Thành phố Hoa Lư sẽ giữ tên gọi nghìn năm lịch sử đặt cho các phường mới sau sắp xếp

Thành phố Hoa Lư – đô thị loại I vừa được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình, đang thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Trong quá trình hợp nhất, một điểm nhấn đặc biệt là việc giữ nguyên tên gọi 'Hoa Lư', địa danh mang đậm giá trị lịch sử hơn 1.000 năm để đặt tên cho 4 phường mới.

Đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 125 xuống còn 39

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, sau khi xóa bỏ cấp huyện, tỉnh Ninh Bình dự kiến giải thể 2 thành phố hiện tại là Hoa Lư và Tam Điệp, cùng với 5 huyện gồm: Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan và Kim Sơn.

Sau khi hoàn tất đề án, tỉnh Ninh Bình sẽ còn 39 đơn vị hành chính cấp xã (giảm từ 125 xuống 39, tức giảm 68,8%) với 8 phường gồm: Phường Tây Hoa Lư; Phường Nam Hoa Lư; Phường Đông Hoa Lư; Phường Hoa Lư; Phường Tam Điệp; Phường Yên Sơn; Phường Trung Sơn và Phường Yên Thắng.

Cụ thể, theo phương án sắp xếp, 20 đơn vị hành chính cấp xã và phường hiện nay của thành phố Hoa Lư sẽ được tổ chức lại, hình thành 4 phường mới gồm: Hoa Lư, Tây Hoa Lư, Nam Hoa Lư và Đông Hoa Lư. Các phường này được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hiện có của thành phố và một số đơn vị hành chính liền kề thuộc các huyện Yên Khánh, Gia Viễn và Nho Quan. Việc đặt tên phường được cân nhắc kỹ lưỡng, vừa phản ánh vị trí địa lý, vừa kế thừa, phát huy giá trị văn hóa – lịch sử hơn một nghìn năm của vùng đất Cố đô.

Và 31 xã gồm Xã Gia Viễn; Xã Đại Hoàng; Xã Gia Hưng; Xã Gia Phong; Xã Gia Vân; Xã Gia Trấn; Xã Nho Quan; Xã Gia Lâm; Xã Gia Tường; Xã Phú Sơn; Xã Cúc Phương; Xã Phú Long; Xã Thanh Sơn; Xã Quỳnh Lưu; Xã Yên Khánh 1; Xã Yên Khánh 2; Xã Yên Khánh 3; Xã Yên Khánh 4; Xã Yên Khánh 5; Xã Yên Mô 1; Xã Yên Mô 2; Xã Yên Mô 3; Xã Yên Mô 4; Xã Chất Bình; Xã Kim Sơn; Xã Quang Thiện; Xã Phát Diệm; Xã Lai Thành; Xã Định Hóa; Xã Bình Minh và Xã Kim Đông.

Ông Đinh Văn Tiên - Bí thư Thành ủy Hoa Lư, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Đảng ủy và UBND các xã, phường khẩn trương triển khai nghiêm túc các phần việc theo đúng tiến độ đã được thành phố xác định. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các mốc thời gian then chốt, đặc biệt là yêu cầu toàn thành phố phải hoàn tất toàn bộ thủ tục và báo cáo với tỉnh trước 11 giờ ngày 26/4.

Thành phố Hoa Lư hiện có diện tích 150,24 km2, dân số 238.209 người, là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và du lịch của tỉnh Ninh Bình. Đây là đô thị loại I duy nhất ở Việt Nam sở hữu di sản thế giới "kép" Tràng An – danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014.

Thành phố còn lưu giữ hàng loạt di tích quốc gia đặc biệt và cảnh quan nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, hành cung Vũ Lâm, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa, Thung Nham, động Thiên Hà...

Hoa Lư được xác định là "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

 Hoa Lư được xác định là "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Hoa Lư được xác định là "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Theo định hướng phát triển, Hoa Lư được xác định là "Đô thị di sản thiên niên kỷ", trở thành hình mẫu phát triển cân bằng giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, lấy hạnh phúc của nhân dân làm trung tâm.

Sự tái cấu trúc mạnh mẽ này kỳ vọng tạo đà cho Ninh Bình phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên cả phương diện quản lý hành chính và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và bảo tồn di sản văn hóa.

Toàn bộ hệ thống hành chính cấp huyện sẽ được tổ chức lại thành các thành phố và thị xã, giúp tinh giản bộ máy và tăng tính liên kết vùng.

Cách đặt tên này vừa kế thừa giá trị văn hóa - lịch sử gắn với kinh đô xưa của nhà nước Đại Cồ Việt, vừa đảm bảo tính định danh địa lý rõ ràng, thuận tiện trong quản lý hành chính. Theo lãnh đạo Thành ủy Hoa Lư, việc giữ lại tên "Hoa Lư" là nhằm tôn vinh và bảo tồn giá trị di sản gắn liền với quốc hiệu đầu tiên của dân tộc Việt Nam dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng.

Việc đặt tên các phường mới đã được tổ chức lấy ý kiến cử tri và công khai, nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Theo Phòng Nội vụ thành phố Hoa Lư, người dân coi đây là lựa chọn phù hợp, giàu tính biểu tượng và góp phần quảng bá thương hiệu địa danh Cố đô Hoa Lư ra quốc tế.

Đồng Tháp quan tâm đặc biệt giữ tên cũ cho xã mới

Ngày 24/4, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chủ trì Hội nghị đột xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để xem xét, cho ý kiến một số nội dung liên quan tới sắp xếp đơn vị hành chính, quy chế làm việc. Kết quả lấy ý kiến người dân, có 96% đồng ý sáp nhập xã.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện và thành lập đảng bộ cấp xã trực thuộc Tỉnh ủy; hợp nhất tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp; thảo luận về triển khai hội nghị đảng bộ các cấp.

 Quang cảnh làm việc. Ảnh: V. Tiến

Quang cảnh làm việc. Ảnh: V. Tiến

Với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp, có hơn 96% cử tri thống nhất sắp xếp từ 96 đơn vị còn 45 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 7 phường, 38 xã).

Từ các ý kiến góp ý của cử tri, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất điều chỉnh tên gọi và trung tâm hành chính một số xã phường, gồm: Điều chỉnh tên xã Tam Nông thành xã Tràm Chim, điều chỉnh xã Phú Hiệp thành xã Tam Nông; xã Thanh Bình mở rộng thêm ấp Nam của xã Tân Thạnh.

Thống nhất điều chỉnh tên xã Tân Huề thành Tân Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại xã Tân Bình. Điều chỉnh trung tâm hành chính xã Mỹ Quý (mới) đặt tại xã Mỹ Quý hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Tháp cho biết, quá trình triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các đơn vị rất quan tâm tên xã, phường mới, đảm bảo vừa đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương vừa gắn với văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Hơn nữa, các đơn vị cấp xã mới được giữ lại một trong những tên xã cũ gắn với địa phương, đảm bảo không trùng với các đơn vị cùng cấp sau sáp nhập tỉnh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Đồng Tháp và nội dung các tờ trình. Trong đó, đại biểu cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp sớm có hướng dẫn thực hiện sắp xếp cán bộ cho các đơn vị mới sau sắp xếp; đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo an ninh chính trị nội bộ cho các địa phương trong quá trình sắp xếp.

Về thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, dự kiến đại hội cấp xã hoàn thành trước ngày 31/8; đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở thuộc các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Đồng Tháp (không phải là xã, phường) và đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, UBND tỉnh tổ chức sau khi hợp nhất, sáp nhập tỉnh.

 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V. Tiến

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V. Tiến

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong cho biết, việc xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh được triển khai cẩn trọng, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân với kết quả sự đồng thuận cao.

Theo ông Phong, tiến độ công việc rất gấp rút, trên tinh thần không chờ đợi, các cấp, các ngành, địa phương bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc sau khi thực hiện sắp xếp; cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp để tránh lãng phí. Cùng với đó, Tỉnh ủy sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang thực hiện Đề án hợp nhất 2 tỉnh để sớm trình Trung ương.

Tại Hội nghị, Tỉnh ủy Đồng Tháp còn công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ. Theo đó, Ban Bí thư chuẩn y ông Phan Văn Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 - 2025; chuẩn y ông Bùi Thanh Tiền, Chánh Văn phòng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham gia Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Tháp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Minh Đức - Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thanh-pho-hoa-lu-se-giu-ten-goi-nghin-nam-lich-su-dat-cho-cac-phuong-moi-sau-sap-xep-post1736645.tpo
Zalo