Cụ ông 90 tuổi làm khu tưởng niệm Bác Hồ tại nhà
Hơn 30 năm đi khắp mọi miền đất nước, thấy nơi nào có di vật, tư liệu về Bác Hồ, cựu chiến binh Bùi Xuân Phước đều sưu tầm, đưa về Khu tưởng niệm tại gia đình.
Bán nhà để thực hiện tâm nguyện
Đến xã Phước Đồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đi qua cổng chào với hàng chữ “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - gia đình bác Bùi Xuân Phước”, chúng tôi bước vào khuôn viên khoảng 2.000 m². Một cụ ông với nụ cười hiền hậu bước nhanh ra đón. Với chất giọng trầm ấm, cụ tự giới thiệu là Bùi Xuân Phước, 89 tuổi, sinh ở Đà Nẵng, lớn lên tại Phú Yên, là chủ nhân của Khu tưởng niệm.
Con đường có hàng rào râm bụt giống như đường vào nhà Bác ở Làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An) dẫn vào trong Khu tưởng niệm. Trước sân là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao 1,9 m, rộng 60 cm, đứng trên đài sen.
Bên trong đền thờ, bàn thờ Bác tỏa hương thơm ngát, phía sau là bức ảnh lồng kính khổ lớn ghi lại thời khắc Người lâm chung, khiến cho những ai đến viếng đều xúc động nghẹn ngào. Bức tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng nặng gần 100 kg do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 2016 đặt trang trọng bên trên.
Các bức tường trong đền thờ có hơn 150 hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, được cụ Phước dày công sưu tầm, sao chụp, phục chế, xếp đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính, với chú thích rõ ràng, theo từng chủ đề: Quê hương, gia đình, thời niên thiếu; Những ngày đầu tham gia phong trào yêu nước; Hành trình đi tìm đường cứu nước; Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mỗi hiện vật là một câu chuyện, được chính cụ thiết kế, bài trí, sắp đặt khoa học, với tất cả nỗi đam mê và lòng thành kính.
Dù đã 89 tuổi nhưng cụ Phước nhớ rất rõ từng kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày ở Khu tưởng niệm. “Tôi có thể quên một vài kí ức trong cuộc đời, nhưng đối với những kỉ vật liên quan đến Bác, tôi nhớ rõ từng chi tiết, món đồ đã sưu tầm ở đâu” – cụ Phước nói.
Cụ Phước tâm sự về cơ duyên làm Khu tưởng niệm: "Khi còn nhỏ, tôi được học và rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Lúc trưởng thành, tôi có thời gian dài công tác trong môi trường quân đội và ngành bảo tàng. Vậy nên tình yêu đối với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh thấm sâu vào máu thịt của tôi từ lúc nào không biết.
Tôi luôn ấp ủ ước mơ sau khi nghỉ hưu sẽ lập một bảo tàng thu nhỏ về Bác ở chính vùng quê mình sinh sống. Từ năm 1976, tôi bắt đầu sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Nghe ở đâu có hiện vật hay các tư liệu liên quan đến Bác Hồ là tôi đến, xin được in sao thành nhiều bản, đưa về trưng bày ở bảo tàng nơi mình làm việc và mang về tích lũy ở nhà”.
Hiện Khu tưởng niệm của cụ Phước có hơn 100 hiện vật, tư liệu về Bác Hồ. Nhiều hiện vật để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem: Mô hình ngôi Nhà sàn, nơi Bác sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; Mô hình tàu Amiral Latouche Tréville chở người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 (do Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM) chế tác; Bản sao viên gạch hồng Người dùng để sưởi ấm trong thời gian ở Pháp những năm 1919 - 1923; Bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Bản sao các đồ dùng của Bác như đôi dép cao su, chiếc mũ cát, chiếc vali dây da… Cụ Phước cho biết, tất cả các hiện vật này được phục chế nguyên bản tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Dành cả cuộc đời cho khu bảo tàng thu nhỏ
Ở tuổi 15, theo tiếng gọi của non sông, cậu bé Phước tham gia cách mạng, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau khi đất nước giành độc lập, ông trở về quê hương Phú Khánh tham gia thành lập Bảo tàng và được giao chức vụ Trưởng phòng Bảo tồn, bảo tàng, thuộc Ty Thông tin Văn hóa Phú Khánh.
Năm 1989, tỉnh Phú Khánh tách thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, ông Phước được điều động ra Tuy Hòa làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1995. Hàng ngày tiếp xúc, bảo quản các kỷ vật quý liên quan đến các danh nhân, lãnh tụ, ý tưởng khi về hưu sẽ xây dựng một Khu tưởng niệm về Bác Hồ trong khu đất của gia đình mà ông đã tích cóp mua được ở xã Phước Đồng càng thôi thúc trong tâm trí người cựu chiến binh.
Năm 1997, cụ bắt đầu khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên gia đình, tọa lạc tại thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, cách trung tâm TP Nha Trang 7 km về hướng Tây - Nam.
Cụ Phước tâm sự, khi bắt đầu xây dựng Khu tưởng niệm, do thiếu vốn nên dù hơn 60 tuổi cụ vẫn cùng vợ lái chiếc xe máy Citi 100 rong ruổi ra Bắc vào Nam tìm đồng đội, trình bày ý nguyện và đặt vấn đề mượn tiền để thực hiện công trình. Quá trình xây dựng, do phát sinh nhiều chi phí nên cụ Phước quyết định bán ngôi nhà ở trung tâm TP Nha Trang lấy tiền xây Khu tưởng niệm.
Đến năm 2002, cụ Phước hoàn thành công trình đầu tiên của Khu tưởng niệm là Đền thờ Bác Hồ. Một lần nữa, nguồn kinh phí lại cạn kiệt. Người cựu chiến binh già phải “xin” lại miếng đất đã cho con gái làm của hồi môn để bán tiếp, lấy tiền đầu tư làm nhà tiền chế, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách về Bác...
Năm 2010, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cụ Phước chính thức khánh thành với các tư liệu, hiện vật đủ khái quát những mốc son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Như vậy, để có một Khu tưởng niệm về Bác Hồ như một bảo tàng thu nhỏ hôm nay, cụ Phước mất gần 30 năm ròng rã, lặn lội từ Nam ra Bắc, với biết bao công sức cùng tiền bạc.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, Khu tưởng niệm đón hơn 100 đoàn khách với hơn 3.000 lượt người đến dâng hương, học tập, nghiên cứu, sinh hoạt chính trị, tổ chức kết nạp Đảng viên, Đoàn viên mới”, cụ Phước chia sẻ.
Năm 2020, cụ Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ cũng được nhận nhiều phần thưởng, bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND thành phố Nha Trang và UBND xã Phước Đồng.
Lãnh đạo UBND xã Phước Đồng cho biết, hễ có đoàn khách đến tham quan, cụ Phước say sưa thuyết minh như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Mỗi hiện vật, tư liệu, hình ảnh ở Khu tưởng niệm đều chất chứa câu chuyện cảm động về Người. Đây thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là điểm tham quan thật sự ý nghĩa của du khách trong và ngoài nước.