Cụ thể hóa chính sách để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có TPHCM là một tín hiệu mừng.

TPHCM có khá nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành TTTC khu vực và quốc tế.

TPHCM có khá nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành TTTC khu vực và quốc tế.

Thực tế có nhiều TP lớn phát triển thành trung tâm thương mại, nhưng chưa thể phát triển thành TTTC. Cụ thể như thủ đô BangKok của Thái Lan, Kuala Lumpur của Malaysia, hay Jakarta của Indonesia, chưa được thế giới công nhận là TTTC quốc tế.

Nếu thành công sẽ là điểm sáng của khu vực

Tại Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế những năm qua rất ấn tượng. Nếu duy trì được mức tăng trưởng ổn định khoảng 7%/năm trong 5 năm tới, chúng ta không chỉ bắt kịp Thái Lan về quy mô kinh tế mà còn có thể vượt qua họ.

Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế như dân số gấp đôi Thái Lan, bờ biển dài với nhiều cảnh đẹp và đặc biệt là tiềm năng phát triển kinh tế số. Những yếu tố này có thể trở thành động lực giúp Việt Nam vươn lên trở thành TTTC của khu vực và quốc tế.

Trong 5 năm tới, nếu tập trung vào các dự án lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư, Việt Nam có thể xây dựng nền tảng để trở thành TTTC quốc tế. Điều này không chỉ dừng lại ở việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án trong nước, mà còn mở rộng vai trò của chúng ta thành điểm đến huy động vốn toàn cầu.

Các DN quốc tế có thể chọn Việt Nam làm nơi niêm yết cổ phiếu, trái phiếu và triển khai các dự án đầu tư lớn. Khi đó, Việt Nam có thể hỗ trợ và kết nối dòng vốn giữa các quốc gia, khẳng định vai trò trung tâm đầu tư và tài chính trong khu vực và toàn cầu.

Do vậy, việc xây dựng TTTC quốc tế không thể dàn trải ở nhiều thành phố cùng lúc. Nếu chúng ta quá tham vọng, đặt mục tiêu phát triển nhiều TTTC tại các địa phương khác nhau, sẽ dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thay vào đó, cần tập trung phát triển 1 hoặc 2 TTTC lớn tại các TP có điều kiện tối ưu, tránh tình trạng dàn trải dẫn đến nguy cơ thất bại trên diện rộng.

TPHCM có khá nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) là sở giao dịch lớn nhất Việt Nam, và đang thực hiện những cải tiến mạnh mẽ để trở thành một trung tâm giao dịch chứng khoán uy tín, thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, TPHCM còn có lợi thế trong việc phát triển sở giao dịch hàng hóa, với thế mạnh về các mặt hàng như cà phê và gạo, vốn có quy mô xuất khẩu hàng đầu thế giới. TPHCM cũng đã thu hút nhiều quỹ đầu tư quốc tế và các tổ chức huy động vốn đặt trụ sở tại đây.

Về nhân lực tài chính, TPHCM từ lâu cũng là nơi có nhiều tổ chức tài chính quốc tế hoạt động, thu hút nhiều chuyên gia tài chính các nước tới làm việc.

Vấn đề còn lại hiện nay là cụ thể hóa chính sách để thực hiện như thế nào. Nếu cần đặt ra các thể chế ưu đãi, chúng ta nên định hướng theo các dạng cụ thể và có trọng tâm. Đối với một tổ chức lớn như TTTC quốc tế, các ưu đãi đặc biệt không thể tạo nên lợi thế vượt trội.

Thay vào đó, yếu tố then chốt là tạo cơ hội để thu hút vốn nước ngoài vào các dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu nhiều dự án quan trọng như đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng và sân bay - những dự án hoàn toàn có tiềm năng thu hút vốn quốc tế dựa trên quy mô nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

Ưu đãi quốc gia cũng không nằm ở những chính sách mang tính chất “trải thảm đỏ” nhưng thiếu hiệu quả, mà cần nằm ở việc hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng một hệ thống tài chính đạt chuẩn quốc tế. Các quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch và thực thi đồng bộ. Đặc biệt, quy trình phải đơn giản, nhanh gọn, đảm bảo không có sự chậm trễ hay rào cản không cần thiết, tránh tình trạng “ngâm hồ sơ” gây cản trở nhà đầu tư.

Cơ hội “thử sức” DN Việt

Sự phát triển của TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam - trong đó có TPHCM là trọng tâm, sẽ mang lại cơ hội gì cho các DN nội địa, đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng. Đối với các DN trong nước, việc thành lập TTTC quốc tế tại TPHCM mang lại lợi ích rất lớn.

Hiện nay, nhiều DN trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng để huy động vốn cho các dự án và ngành nghề cần đầu tư. Thực tế, nhóm DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ngân hàng, các nguồn vốn khác trong nước như các quỹ đầu tư vẫn còn rất hạn chế.

Khi TTTC khu vực và quốc tế TPHCM được xây dựng thành công, các DN trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ việc tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn, bao gồm vốn cổ phần, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho các DN có thêm nguồn lực để phát triển.

Sự hình thành của TTTC quốc tế cũng mang lại lợi ích lớn cho nhóm ngân hàng. Lý do là vì các ngân hàng nội địa có thể đảm nhận nhiều vai trò quan trọng như cung cấp dịch vụ bảo lãnh trái phiếu, phát hành trái phiếu, thu hút vốn, quản lý vốn và thực hiện các hoạt động sáp nhập, mua lại DN.

Đây đều là những dịch vụ cốt lõi tại các TTTC quốc tế hàng đầu. Không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, các ngân hàng trong nước còn có thể vươn ra khu vực, mang lại cơ hội lớn về tăng trưởng quy mô và lợi nhuận.

Sự hình thành TTTC quốc tế ở Việt Nam không chỉ giúp chúng ta tự chủ hơn trong các hoạt động phát hành vốn và huy động tài chính, mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng nội địa, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Nhưng bên cạnh những cơ hội và lợi ích thấy rõ, chúng ta cũng cần nhận diện rõ những thách thức khi thực hiện xây dựng TTTC quốc tế. Trước hết đó là sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ ngay trên sân nhà khi không còn sự “bảo trợ” của Nhà nước.

Bởi việc mở cửa hội nhập sâu hơn, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định khu vực như Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) và ASEAN, đã khiến nhiều DN lo ngại về sự cạnh tranh từ các công ty nước ngoài, đặc biệt từ Thái Lan.

Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á rất mạnh về kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa từng xây dựng được một TTTC quốc tế thực sự. Thái Lan hay Malaysia, những nước có nền kinh tế phát triển về sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thậm chí có phần vượt trội hơn so với Việt Nam, nhưng đến nay họ vẫn chưa thành công trong việc thiết lập được TTTC quốc tế.

TS. ĐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cu-the-hoa-chinh-sach-de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post120401.html
Zalo