Hai bệnh viện ở Hà Nam, tòa nhà tiểu Keangnam… giờ xử lý đến đâu?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt ra câu hỏi về tiến độ xử lý hai bệnh viện ở Hà Nam cũng như một số công trình, dự án lãng phí khi thảo luận tại Thường vụ Quốc hội
Sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày.
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.
Rà soát, sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy
Sau khi nghe hai báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét đọc báo cáo của Chính phủ thì không thấy hạn chế, khuyết điểm gì mấy. Ông đề nghị Chính phủ rà soát 7 lĩnh vực trọng tâm của thực hành tiết kiệm chống lãng phí (THTKCLP) để phân tích nguyên nhân.
“Báo cáo cũng nêu do một số vướng mắc ở Luật THTKCLP thì cần làm rõ vướng mắc nào, có cần sửa luật không, hay do khâu thực hiện? Tuy cũng còn một số điểm của luật nhưng không nhiều, không lớn, quan trọng là chỗ tổ chức thực hiện”, ông Phương nhận định.
Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định thì đề nghị trong bối cảnh chống lãng phí đang được Ban chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quan tâm thì báo cáo của Chính phủ cần cập nhật.
“Vừa rồi Ban chỉ đạo PCTNLPTC có yêu cầu báo cáo rà soát pháp luật, rà soát các dự án, công trình, có các chỉ đạo cụ thể, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tồn tại. Ví dụ hai bệnh viện ở Hà Nam, Tổng Bí thư chỉ đạo thanh tra, tòa nhà “tiểu Keangnam"… thì báo cáo phải làm rõ hiện nay đã khắc phục đến đâu”, ông Định gợi ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát các dự án, tài sản công để sử dụng hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: QH
Báo cáo của Chính phủ nêu các nhiệm vụ năm 2026, ông Định nói “các gạch đầu dòng đủ hết… nhưng phải cụ thể là gì”. Theo ông, Chính phủ nên rà soát các dự án chậm triển khai vì tháo gỡ được 1/10 các dự án này thì “đã tốt lắm rồi”. Đồng thời, tập trung tháo gỡ cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực. Đây cũng chính là chống lãng phí.
“Lúc tôi ở địa phương, có các dự án chỉ đăng ký để đấy. Tôi cho rà soát xem những dự án nào không triển khai thì thu hồi. Các dự án triển khai ngay. Còn các dự án không triển khai được thì phải thu hồi”, ông Định nói.
Ông cũng đề nghị rà soát các tài sản công đang sử dụng không hiệu quả, hoặc các tài sản công đang cho thuê, rà soát sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy để sử dụng cho hiệu quả. “Các tài sản công sử dụng không hiệu quả phải thu hồi, đấu giá, lấy tiền xây bệnh viện, trường học.”, ông Định gợi ý.
Theo ông, những việc này sẽ đóng góp vào việc tạo động lực tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số từ năm 2026 như Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xác định.
Sẽ trình sửa cơ chế trong đấu thầu, đầu tư
Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng các dự án tồn đọng đúng là một nguồn lực lớn, nếu được tháo gỡ, triển khai thì sẽ hỗ trợ và tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.
“Với các dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa thể chế và các cơ chế trong luật Đấu thầu, Đầu tư công, PPP… trong kỳ họp lần này”, Bộ trưởng Thắng nói.
Giải trình một ý kiến trước đó liên quan đến nội dung tổng mức các dự án, Bộ trưởng Thắng nói nếu tính trên tổng mức đầu tư các dự án lớn, như các dự án điện, hay các dự án bất động sản tính theo diện tích đất và giá đất tạm tính thì đó là một nguồn lực rất lớn, trị giá hàng trăm tỉ USD.
“Bộ Tài chính sẽ tham mưu, cập nhật và bổ sung các kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác THTKCLP của Chính phủ”, Bộ trưởng Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay Chính phủ sẽ trình sửa thể chế, cơ chế về đầu tư, đấu thầu nhằm gỡ vướng cho các dự án, tạo động lực tăng trưởng. Ảnh: QH
Trước đó, Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nêu trong báo cáo của Chính phủ có Bộ Giáo dục và Đào tạo không có báo cáo về THTKCLP. Bà đề nghị làm rõ xem vì sao. Cũng vậy, có những đơn vị, địa phương được chấm điểm về chỉ tiêu PCTN, nhưng cũng có những đơn vị không được chấm điểm. Bà đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đồng thời bổ sung hai điểm vào báo cáo.
Đó là việc Chính phủ đã thành lập nhiều Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Vừa qua, nhiều dự án được tháo gỡ theo Kết luận 177 của Bộ Chính trị, các dự án năng lượng tái tạo, các dự án có vi phạm về đất đai cũng được tháo gỡ. “Đây là nỗ lực của Chính phủ”, Phó Tổng KTNN Trần Minh Khương nói.
Ông Khương cũng đề nghị bổ sung nội dung tiết kiệm ngân sách để tạo nguồn cải cách tiền lương và phần 50% tiết kiệm dự toán vượt thu dành cho đầu tư phát triển vào báo cáo.
Không được để hoang hóa, lãng phí đất đai
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 thực hiện đạt 2,043 triệu tỉ đồng, tăng 342,7 nghìn tỉ đồng (khoảng 20,1%) so dự toán và báo cáo Quốc hội.
Chi ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỉ đồng, bằng 86,4% dự toán.
Qua tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương hơn 64.000 tỉ đồng.
Tính đến ngày 26-12-2024, số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trong phạm vi cả nước là hơn 205.800 cơ sở. Số cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý hơn 62.700 cơ sở.
“Quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất dẫn đến tiến độ sắp xếp còn chậm, kéo dài thời gian, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số Bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn”, báo cáo nêu.
Tính đến ngày 30-10-2024 tại 63 tỉnh, thành phố, tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Báo cáo thẩm tra nhận xét: Kết quả thu NSNN 2024 phục vụ việc lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn, có sự chênh lệch khá lớn giữa số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và dự toán.
Giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm, chưa được khắc phục triệt để. Việc chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm. Việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập, đang được xem xét, giải quyết rất quyết liệt…
Cơ quan thẩm tra đề nghị đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...