'Cuộc cách mạng chăm sóc' ở khu vực Mỹ Latinh

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), tại 17 quốc gia khu vực Mỹ Latinh, các chính phủ, công ty tư nhân và cộng đồng đang 'viết lại' các quy tắc, biến những gì từng được coi là công việc không công của phụ nữ thành chính sách công, dịch vụ và trách nhiệm chung. Từ Brazil đến Panama, các khoản đầu tư vào công việc chăm sóc đang định hình lại nền kinh tế.

 Phụ nữ bản địa ở thung lũng Polochic của Guatemala

Phụ nữ bản địa ở thung lũng Polochic của Guatemala

Brazil: Từ thí điểm đến cam kết cấp quốc gia

Tại thành phố Belém do Pará ở phía Bắc Brazil, chính sách chăm sóc đang chứng minh rằng hành động của địa phương có thể thúc đẩy sự thay đổi ở tầm quốc gia. Được UN Women hỗ trợ, mô hình tại Belém cho thấy cách công việc chăm sóc có thể được chuyển thành đầu tư công, cơ hội nghề nghiệp và cơ sở hạ tầng xã hội.

Mô hình của Belém, được đưa ra thông qua dự án Ver-o-Cuidado, đã trở thành mô hình điểm, đóng vai trò là bản thiết kế cho các thành phố khác. 70 viên chức nhà nước được đào tạo về thiết kế chính sách chăm sóc.

Hiện khóa đào tạo được triển khai trên toàn quốc thông qua hình thức học trực tuyến. Hơn 300 nữ nhân viên chăm sóc đã được đào tạo để hiểu các quyền của mình, nhận ra giá trị công việc của mình và ủng hộ các chính sách chăm sóc tốt hơn.

33 nhà lãnh đạo từ 16 tổ chức được đào tạo về vận động chính sách chăm sóc. 13 tổ chức phụ nữ đã thành lập Mạng lưới Nhà hoạt động vì Chăm sóc Belém.

"Sự thay đổi lớn nhất là đưa việc chăm sóc vào trung tâm của chính sách công. Lần đầu tiên, chính sách chăm sóc tại Brazil được định hình với sự tham gia đầy đủ của cả chính phủ và các tổ chức xã hội", bà Virginia Gontijo, người đứng đầu chương trình UN Women tại Brazil, nhấn mạnh.

Còn cô Lucileide Mafra Reis, Chủ tịch FETRADORAM, một tổ chức xã hội, chia sẻ: "Việc có tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách mở ra cơ hội cho tôi trong việc bảo vệ quyền lợi của những người giúp việc gia đình".

Chile: Mở rộng hệ thống chăm sóc được trả công

Thông qua các cuộc tham vấn công khai và luật mới, Chile đang đặt mục tiêu tiếp cận 75.000 người trong những năm tới với sự hỗ trợ kỹ thuật của UN Women để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Lucileide Mafra Reis, Chủ tịch FETRADORAM

Lucileide Mafra Reis, Chủ tịch FETRADORAM

Hơn 12.000 người, trong đó 80% là phụ nữ, đã định hình hệ thống chăm sóc của Chile thông qua đối thoại công khai.

151 thành phố của Chile đang cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua Mạng lưới hỗ trợ và chăm sóc địa phương (RLAC), với các kế hoạch mở rộng dự kiến được triển khai vào năm 2026.

Có 57 phụ nữ tại Valparáiso được trả lương hàng tháng để chăm sóc các thành viên gia đình. 300 người chăm sóc được đào tạo về quyền của người lao động trên 3 khu vực. Những sáng kiến tại địa phương như Renca te Cuida và STGO te Cuida đang điều chỉnh các dịch vụ chăm sóc phù hợp với khu vực thành thị.

Panama: Nâng cao cả công việc chăm sóc có trả công và không công

Panama đang chuyển đổi cách thức coi trọng việc chăm sóc bằng cách chuyên nghiệp hóa công việc chăm sóc có trả công trong khi cân bằng lại khối lượng công việc chăm sóc không công mà phụ nữ và trẻ em gái phải đảm nhiệm. Một dự án thí điểm tại Juan Díaz, một khu phố ở phía Nam thành phố Panama, đang được triển khai.

Được thông qua năm 2024, Luật chăm sóc quốc gia của Panama đã tạo hành lang pháp lý để mở rộng các dịch vụ chăm sóc, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyên nghiệp hóa công việc chăm sóc thông qua đào tạo, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm trách nhiệm chăm sóc đang đè nặng lên vai người phụ nữ.

Dự án được triển khai tại Juan Díaz đang mở rộng các dịch vụ cho trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật. Hơn 120 người chăm sóc đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ về chăm sóc người cao tuổi.

Theo thống kê, mỗi ngày, phụ nữ và trẻ em gái ở Mỹ Latinh dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả công nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Còn trên toàn cầu, 12,5 tỷ giờ chăm sóc không công được thực hiện mỗi ngày - chủ yếu do phụ nữ và trẻ em gái thực hiện.

Ước tính, ở Colombia và Chile, công việc chăm sóc hiện đóng góp lần lượt là 19,6% và 25,6% GDP quốc gia. Ở Mexico và Peru, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc đang được đưa vào luật như một quyền con người.

Đây là một bước để thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa công việc chăm sóc. 100 người chăm sóc tại Juan Díaz, David và La Chorrera sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ để hỗ trợ người khuyết tật vào năm 2026.

Scania García, nhân viên chăm sóc ở Panama

Scania García, nhân viên chăm sóc ở Panama

Scania García, một nhân viên chăm sóc, cho biết: "Bằng cấp xác nhận trình độ, kỹ năng của tôi nhưng trên hết, nó thể hiện cam kết của tôi đối với việc chăm sóc người khác".

Tại sao hệ thống chăm sóc là cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu?

Một hệ thống chăm sóc được thiết kế tốt không chỉ giúp phụ nữ và gia đình cân bằng giữa công việc được trả lương và việc chăm sóc, mà còn là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Khi các quốc gia đầu tư vào dịch vụ chăm sóc thì sẽ:

- Tạo ra việc làm mới - dự báo lên tới 300 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2035.

- Tạo ra việc làm "xanh", tiết kiệm năng lượng, tập trung vào cộng đồng và thiết yếu cho phúc lợi.

- Giúp nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động.

- Tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

- Cải thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

- Hỗ trợ giáo dục và phát triển trẻ em.

- Thúc đẩy khả năng phục hồi trước các cuộc khủng hoảng - từ đại dịch đến thảm họa khí hậu.

Nhiều việc làm chăm sóc được trả lương hơn có nghĩa là thu nhập cao hơn, tăng thuế và củng cố hệ thống phúc lợi. Khi công nhận chăm sóc là cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu, các chính phủ đang xây dựng nền kinh tế của tương lai.

Những mô hình chăm sóc tại khu vực Mỹ Latinh cho thấy ý nghĩa của việc xây dựng nền kinh tế lấy con người - chứ không phải lợi nhuận - làm trung tâm.

Việc này thể hiện những thay đổi sâu sắc trong xã hội, biến hàng thế kỷ công việc chăm sóc không được trả lương thành chính sách công, dịch vụ cộng đồng và đầu tư quốc gia. Khi coi trọng việc chăm sóc, chúng ta mở ra một tương lai công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Nguồn: UN Women

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuoc-cach-mang-cham-soc-o-khu-vuc-my-latinh-20250721133905704.htm
Zalo