Củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được?

Cây đinh lăng được nhiều người ưa chuộng vì tác dụng tốt với sức khỏe, trong đó phần củ là quý nhất, vậy củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được?

Đinh lăng vừa là cây cảnh, vừa là cây rau gia vị và đặc biệt cũng là cây thuốc. Cả lá và củ (rễ) đều có tác dụng tốt với sức khỏe. Theo bài đăng trên website của Bệnh viện Quốc tế Vinmec, rễ đinh lăng chứa nhiều hoạt chất quý như alcaloid, saponin, glycosid, tanin, flavonoid, cùng các acid amin và vitamin B1. Những hoạt chất này giúp tăng cường sức đề kháng, bồi bổ cơ thể và hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được?

Việc ngâm rượu không chỉ giữ được các hoạt chất quý giá từ củ đinh lăng mà còn giúp tăng cường hiệu quả sử dụng của dược liệu này. Để có được hiệu quả tối đa, bạn cần lựa chọn củ đinh lăng có độ tuổi phù hợp. Vậy củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được?

Đinh lăng ban đầu phát triển khá chậm chạp. Vượt qua năm đầu tiên, cây mới có xu hướng tăng tốc và phát triển rất nhanh. Cây đinh lăng được 3 năm tuổi trở lên mới bắt đầu có dược tính, tức là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, lúc này phần rễ mới phát triển, dược tính còn ít nên hiệu quả chưa cao.

Củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được? (Ảnh: Thong Thien/VNP)

Củ đinh lăng mấy năm thì ngâm rượu được? (Ảnh: Thong Thien/VNP)

Thực tế củ đinh lăng từ 3 đến 5 năm là độ tuổi phổ biến nhất để thu hoạch và ngâm. Rễ cây trong khoảng thời gian này thường đạt đủ kích thước và chứa lượng dưỡng chất cần thiết để tạo nên sản phẩm rượu đinh lăng có hương vị và màu sắc tốt.

Cần chọn củ đinh lăng từ 5 đến 10 năm tuổi nếu bạn muốn sản phẩm rượu có mùi vị nồng đậm và đặc trưng hơn. Củ đinh lăng trong độ tuổi này thường có khối lượng rễ đủ lớn và dưỡng chất đầy đủ để cung cấp cho rượu các thành phần quý giá.

Sau độ tuổi này, củ đinh lăng sẽ dừng lớn, chỉ phần lõi của rễ (không có dược tính) phát triển. Ngoài ra theo nguyên lý tự nhiên, ở những cây quá lâu năm, rễ sẽ bị lão hóa, chuyển thành các xơ gỗ, dược tính sẽ giảm đi, thậm chí không còn tác dụng chữa bệnh.

Để đảm bảo rễ đinh lăng có chất lượng tốt nhất cho việc ngâm và sử dụng, việc lựa chọn thời điểm thu hoạch cũng rất quan trọng. Rễ đinh lăng thu hoạch vào mùa thu đông thường có chất lượng tốt hơn do các chất dinh dưỡng tích tụ vào rễ.

Tóm lại, nếu muốn ngâm rượu đinh lăng, bạn nên chọn củ từ 3 đến 10 năm tuổi.

Nên ngâm củ đinh lăng tươi hay khô?

Đinh lăng tươi hay khô đều có những ưu điểm riêng, cần tùy thuộc vào mục đích và sở thích của từng người mà chọn cách ngâm phù hợp.

Đinh lăng khô thường được ưa chuộng hơn vì sau khi phơi khô và ngâm, rượu đinh lăng thường có màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon hơn so với ngâm củ tươi. Quá trình này cũng nhanh hơn và cho ra sản phẩm có vị đậm đà. Dùng đinh lăng khô, nồng độ rượu ngâm sẽ không bị giảm đi nhiều. Ngoài ra đinh lăng khô cũng dễ bảo quản hơn, có thể ngâm rượu bất cứ lúc nào mà không cần lo lắng về sự mất mát chất lượng do sự thay đổi của củ tươi.

Trong khi đó, đinh lăng tươi thích hợp hơn cho mục đích trưng bày và giữ nguyên nét tươi mới của củ, nhưng rượu thường có màu sắc nhạt hơn và vị nhẹ hơn so với đinh lăng khô. Các củ đinh lăng tươi, đặc biệt là những củ lớn và lâu năm, thường được ngâm toàn bộ để làm trưng bày trong các không gian nội thất hoặc làm quà biếu. Đây là cách để tăng thêm vẻ đẳng cấp và sang trọng cho không gian sống.

Cách ngâm rượu đinh lăng

Để có một bình rượu đinh lăng chuẩn, bạn cần phải ngâm đúng cách, đúng tỷ lệ và đảm bảo đủ thời gian để đinh lăng tiết ra hết các hoạt chất. Nên chọn loại rượu gạo 40 - 42 độ sản xuất bằng men truyền thống. Bình ngâm rượu phải bằng thủy tinh hoặc sứ, không nên dùng bình nhựa.

Rượu đinh lăng để lâu sẽ càng ngả màu vàng đẹp hơn, thơm hơn và cũng ngon hơn.

Rượu đinh lăng để lâu sẽ càng ngả màu vàng đẹp hơn, thơm hơn và cũng ngon hơn.

Cách ngâm rượu đinh lăng tươi

Để ngâm được hũ rượu đinh lăng tươi chuẩn, không có mùi tanh, bạn cần cạo bỏ vỏ ở phần cuối để các chất trong củ dễ tiết ra.

Sau khi làm sạch, bạn để củ thật khô rồi cho vào hũ thủy tinh; có thể cắt nhỏ hoặc ngâm cả củ. Do quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bình rượu nên mọi người thường chọn cách ngâm nguyên củ và xoay chuyển lựa thế đẹp. Nếu có điều kiện, có thể cho thêm sâm cau hoặc bạch tật lệ vào ngâm cùng.

Cho rượu gạo từ 40-45 độ vào bình sao cho ngập hết đinh lăng rồi đậy nắp lại. Với khoảng 1kg đinh lăng, bạn chỉ cần dùng 3 - 4 lít rượu.

Đặt hũ rượu ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. 6 tháng là thời gian tối thiểu để ngâm rượu đinh lăng tươi. Rượu đinh lăng tươi ngâm lâu sẽ ngả màu càng đẹp, có mùi thơm và chất lượng rượu cũng ngon hơn.

Cách ngâm rượu đinh lăng khô

Củ đinh lăng được cắt lát và phơi khô trong vòng 5 - 6 ngày mới đem ngâm. Thông thường, cần khoảng 4kg đinh lăng tươi để thu được 1kg đinh lăng khô.

Sau khi phơi khô, bạn cho đinh lăng vào chảo rang với lửa lớn khoảng 5 phút, để nguội rồi cho vào hũ thủy tinh, rót rượu vào.

Mỗi kg củ đinh lăng khô, bạn cần ngâm với khoảng 7 - 8 lít rượu. So với đinh lăng tươi thì thời gian ngâm đinh lăng khô sẽ nhanh hơn, khoảng 3 tháng có thể sử dụng được.

Mai Linh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cu-dinh-lang-may-nam-thi-ngam-ruou-duoc-ar879907.html
Zalo