'Siết' hay bỏ?

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tào Hoàng Minh Sơn thông tin, bộ đang cân nhắc chuyện 'siết' các trường đại học chỉ được phân bổ 20% chỉ tiêu trúng tuyển bằng xét tuyển sớm hoặc bỏ hẳn phương thức tuyển sinh này nhằm tạo công bằng cho các thí sinh.

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, qua lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục và nhất là từ thực tế công tác tuyển sinh của các trường đại học thời gian qua cho thấy, việc dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực... đã và đang tạo nên một cuộc “chạy đua” giữa các trường đại học, nhất là với hệ thống trường ngoài công lập. Vì là trường nào cũng “chạy đua” nên công tác tuyển sinh khá vất vả, áp lực, phải thực hiện từ sớm, trường nọ đua tranh với trường kia để mong xét tuyển đủ thí sinh.

Trong khi đó, những học sinh muốn “chắc suất” đậu đại học bằng phương thức xét tuyển sớm, từ năm lớp 10, lớp 11 đã phải “chạy đôn chạy đáo” học, thi chứng chỉ để làm đẹp học bạ. Khi biết mình đã trúng tuyển dù chưa hoàn thành chương trình học trung học phổ thông nên nhiều em lơ là không tập trung học tiếp ở học kỳ 2 lớp 12. Điều này, theo nhận định của Bộ Giáo dục và đào tạo làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục phổ thông và khiến cho cuộc cạnh tranh vào đại học trở nên thiếu công bằng giữa các học sinh.

Từ nhiều năm nay, khi các trường đại học được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, phương thức xét tuyển sớm ra đời bên cạnh rất nhiều phương thức tuyển sinh khác và cho thấy những ưu điểm nổi trội. Trong đó, dễ thấy nhất là giúp học sinh đạt được nguyện vọng vào đại học sớm khi chưa phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giảm bớt lo lắng, căng thẳng cho kỳ thi. Đặc biệt, các trường đại học cũng “chốt” được số lượng tương đối thí sinh trúng tuyển trước vào trường, không quá áp lực với các phương thức xét tuyển khác, nhất là với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, việc phân bổ quá chêch lệnh giữa các phương thức xét tuyển đã và đang khiến cho công tác tuyển sinh vào đại học không đảm bảo được ngưỡng chất lượng cần thiết. Số thí sinh “ảo” vẫn khá nhiều dẫn đến hiệu quả tuyển sinh bằng phương thức này chưa cao. Vì thế, theo Bộ Giáo dục và đào tạo, việc phân bổ 20% chỉ tiêu trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm là để hạn chế được những bất cập trong phương thức tuyển sinh này. Thậm chí, bộ sẽ xem xét tiến tới bỏ hẳn phương thức xét tuyển sớm, chỉ tập trung vào những phương thức tuyển sinh thật sự đảm bảo được quyền lợi cho thí sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202412/siet-hay-bo-a065d4b/
Zalo