Cú hích lớn cho thị trường bất động sản

Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đây là một bước đi quan trọng giúp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở thương mại, đáp ứng nhu cầu về nhà ở trong bối cảnh thị trường hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng.

Nhà đầu tư tìm hiểu một dự án bất động sản tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà đầu tư tìm hiểu một dự án bất động sản tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tăng cường nguồn cung nhà ở thương mại

Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3, khoản 2, khoản 3 Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Nghị quyết số 171/2024/QH15). Nghị định này không chỉ là cơ hội để các tổ chức kinh doanh bất động sản tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư mà còn là giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường nguồn cung nhà ở thương mại cho thị trường.

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định là quy trình thực hiện thủ tục đầu tư và xây dựng cho các tổ chức kinh doanh bất động sản. Theo Điều 7 của Nghị định, các tổ chức kinh doanh bất động sản đã có quyền sử dụng đất, hoặc sau khi hoàn thành việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, sẽ được phép tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết như chấp thuận chủ trương đầu tư và chọn lựa nhà đầu tư.

Đặc biệt, đối với các dự án đã được Nhà nước cho phép thực hiện trước khi có hiệu lực của Nghị quyết số 171/2024/QH15, các thủ tục liên quan đến đầu tư không cần phải làm lại. Các nhà đầu tư chỉ cần tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng triển khai dự án. Chính sách này sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở thương mại hiện nay, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của DN và xã hội.

Điều 8 của Nghị định quy định rõ các thủ tục liên quan đến đất đai khi triển khai các dự án thí điểm. Các thủ tục như thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là trong trường hợp các dự án phải di dời cơ sở sản xuất do ô nhiễm môi trường hoặc theo quy hoạch đô thị, và nếu đất thực hiện dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kinh doanh bất động sản sẽ được phép thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đồng thời với việc chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này không chỉ giúp cải cách thủ tục hành chính mà còn giải quyết khó khăn cho những dự án cần di dời do ô nhiễm môi trường hoặc theo quy hoạch đô thị, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển nhanh chóng các dự án nhà ở thương mại.

Một điểm sáng khác trong Nghị định là việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các dự án thí điểm. Theo đó, các tổ chức kinh doanh bất động sản phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo các quy định tại chương XI Luật Đất đai và các nghị định liên quan.

Tuy nhiên, đối với các dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính trước thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 171/2024/QH15, các chi phí hợp lý sẽ được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác nhận và khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các dự án di dời các cơ sở quân đội hoặc cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực ô nhiễm hoặc không phù hợp với quy hoạch.

Việc xác nhận và khấu trừ các chi phí này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong quá trình triển khai các dự án này.

Để thị trường phát triển minh bạch, công bằng

Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở vẫn đang là vấn đề nan giải, các quy định trong Nghị định hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích lớn cho ngành bất động sản, thúc đẩy việc phát triển các dự án nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân, và đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Với việc cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu lãng phí nguồn lực, và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Nghị định này là một bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình triển khai các dự án nhà ở thương mại.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng đã có thông báo về việc đăng ký thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Hồ sơ đăng ký có thể nộp trực tiếp đến Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội; nộp thông qua dịch vụ bưu chính công ích; nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công TP Hà Nội.

Theo quy định của Chính phủ (Nghị định 75/2025/NĐ-CP), sau khi có thông báo chấp thuận cho tổ chức được thực hiện dự án thí điểm, tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất với người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai.

Trường hợp diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý mà tách thành dự án độc lập thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, việc cho thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giúp khoảng 900 dự án bất động sản trên cả nước được triển khai.

Bởi riêng TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 343 dự án nhà ở thương mại của hơn 300 DN với tổng diện tích đất lên đến 1.913ha đăng ký thực hiện thí điểm. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh thường chiếm khoảng 25 - 30% dự án trên cả nước. Vì vậy, nếu tính trên cả nước, có thể có khoảng 900 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 5.000ha sẽ được Nghị quyết 171 tháo gỡ trong 5 năm tới.

Nếu bình quân mỗi dự án có 630 căn nhà thì riêng TP Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản sẽ có thêm 216.000 căn nhà ở trong 3 - 10 năm tới. Nhìn rộng ra khoảng 900 dự án nhà ở thương mại đăng ký thực hiện dự án thí điểm trên cả nước, với quy mô sử dụng đất vào khoảng 5.000ha, sẽ có thêm khoảng 650.000 căn nhà cung ứng cho thị trường. Nguồn lực này sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai. Ngoài ra, có thể thu hút lượng vốn đầu tư lên đến khoảng 5 triệu tỷ đồng, tạo ra tác động lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 trở đi.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cu-hich-lon-cho-thi-truong-bat-dong-san-416463.html
Zalo