Cực nào với châu Âu trong thế giới đang biến động?

Những diễn biến mới nhất cho thấy châu Âu đang khá băn khoăn trước biến động diễn ra ngay trước khi Hội nghị An ninh Munich, diễn đàn thảo luận về các thách thức an ninh đương đại và mới nổi, khai mạc vào hôm nay, 14/2 tại Đức.

Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các cam kết quốc tế, châu Âu chưa rõ mình sẽ gắn với cực nào để duy trì ảnh hưởng. (Nguồn: Shutterstock)

Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các cam kết quốc tế, châu Âu chưa rõ mình sẽ gắn với cực nào để duy trì ảnh hưởng. (Nguồn: Shutterstock)

Hôm 10/2, Báo cáo an ninh Munich được công bố, cảnh báo thế giới đang chuyển dịch từ kỷ nguyên đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ lãnh đạo sang thế giới đa cực, trong đó không có quan điểm ý thức hệ đơn lẻ nào thống trị.

Chưa hết, theo những người tổ chức Hội nghị, những đề xuất “chiếm đất” của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với Greenland hay Panama cho thấy giờ đây Mỹ không còn là “nền tảng ổn định mà là rủi ro cần phải phòng ngừa”.

Thực tế cho thấy Washington ngày càng không còn muốn nắm vai trò lãnh đạo toàn cầu và là người bảo vệ “trật tự quốc tế tự do” mà châu Âu là người đồng hành và chia sẻ trong hơn nửa thế kỷ qua.

Trong một thế giới “đa trật tự” hoặc “đa kênh” đang hình thành, châu Âu lo ngại “trật tự tự do” do phương Tây chi phối, dù không đến mức biến mất nhưng phạm vi của nó sẽ ngày càng bị hạn chế, bị thách thức bởi các cực mới nổi gắn với ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia.

Chính vì thế, bên cạnh các chủ đề như thách thức an ninh toàn cầu, an ninh khí hậu, các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực như ở Ukraine, Trung Đông, thì câu hỏi về việc châu Âu sẽ giữ vai trò nào trong thế giới đang biến động được quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các cam kết quốc tế mà quay về chủ thuyết “nước Mỹ trước tiên”, châu Âu chưa rõ mình sẽ gắn với cực nào để duy trì ảnh hưởng.

Cuối cùng, châu Âu muốn tìm hiểu kỹ kế hoạch hòa bình Ukraine của Mỹ cũng như việc Washington có sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho lực lượng hòa bình mà châu Âu dự định triển khai ở Ukraine sau khi có lệnh ngừng bắn hay không. Đây chính là vấn đề sẽ thử thách sự gắn kết của quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14-16/2 tại thành phố Munich, Đức. Hơn 60 năm qua, đây là hội nghị thường niên quốc tế tập trung thảo luận chính sách quốc phòng và ngoại giao, nơi định hình các tư duy và xu thế chính trị - an ninh lớn của thế giới.

Sau khi Tổng thống nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier phát biểu khai mạc vào ngày 14/2, hàng trăm nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách trên thế giới sẽ thảo luận về những thách thức chính sách an ninh của thế giới dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen.

Các chủ đề thảo luận tại Hội nghị bao gồm các thách thức an ninh toàn cầu, tình trạng trật tự quốc tế, các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực, tương lai của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, vai trò của châu Âu trên thế giới...

TIẾN THÀNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuc-na-o-voi-chau-au-trong-the-gioi-dang-bien-dong-304124.html
Zalo