Lý do du khách châu Âu vào Mỹ bất ngờ giảm mạnh
Số lượng du khách châu Âu đến Mỹ đã giảm mạnh do căng thẳng chính trị và kinh tế, cùng với lo ngại về chính sách biên giới cứng rắn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hành khách tại sân bay quốc tế ở Newark, New Jersey, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Financial Times ngày 12/4, Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) cho biết số lượng du khách đến từ Tây Âu lưu trú ít nhất một đêm tại Mỹ trong tháng 3 đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2024.
Phân tích của The Financial Times dựa trên dữ liệu của ITA cho thấy lượng khách từ một số quốc gia như Ireland, Na Uy và Đức đã giảm hơn 20%.
Xu hướng này đang đe dọa ngành du lịch Mỹ, lĩnh vực chiếm 2,5% GDP của nước này. Một số hãng hàng không và tập đoàn khách sạn đã cảnh báo về nhu cầu suy yếu đối với các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương và xu hướng lan truyền cảm giác tiêu cực về việc đến Mỹ.
Tổng số du khách quốc tế đến Mỹ trong tháng 3 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2021, thời điểm ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19.
Ông Paul English, đồng sáng lập trang web du lịch Kayak, nói: “Chỉ trong hai tháng, Tổng thống Trump đã hủy hoại danh tiếng của Mỹ, thể hiện qua việc lượng khách du lịch từ EU đến Mỹ sụt giảm. Đây không chỉ là một cú đánh mạnh nữa vào nền kinh tế Mỹ, mà còn là tổn hại về hình ảnh có thể mất cả thế hệ để phục hồi”.
Ông Adam Sacks, Chủ tịch tổ chức Tourism Economics, cho rằng mức sụt giảm một phần có thể do lượng du khách tăng cao trong dịp lễ Phục sinh năm ngoái rơi vào tháng 3. Tuy nhiên, ông cho biết các dữ liệu khác, bao gồm số liệu từ sân bay Mỹ và các cửa khẩu đường bộ từ Canada, đều cho thấy “rõ ràng là có điều gì đó đang xảy ra... và đó là phản ứng với ông Trump”.
Các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương vốn là những tuyến có lợi nhuận cao nhất thế giới và nhu cầu đi bằng đường hàng không đã tăng vọt kể từ sau đại dịch, đặc biệt ở hạng ghế cao cấp.
Tuần trước, hãng Virgin Atlantic cảnh báo về xu hướng sụt giảm nhẹ trong nhu cầu bay xuyên Đại Tây Dương từ phía người tiêu dùng Mỹ. Ngày 9/4, ông Ben Smith, Giám đốc điều hành Air France-KLM, cho biết hãng này buộc phải giảm giá vé hạng phổ thông cho các chuyến bay này do nhu cầu có dấu hiệu chững lại.
Tuy vậy, Tập đoàn IAG - công ty mẹ của British Airways - và hãng Delta Air Lines của Mỹ đều cho biết họ chưa thấy tác động đáng kể nào.
Lợi nhuận của các hãng hàng không thường gắn liền với diễn biến kinh tế vĩ mô, do người tiêu dùng có xu hướng hạn chế bay khi lo ngại suy thoái. Các nhà phân tích tại Barclays nói rằng họ vẫn lo ngại về các tuyến xuyên Đại Tây Dương và dự báo khả năng lợi nhuận sẽ giảm mạnh đột ngột.
Ông Naren Shaam, Giám đốc điều hành trang đặt vé du lịch Omio, nói rằng tỷ lệ hủy chuyến đến Mỹ trong quý I cao hơn 16% so với cùng kỳ năm 2024. Du khách từ Anh, Đức và Pháp có tỷ lệ hủy lên tới 40%.
Ông Sébastien Bazin, Giám đốc điều hành tập đoàn khách sạn Pháp Accor, nói với Bloomberg rằng các thông tin về việc bị tạm giữ tại biên giới Mỹ đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực quanh việc đến thăm Mỹ.
Tuần trước, Accor thông báo rằng số lượng đặt phòng của du khách châu Âu đến Mỹ trong mùa hè năm nay đã giảm 25%.
Sụt giảm lượng khách quốc tế đến Mỹ cho thấy tác động kinh tế tiềm tàng của chính sách biên giới cứng rắn hơn dưới thời ông Trump.
Theo ITA, năm 2024, du khách quốc tế đã chi hơn 253 tỉ USD cho các dịch vụ và hàng hóa liên quan đến du lịch ở Mỹ, chiếm hơn 19% trong tổng số 1,3 nghìn tỉ USD chi tiêu du lịch của Mỹ trong năm 2024.
Hiệp hội Du lịch Mỹ đã cảnh báo về các xu hướng đáng lo ngại, mà họ cho rằng đến từ nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về mức độ chào đón của nước Mỹ.
Ông Glen Hauenstein, Chủ tịch Delta, nói rằng hãng này đã bị sụt giảm đáng kể lượng đặt vé từ Canada. Tuần này, hãng đã rút lại hướng dẫn lợi nhuận do tình hình bất ổn hiện tại.
Bà Gloria Sync, một nghệ sĩ và nhà văn sống ở Nottingham (Anh), đã hủy chuyến đi đến San Francisco vào tháng 5 sau khi đọc các thông tin về du khách bị tạm giữ.
Bà Sync vốn là người chuyển giới nói: “Biên giới dường như không an toàn”. Bà lo ngại bản dạng giới của mình sẽ bị chú ý tại cửa khẩu: “Thành thật mà nói, tôi không biết liệu mình có quay lại đó nữa hay không”.
Lượng khách đến từ Canada - một nguồn du khách quan trọng cho các điểm đến “nắng ấm mùa đông” - cũng đang giảm.
Trước đó, một thành phố như Las Vegas đã đón 1,4 triệu người Canada trong năm 2023, chiếm 1/4 tổng số du khách quốc tế.
Tổ chức nghiên cứu Tourism Economics từng dự báo lượng khách quốc tế đến Mỹ năm nay sẽ tăng 9% so với 2024. Tuần trước, tổ chức này đã điều chỉnh lại dự báo thành giảm 9,4% sau khi ông Trump công bố chính sách thuế mới.
Ông Sacks cũng nhấn mạnh đến quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với EU, Greenland và Canada: “Đây đều là những sai lầm không đáng có và gây ra tác động lớn đến cảm nhận về Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến du lịch”.
Các biện pháp thuế của ông Trump và việc chính quyền của ông giải tán cơ quan viện trợ nước ngoài USAID đã khiến ông Paul Harrington - một người Anh nghỉ hưu sống tại Paris - hủy chuyến đi đến Washington, DC vào năm tới.
Hai con gái của ông ở Anh đều làm việc trong ngành giáo dục và một cuộc suy thoái kinh tế có thể khiến việc làm trong khu vực công gặp rủi ro.
Ông Harrington nói: “Giờ tôi đang liên hệ với bạn bè Mỹ để mời họ đến Paris. Tôi sẽ không đến Mỹ cho đến khi ông Trump rời nhiệm sở”.
Vào tháng 3, Anh đã cập nhật hướng dẫn đối với công dân du lịch Mỹ khi bổ sung rằng mọi trường hợp bị phát hiện vi phạm các quy tắc nhập cảnh Mỹ đều có thể bị bắt hoặc giam giữ. Tương tự, Đức đã cập nhật khuyến cáo nhập cảnh Mỹ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức xác nhận: "Quyết định cuối cùng về việc một người có được nhập cảnh vào Mỹ hay không, thuộc về cơ quan biên phòng Mỹ".