Cùng nhau 'giữ lửa' yêu thương
Răn dạy về cách đối đãi, xử lý các tình huống trong gia đình, ông bà xưa đã từng có câu: 'Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê'. Câu nói này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được nhiều gia đình áp dụng để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình.
"ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG TÁT BIỂN ĐÔNG CŨNG CẠN”
Chị Nguyễn Thị Kim Thương và anh Huỳnh Tấn Trạng, ngụ ấp 4, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành được biết đến là gia đình văn hóa tiêu biểu 5 năm liền (từ năm 2020 đến năm 2024). Cưới nhau hơn 13 năm, dù cách nhau hơn 10 tuổi nhưng vợ chồng anh chị vẫn luôn tạo được không khí hạnh phúc trong gia đình.
Kết tinh tình yêu của anh Trạng - chị Thương là 2 bé trai đáng yêu, bé lớn là Huỳnh Tấn Khôi (10 tuổi), còn bé nhỏ là Huỳnh Bảo Khang (8 tuổi). Cả 2 bé đều học giỏi, chăm ngoan, biết vâng lời ông bà, cha mẹ.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Thương cho biết: “Tôi nghĩ sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Anh Trạng là thợ máy ô tô, chuyên sửa chữa các loại xe ô tô, xe tải, công việc nặng nhọc.
Do đó, tôi luôn ý thức được vai trò của mình, cố gắng là con dâu hiếu thảo, đảm đang công việc nhà, chăm sóc các con chu đáo, đặc biệt luôn động viên chồng trong công việc và cuộc sống. Bản thân hiện là giáo viên Trường Mầm non Tam Hiệp, huyện Châu Thành, với đặc thù công việc của giáo viên mầm non là đi sớm về trễ, công việc có những lúc rất áp lực nhưng nhờ có chồng luôn kề bên chia sẻ. Hai vợ chồng luôn lắng nghe, đồng hành và động viên nhau nên mọi khó khăn đều vượt qua, gìn giữ gia đình hạnh phúc, hòa thuận”.
Cả hai vợ chồng anh Trạng - chị Thương đều có nghề nghiệp ổn định nên tài chính gia đình cũng được đảm bảo. Chị Thương cho rằng, việc giáo dục con, cháu là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của con, cháu. Do đó, vợ chồng anh chị luôn chan hòa, mẫu mực.
Ngoài công việc, khi ở nhà cả hai vợ chồng luôn dành thời gian vui chơi, vui học cùng các con, luôn chia sẻ công việc nhà cùng nhau cũng như xây dựng kế hoạch ổn định kinh tế lâu dài để lo tương lai cho con được tốt hơn.
Hơn 13 năm chung một mái nhà, anh Trạng - chị Thương luôn “chia ngọt sẻ bùi” cùng nhau, hòa thuận và làm gương cho các con. Các con anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Bên cạnh xây dựng gia đình hạnh phúc, anh Trạng - chị Thương luôn cố gắng phát triển sự nghiệp. Hiện tại, anh chị đã có một ga-ra sửa chữa ô tô. Bản thân chị Thương qua nhiều năm công tác, luôn yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, được mọi người quý mến.
Là một giáo viên năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động, 5 năm liền chị Thương đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng nhiều Bằng khen. Ngoài ra, chị còn đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm học 2020 - 2021, đoạt giải Nhất cấp huyện Hội thi “Gia đình khéo tay” chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020, được UBND huyện Châu Thành khen tặng “Đã có thành tích xuất sắc trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2020 - 2021”…
TÔN TRỌNG, SẺ CHIA CÙNG VƯỢT KHÓ
Xuất thân trong gia đình làm nghề nông, chị Lê Thị Vân và chồng là anh Dương Văn Giảng, ngụ thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước, phải tần tảo với ruộng đồng ngay từ những ngày đầu mới cưới nhau. Theo lời chị Vân kể, cưới nhau xong, 2 vợ chồng làm ruộng chung với gia đình chồng ở xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy. Cha mẹ chồng có 7 công đất ruộng, làm lúa nhiều năm nhưng thu nhập không khá, trong khi 3 đứa con của anh chị lần lược ra đời.
Do đó, vợ chồng anh chị phải tính toán đến việc buôn bán thêm, để có thu nhập, chăm lo cho các con. Thời điểm này, chị Vân được mẹ ruột ở thị trấn Mỹ Phước cho 1 nền nhà mặt tiền nên thuận lợi cho việc buôn bán. Và anh chị quyết định mở điểm bán khóm - loại trái cây đặc sản của vùng Tân Phước với hy vọng sẽ có nguồn thu nhập khá hơn cho gia đình.
Thời gian đầu, vợ chồng anh Giảng - chị Vân bán khóm không lời bao nhiêu, có khi phải lỗ do bán ế, khóm hư… Thời gian sau, thấy nhiều chị ở xóm làm kẹo, mứt khóm nên anh Giảng - chị Vân học hỏi làm thêm mặt hàng để bán. Đến nay, vợ chồng anh chị đã bám trụ với nghề buôn bán khóm trái, kẹo, mứt khóm được hơn 15 năm, với nguồn thu nhập ổn định.
Anh Giảng cũng cho biết thêm, hiện tại 7 công đất ruộng, làm lúa nhiều năm hiệu quả kinh tế không cao nên vợ chồng anh đã chuyển sang trồng sầu riêng, với hơn 100 gốc sầu riêng gần 3 năm tuổi. Hằng ngày, anh Giảng vừa chăm sóc vườn sầu riêng, vừa phụ vợ chăm lo việc nhà, dạy dỗ các con và làm mứt khóm để bán.
Trong mối quan hệ vợ chồng, chị Vân và chồng luôn tôn trọng, thương yêu nhau, cùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các con chăm ngoan, biết vâng lời ông bà, cha mẹ. Chị Vân chia sẻ bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc của gia đình chị là vợ chồng phải hiểu, thông cảm, chia sẻ và nhường nhịn lẫn nhau. Chẳng hạn nhiều lúc buôn bán khó khăn, chị với chồng cũng cãi nhau, nhưng khi chồng nóng thì chị cố gắng kiềm chế và ngược lại, để mọi chuyện “nguội lại”, hai vợ chồng cùng nhau phân tích, thấu hiểu nên cuộc sống mới vui vẻ, hòa thuận hơn.
Không chỉ chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình, chị Vân còn tham gia hoạt động xã hội và hiện là Tổ trưởng Tổ phụ nữ khu phố 4, thành viên nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Mỹ Phước, Chị cùng với gia đình tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, như: Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Nhiều năm liền, gia đình anh Giảng - chị Vân được công nhận là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của địa phương.