraine kết thúc.
Chưa tìm được đối tác
Công ty vận hành nhà máy - PCK, hiện do Rosneft Deutschland nắm đa số cổ phần, nhưng đã bị đặt dưới quyền quản lý tạm thời của Chính phủ Đức từ tháng 9/2022. Quyền kiểm soát này mới được gia hạn, kèm theo cam kết Rosneft sẽ bán lại cổ phần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được bên mua.
Theo hãng điều tra Correctiv của Đức, nhà máy lọc dầu Schwedt đã được đề cập trong các cuộc trao đổi gần đây giữa Moscow và Washington. Trong các cuộc thảo luận này, đường ống Nord Stream - dự án vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức - cũng được nhắc tới.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết đã có liên hệ giữa quan chức Nga và Mỹ về việc tái khởi động Nord Stream, dù khả năng Berlin chấp thuận vẫn rất mong manh.
Về phần mình, Nga khẳng định việc nối lại xuất khẩu khí đốt sang châu Âu là lợi ích chung. Liệu một kịch bản tương tự có thể xảy ra với Schwedt? Ông Höppner kết luận: “Về nguyên tắc, đây hoàn toàn có thể là một giải pháp...”.