Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán: Có nên tăng từ 3 tháng lên 6 tháng?

Có ý kiến cho rằng 6 tháng là khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp, hợp tác xã xác định có nguồn tiền để thanh toán khoản nợ đến hạn hay không. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng quy định này để đề nghị mở thủ tục phá sản, gây mất uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã dẫn đến khả năng phá sản trên thực tế...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì soạn thảo Luật Phá sản (sửa đổi), trong đó đề xuất 2 phương án về việc xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

ĐỀ XUẤT TĂNG THỜI HẠN XÁC ĐỊNH NGHĨA VỤ NỢ TỪ 3 THÁNG LÊN 6 THÁNG

Theo Tòa án nhân dân tối cao, Luật Phá sản hiện hành quy định “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Quá trình xây dựng dự thảo luật, có 02 loại ý kiến khác nhau về thời hạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên quy định theo hướng kéo dài thời hạn doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn từ 03 tháng lên 06 tháng, trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Bởi lẽ thời gian 03 tháng là ngắn so với chu kỳ thực hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh phức tạp.

Qua thực tiễn, doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ quá hạn 03 tháng là rất phổ biến; việc không thanh toán các khoản nợ quá hạn có thể do doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ khó khăn, mất cân đối tài chính tạm thời.

Mặt khác, 6 tháng là khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp, hợp tác xã xác định có nguồn tiền để thanh toán khoản nợ đến hạn hay không. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng quy định này để đề nghị mở thủ tục phá sản, gây mất uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã dẫn đến khả năng phá sản trên thực tế.

Loại ý kiến thứ haicho rằng cần giữ nguyên quy định hiện hành về khái niệm “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Các ý kiến cho rằng khi xây dựng Luật Phá sản năm 2014, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cân nhắc kỹ về thời hạn này.

Dự thảo Luật đã có quy định về doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, theo đó, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc thanh toán khoản nợ đến hạn trong vòng 06 tháng tiếp theo hoặc khoản nợ đã đến hạn nhưng chưa quá 06 tháng kể từ ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, trong quá trình hoạt động, trước khi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự xác định được tình trạng có nguy cơ mất khả năng thanh toán của mình và đã có thời gian chủ động cân đối tài chính hoặc đề nghị được áp dụng thủ tục phục hồi.

Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định trường hợp chủ nợ nộp đơn đề nghị phá sản, thì trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền nộp đơn đề nghị mở thủ tục phục hồi. Do vậy, không cần thiết phải quy định tăng thời gian không thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ 03 tháng lên 06 tháng.

Tòa án nhân dân tối cao đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy định trên.

BỔ SUNG CÁC THỦ THỂ CÓ QUYỀN NỘP ĐƠN MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN

Trong dự thảo mới, Tòa án nhân dân tối cao cũng bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:

- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, chủ nợ có bảo đảmnhưng tài sản bảo đảm không còn tồn tại có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;

- Người lao động, công đoàn cơ sở, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng 56 kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán;

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng nhưng Điều lệ của công ty có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định;

- Thành viên, nhóm thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng số vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thành viên, nhóm thành viên có số vốn điều lệ chiếm dưới 65% trên tổng số vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh công ty trách nhiệm hữu hạn mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định;

- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

- Đại hội đồng cổ đông có quyền biểu quyết yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-hop-tac-xa-mat-kha-nang-thanh-toan-co-nen-tang-tu-3-thang-len-6-thang.htm
Zalo