Cộng đồng Dao đỏ nỗ lực xóa đói giảm nghèo từ bài thuốc cổ truyền

Xã Phan Thanh nằm ở phía tây của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cách trung tâm huyện 32km, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp như đồng cỏ Nà Mùng, Tổng Sơ, đồi cỏ Lũng Chủ, và rừng thông. Song từ nhiều đời nay, đời sống của bà con xã Phan Thanh dựa hoàn toàn vào làm nông nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Phát huy thế mạnh từ những bài thuốc cổ truyền

Trên địa bàn xã Phan Thanh, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm tới 82% dân số. Bà con nơi đây vẫn quen với tập tục canh tác lạc hậu, năng suất thấp. Chính vì vậy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Hiện 6 xóm trong xã chưa có sóng điện thoại, 2 xóm và 4 bản làng chưa có điện lưới. Một số tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra tại một số xóm, tình trạng bỏ học, tảo hôn vẫn còn xảy ra.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền

Từ đây đặt ra yêu cầu với chính quyền địa phương đó là tìm giải pháp cải thiện đời sống của người dân, nâng cao dân trí, chú trọng an sinh xã hội và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Qua khảo sát, đánh giá, cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thấy, bên cạnh những lợi thế về thắng cảnh thiên nhiên, thì xã Phan Thanh có những tiềm năng dồi dào về văn hóa, con người, về bản sắc có thể khai thác, phát huy, tạo sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Một trong số đó là những bài thuốc cổ truyền của dân tộc Dao đỏ vẫn đang được lưu truyền trong cộng đồng.

Ông Bàn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh chia sẻ: “Bản thân tôi được lãnh đạo huyện cho đi tham quan, học tập thì thấy rằng ở các địa phương khác đất đai cằn cỗi hơn, các loại cây thuốc ít hơn, điều kiện về địa hình, rồi giao thông không thuận lợi như chỗ của chúng ta, mà bà con nơi đó họ vẫn triển khai, thực hiện rất tốt. Một người đứng ra đầu tư, rồi cả làng cùng nhau làm, và bây giờ họ đang làm rất tốt. Trong khi đó, chúng ta đang hằng ngày lãng phí các loại cây thuốc, rồi thế hệ trẻ hôm nay thì ngày càng thờ ơ với các bài thuốc quý của cha ông truyền lại”.

Từ niềm trăn trở này, ông Bàn Đức Thắng đã tổ chức nhiều cuộc họp cùng cộng đồng dân cư, vừa chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình, đồng thời quy tụ các thành viên trong cộng đồng có cùng mối quan tâm, chung nguyện vọng, nhất là những người còn lưu giữ được các bài thuốc cổ truyền của người Dao đỏ. Từ đó ông Thắng đề xuất thành lập Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền (Câu lạc bộ).

Cộng đồng tương trợ, cùng nhau phát triển

Ngày 10/3/2024, tại xóm Bình Đường, xã Phan Thanh Lễ ra mắt Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền đã diễn ra với sự tham gia nhiệt tình, hồ hởi của bà con trong xóm. Ông Bàn Đức Thắng được người dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ

Mục tiêu của Câu lạc bộ đó là bảo tồn lại các bài thuốc quý của Dao đỏ, vận động bà con cố gắng tìm và lưu giữ, trồng, khôi phục lại các bài thuốc quý. Trên cơ sở đó tiếp tục phát triển các bài thuốc, cây thuốc cổ truyền, gia truyền của người Dao đỏ tại địa phương. Trong đó, nhiều bài thuốc quý được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tiêu biểu như thuốc chữa đại tràng, dạ dày, viêm gan B, xương khớp, trĩ, xông sâu răng, tắm hồi phục sức khỏe, suy dinh dưỡng trẻ em,...

Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của các bài thuốc cổ truyền tại Câu lạc bộ, ông Bàn Đức Thắng cho biết: Người dân tộc Dao đỏ có truyền thống rất hay là người thầy thuốc chữa bệnh phải gắn với người có tâm, có đức, và gắn với các bài học sách nho giáo, dạy cách làm người của người Dao đỏ. Theo đó, mỗi cá không được làm những việc trái với luân thường đạo lý làm người, không được ăn cắp, ăn trộm, không được lừa đảo. Và những thầy thuốc thường là những người có tài, có đức ngoài việc biết thuốc ra còn biết hát các bài hát lượn, rồi các loại sách. Chính vì vậy, để thực hiện được vấn đề bảo tồn và phát triển thuốc, ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như đạo đức của người làm nghề thuốc.

Để biến các bài thuốc truyền thống thành sản phẩm bán rộng rãi ra thị trường, mang lại thu nhập, giúp cải thiện đời sống cho bà con trong xã, các thành viên của Câu lạc bộ còn hết sức chú trọng việc công tác giới thiệu quảng bá qua nhiều kênh thông tin, kể cả các nền tảng mạng xã hội.

Tham gia trên tinh thần tự nguyện, các thành viên Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ luôn đề cao việc chấp hành nghiêm túc pháp luật và nguyên tắc hoạt động của nhóm, theo đúng truyền thống cổ truyền của dân tộc.

Bà con trong Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền

Bà con trong Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền

Dù không yêu cầu góp vốn, các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh độc lập nhưng mọi thành viên của Câu lạc bộ thường xuyên nhắc nhở nhau về tinh thần trung thực, cạnh tranh lành mạnh. Ai chịu khó nghiên cứu được nhiều sản phẩm, bán được nhiều thì có nhiều tiền, ai không chịu khó nghiên cứu thì bán được ít. Người không biết cách bào chế thuốc thì đi hái thuốc bán cho các thành viên khác trong nhóm. Chính vì vậy, các hoạt động của Câu lạc bộ diễn ra trật tự, văn minh.

Điều đặc biệt nhất là thông qua hoạt động của Câu lạc bộ đã góp tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng, suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà cần phát huy tính chủ động, phấn đấu tự lực vươn lên, tạo công ăn việc làm cho bà con giúp xóa đói giảm nghèo.

Với tiềm năng phong phú từ các bài thuốc cổ truyền của người Dao đỏ, mỗi dòng họ đều có những bài thuốc gia truyền, chính vì vậy, hiện nay Câu lạc bộ tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bằng việc mời thêm 3 thành viên ở xã Mai Long, Tam Kim vào nhóm, để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Mục tiêu lớn nhất là góp phần bảo tồn lại những bài thuốc quý không để mai một, đồng thời giúp mang lại sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân.

Nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên, hàng tháng Câu lạc bộ phân công các thành viên chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt dưới nhiều hình thức như hát, múa, nói chuyện chuyên đề và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội để quảng bá về các sản phẩm của nhóm. Từ các buổi sinh hoạt thành viên trong Câu lạc bộ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, và cùng nhau đoàn kết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau phát triển.

Điều đặc biệt nhất là thông qua hoạt động của Câu lạc bộ đã góp tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng, suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà cần phát huy tính chủ động, phấn đấu tự lực vươn lên, tạo công ăn việc làm cho bà con giúp xóa đói giảm nghèo.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-dong-dao-do-no-luc-xoa-doi-giam-ngheo-tu-bai-thuoc-co-truyen-post816804.html
Zalo