Hành trình đến với huy chương Bạc Olympic khoa học trẻ quốc tế của cậu học trò 15 tuổi

Lê Tùng Lâm, học sinh lớp 10 Lý 2, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ sự tiếc nuối khi thiếu 0,2 điểm nữa là chạm tay vào Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế năm 2024.

Tại Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2024 vừa diễn ra ở Rumani từ ngày 2-11/12 với 52 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, Lê Tùng Lâm là thí sinh giành Huy chương Bạc với số điểm cao nhất là 79,8 điểm.

Trở về từ kỳ thi, Lâm chia sẻ cảm xúc lúc đó có một chút tiếc nuối tuy nhiên nhanh chóng trấn an và vui mừng với kết quả đạt được.

“Từ lớp 8, em đã mơ ước trở thành thành viên của đội tuyển Olympic Khoa học trẻ quốc tế. Được ôn luyện, dự thi đã phần nào thỏa mãn niềm đam mê khoa học của mình nên không đặt nặng về thành tích”, Lâm chia sẻ.

Lê Tùng Lâm (bên trái) được bạn bè ra sân bay đón và chúc mừng sau chiến thắng ở Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2024.

Lê Tùng Lâm (bên trái) được bạn bè ra sân bay đón và chúc mừng sau chiến thắng ở Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2024.

Cũng theo nam sinh Trường THPT Hà Nội Amsterdam, các câu hỏi trong đề thi Olympic quốc tế 2024 đều khó, có tính phân loại học sinh. Đặc biệt, đề thi năm nay có những câu hỏi cập nhật công nghệ và tính ứng dụng thực tế khiến em bất ngờ và có phần “hơi hoảng”. Tuy nhiên, sau khi lấy lại bình tĩnh, em đã vận dụng kiến thức được thầy cô dạy để tìm hướng giải quyết.

Dự kỳ thi Olympic Khoa học trẻ, theo Lâm, ngoài kiến thức nền tảng các môn Khoa học tự nhiên còn đòi hỏi thí sinh sự kiên trì, kỹ năng tư duy, tốc độ làm bài cũng như phân chia thời gian hợp lý. Bởi ngoài 30 câu trắc nghiệm, thí sinh phải giải phần tự luận với yêu cầu tư duy tính toán dài tới 36 trang. Với đề thi như vậy, thí sinh mất bình tĩnh, hoặc quá chú trọng, tập trung vào giải quyết một số câu hỏi khó cũng dễ hết thời gian.

Trong thời gian dự thi ở nước bạn, Lâm hào hứng cùng các thí sinh được tham gia nhiều hoạt động. "Các bạn học sinh quốc tế đều là những đại diện xuất sắc của mỗi quốc gia và rất giỏi. Có những bạn không chỉ học tốt mà còn rất tự tin thể hiện khả năng nhảy, hát trước đám đông. Điều đó khiến em cảm thấy phải tự hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn nữa", Lâm nói.

Yêu các môn tự nhiên, đam mê khoa học, Lâm dự định trong tương lai sẽ tiếp tục tham gia các kỳ thi liên quan đến Vật lý để thỏa mãn đam mê.

Yêu thích khoa học

Chị Mai Thúy Hà, mẹ của Lâm chia sẻ, từ nhỏ con trai đã bộc lộ sự hứng thú, niềm yêu thích đối với các môn tự nhiên. Em thường đặt các câu hỏi để nhờ bố mẹ trả lời hoặc tò mò tự tìm hiểu kiến thức trong các cuốn sách về chòm sao, hành tinh và bầu trời. Hết bậc tiểu học, Lâm bắt đầu say sưa đọc các sách Vật lý, Hóa học, Sinh học mượn của anh chị bậc THCS và rất thích thú với môn Vật lý.

Hết THCS, Lâm thi đỗ vào lớp chuyên Vật lý của ngôi trường danh giá ở Hà Nội là Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Theo học ở trường THPT chuyên, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết, Lâm “như cá gặp nước”, vượt qua khoảng 200 thí sinh trên toàn thành phố Hà Nội để trở thành viên của đội tuyển Olympic Khoa học trẻ quốc tế.

Cùng 4 thí sinh sinh khác, Tùng Lâm được các thầy cô huấn luyện, bồi dưỡng thêm 2 tháng trước khi sang Rumani dự thi. Trong quá trình ôn luyện, thầy cô giáo tạo điều kiện để đội tuyển được đến thực hành ở phòng lad hiện đại của các trường ĐH danh tiếng tại Hà Nội nhằm đảm bảo phần thực hành.

Chàng trai “Bạc” chia sẻ, quá trình ôn thi, có những đêm em phải thức muộn đến 2-3 giờ sáng học bài, nghiên cứu tài liệu. Để giải tỏa sự căng thẳng, ngoài thời gian học em thường chơi thể thao ở bộ môn cầu lông. Đây là môn thể thao không mất quá nhiều thời gian chuẩn bị, có thể chơi được mọi lúc, mọi nơi.

Theo ông Phạm Quốc Toản, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ở kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế, thí sinh phải làm bài thi Khoa học tự nhiên ở 3 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Mỗi môn có 3 bài gồm: bài thi trắc nghiệm khách quan; bài thi lý thuyết; bài thi thực hành.

Đề thi do Ủy ban học thuật IJSO thế giới xây dựng có tính mở, đòi hỏi thí sinh phải phát huy hết các năng lực cá nhân cũng như năng lực làm việc nhóm đồng thời đề thi có sự vận dụng thực tế cao.

"Ví dụ như, đề thi môn Hóa có những câu hỏi về sự ô nhiễm nguồn nước do khai thác mỏ quặng kim loại, về ứng dụng cũng như sự khai thác quặng halide từ vùng núi Carpathian. Điều thú vị là khoáng Sylvinite được đặt tên theo địa danh nổi tiếng Transylvania của đất nước Rumani. Đề thi sinh học đề cập đến việc bảo tồn động vật hang dã đó là loài gấu", ông Toản nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hanh-trinh-den-voi-huy-chuong-bac-olympic-khoa-hoc-tre-quoc-te-cua-cau-hoc-tro-15-tuoi-post1700964.tpo
Zalo