Cô giáo nặng lòng với chữ Mông

Sinh ra và lớn lên ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) vào những năm 70 của thế kỷ trước khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nên tuổi thơ của cô giáo Ma Thị Dua, dân tộc Mông, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai chịu rất nhiều thiệt thòi (do gia đình còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nên mãi đến năm 10 tuổi, cô Dua mới được đi học lớp 1, trong khi cậu em kém cô 3 tuổi đã được đi học từ nhiều năm trước đó).

Tuy nhiên, sau này, khi được đi học “chữ Bác Hồ”, được hiểu biết nhiều điều, cô bé Dua ngày ấy càng nung nấu mong muốn học thật giỏi theo lời Bác dạy người Mông Bản Phố.

Năm 1962, Bác Hồ viết bài “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân Dân. Trong bài viết, Bác ghi nhận, khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Người còn nhấn mạnh: “Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình”. Mình luôn tự hào vì là người con của nơi đã từng được Bác khen, nên luôn phấn đấu học tập.

Cô giáo Ma Thị Dua.

Cô Dua sinh năm 1975. Ngày đó, đường từ bản Phố ra trung tâm huyện Bắc Hà nhiều khó khăn, cách trở, chứ không êm thuận như bây giờ. Năm 10 tuổi, cô bé Dua theo học lớp 1, 2 ở trường làng, rồi đến lớp 3 thì đi học ở Trường Nội trú huyện cho đến hết những năm học phổ thông. Đôi chân nhỏ không biết đã bao lần bị ngã, nhưng lại tiếp tục đứng lên đến trường.

Nhiều khi lạnh giá, khó khăn cũng khiến Dua chùn bước, nhưng nhớ đến lời dạy của Bác Hồ, nhớ đến mong ước học giỏi để trở thành cô giáo dạy tiếng Mông cho đồng bào mình, Dua lại vững bước đến trường.

 Cô giáo người Mông say sưa với sự nghiệp "trồng người".

Cô giáo người Mông say sưa với sự nghiệp "trồng người".

Sau khi tốt nghiệp THPT, Ma Thị Dua thi đỗ vào khoa Tiểu học, Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai và trở về làm giáo viên dạy học tại Trường Tiểu học Bản Phố. May mắn có trong tay những cuốn sách chữ Mông của gia đình, cô Dua tự mình tìm tòi đọc và viết, đồng thời dạy và thực hành với chính học trò của mình. Cô Dua bảo, mình là người Mông. Trước chỉ biết trao đổi, giao tiếp bằng tiếng Mông, chứ không hề biết đọc, biết viết và phần lớn người Mông ở Bản Phố - quê mình cũng vậy. Do đó, mình mong muốn học chính chữ của dân tộc mình để dạy cho người của dân tộc mình.

 Cô giáo Ma Thị Dua cùng làm việc với nhóm biên tập sách.

Cô giáo Ma Thị Dua cùng làm việc với nhóm biên tập sách.

Và cũng thật may mắn, những năm sau đó, Bản Phố là một trong số ít địa phương của tỉnh được thực hiện Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ do tổ chức Unicef tài trợ. Ngày ấy, cô Dua là một trong những hạt nhân của Trường Tiểu học Bản Phố thực hiện chương trình này.

Sau này, cô Dua lại tiếp tục học lên cao đẳng rồi đại học hệ vừa học vừa làm và chuyển công tác về Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và hiện nay giảng dạy tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Vẫn tình yêu với viết và văn hóa Mông, cô tham gia giảng dạy các học phần về văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam, trong đó có dân tộc Mông.

 Bộ sách Lul Hmongz được biên soạn theo chương trình giáo dục song ngữ.

Bộ sách Lul Hmongz được biên soạn theo chương trình giáo dục song ngữ.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, cô Dua còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vào nhóm nghiên cứu và viết sách “Lul Hmongz” (Tiếng Mông) theo chương trình giáo dục song ngữ. Đây là cơ hội lớn để cô Dua được thỏa lòng mong muốn nghiên cứu sâu về tiếng Mông.

Trong nhóm viết sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn có 7 thầy, cô đến từ khắp mọi miền cả nước. Trong đó, ở Lào Cai, ngoài cô Dua còn có 1 thầy giáo đang công tác tại Trường THPT số 4 thành phố Lào Cai. Cô Dua cho biết: Là người Mông lại được chọn vào nhóm biên tập sách của cả nước, tôi thấy rất vinh dự và tự hào, nên luôn cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu trong các tư liệu, đồng thời tăng cường các chuyến điền dã về cơ sở để tìm hiểu trong thực tế làm phong phú thêm ngôn ngữ, chữ viết của tiếng mẹ đẻ.

Dày công nghiên cứu, tìm tòi, cô Ma Thị Dua cùng với nhóm tác giả đã biên soạn thành công các cuốn Lul Hmongz 1, Lul Hmongz 2, Lul Hmongz 3 (Tiếng Mông 1, Tiếng Mông 2, Tiếng Mông 3), hiện, còn cuốn Lul Hmongz 4 (Tiếng Mông 4) đã viết xong và chờ thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Không chỉ thực hành giảng dạy tiếng Mông tại các trường học của tỉnh có đông học sinh người Mông theo học, để thẩm định các phần viết sách của nhóm biên soạn, cô Dua cùng các cộng sự còn đi khắp các tỉnh có cộng đồng người Mông sinh sống trong cả nước. Những buổi giảng dạy thực nghiệm cho học sinh tại các địa phương khác nhau, giúp cô Dua có thêm những kiến thức quý về văn hóa, tri thức dân gian của đồng bào mình, từ đó làm phong phú thêm vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc. Từ vốn hiểu biết văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, cô Ma Thị Dua đã khéo léo truyền lửa đam mê, yêu văn hóa dân tộc cho các trò nhỏ.

 Bộ sách Lul Hmongz được đưa vào giảng dạy trong trường học.

Bộ sách Lul Hmongz được đưa vào giảng dạy trong trường học.

Cô giáo Ma Thị Dua là một trong những điển hình của đơn vị trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các giờ giảng của cô Dua luôn thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Điều này là kết quả của việc say mê tìm hiểu, nghiên cứu thực tế trong suốt những năm qua của cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Lào Cai.

Chia sẻ về dự định của mình, cô Dua cho biết, khi các cuốn sách biên soạn thành công, tôi cùng với các đồng nghiệp truyền tải đến các trường học có người Mông sinh sống. Tôi mong ngày càng có nhiều người Mông biết và yêu thích học chữ Mông.

Tô Dung - Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/co-giao-nang-long-voi-chu-mong-post394651.html
Zalo