Đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn

Thời gian qua, lượng khách tham quan đến với các bảo tàng thông qua những video/clip của các TikToker, Facebooker… lan truyền trên mạng xã hội có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu để các bảo tàng chuyển mình và định hướng rõ ràng trong cách tiếp cận du khách, đặc biệt là giới trẻ.

Mở rộng kênh quảng bá

Tận dụng thế mạnh của các nền tảng số, nhiều bạn trẻ đã sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram... nhằm lan tỏa những thông điệp tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều bản trẻ làm video/clip về bảo tàng đăng trên TikTok. Ảnh chụp màn hình

Nhiều bản trẻ làm video/clip về bảo tàng đăng trên TikTok. Ảnh chụp màn hình

Theo xu thế này, thời gian gần đây, trên mạng xã hội, check-in tại các bảo tàng quốc gia như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… và một số bảo tàng địa phương tại Hà Nội, Điện Biên Phủ, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh đang trở thành xu hướng thịnh hành.

Điểm nổi bật của các video này là đều được dẫn dắt bởi những bạn trẻ 9X, Gen Z, với góc nhìn mới lạ, cách dàn dựng trẻ trung, lồng ghép âm nhạc hấp dẫn, cùng lời giới thiệu ngắn gọn, cuốn hút để người xem có cảm giác muốn “xách ba lô lên và đi”.

Đơn cử trên TikTok, bài đăng về Bảo tàng Lịch sử quốc gia của TikToker “homnaodidi” đạt hơn 107.000 lượt xem; bài đăng “Chụp ảnh Bảo tàng Hà Nội thế nào vừa đẹp, vừa thơ” của TikToker “Leechieee” đạt hơn 310.000 lượt xem; bài đăng về Bảo tàng Mỹ thuật của TikToker “ngvcuong” đạt 82.700 lượt xem.

Các video/clip của TikToker sau khi đăng tải không chỉ được người xem biết tới mà bên dưới bài đăng, nhiều thông tin về bảo tàng được trao đổi, chia sẻ như về giá vé, địa điểm gửi xe, phụ phí chụp ảnh, giờ mở cửa vào ngày nghỉ lễ…

Theo những người sử dụng mạng xã hội có lượng follow (theo dõi) lớn, hình ảnh và giá trị của các tác phẩm tại bảo tàng vô cùng lớn nhưng tiếc rằng sức lan tỏa lâu nay chưa nhiều. Tài khoản TikToker Tung Kong chia sẻ: “Ở đại học, tôi học chuyên ngành liên quan đến mỹ thuật. Khoảng thời gian đó có rất ít thông tin để chúng tôi tiếp cận các di tích lịch sử hay tác phẩm nghệ thuật”.

Khi đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TikToker Tung Kong cho biết, anh và nhiều người bạn đã tự đặt câu hỏi vì sao nơi có kiến trúc đẹp đẽ, trưng bày nhiều tác phẩm hội họa giá trị lại ít được công chúng biết đến. Khi mạng xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ luôn bày tỏ mong muốn kiếm tìm cái đẹp và sẵn sàng chia sẻ hình ảnh đẹp trên mạng xã hội.

Lan tỏa giá trị, thương hiệu

Theo các chuyên gia truyền thông, việc ứng dụng mô hình marketing thông qua mạng xã hội để quảng bá cho bảo tàng đã và đang là xu hướng trên thế giới. Ở Việt Nam, các mạng xã hội nổi bật như Facebook, TikTok, YouTube… có nhiều lợi thế, đó là đơn vị có quyền tự chủ hoàn toàn về nội dung, hình thức, thời điểm, tần suất đăng tin, tính tương tác cao, thời gian tương tác liên tục, hình ảnh đẹp, sinh động, có thể kiểm soát thông tin, bình luận xấu. Hơn nữa, thông tin được đưa trực tiếp đến đối tượng công chúng mục tiêu và chi phí quảng cáo thông qua mạng xã hội lại vô cùng nhỏ so với chi phí trên các kênh quảng bá truyền thống.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, mạng xã hội và các bạn trẻ trong thời gian ngắn vừa qua đã giúp lan tỏa giá trị, thương hiệu, đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Hiện nay, lượng khách đến Bảo tàng đã tăng 200 - 300% so với trước.

“Tất nhiên, so với nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, nơi chứng kiến những dòng người xếp hàng vào xem tác phẩm nghệ thuật thì số lượng trên 150.000 khách/năm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quả thực còn rất khiêm tốn. Nhưng điều đáng mừng là trong số hơn 150.000 khách hiện nay đã có tới 70% là khách Việt, trong đó 70% là các bạn trẻ” - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

Không chỉ riêng bảo tàng, nhiều di sản trên địa bàn TP Hà Nội như Nhà tù Hỏa Lò hiện đã trở thành di tích nổi tiếng thu hút giới trẻ bởi cách quảng bá mới mẻ, sáng tạo, kết hợp các xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.

Đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng trang Facebook “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic” với những bài viết hấp dẫn vừa bảo đảm tính lịch sử, vừa gần gũi. Nhà tù Hỏa Lò còn kết hợp với một số trang được giới trẻ yêu thích, lồng ghép các hình ảnh và các “trend” vui nhộn, khiến di tích trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.

Với nhiều thông tin hấp dẫn được giới trẻ lan tỏa, việc đến bảo tàng vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ đã không còn xa lạ với du khách. Bên cạnh những nơi đã quá quen thuộc như đi xem phim, đi cắm trại, đi cà phê... các bảo tàng đang trở thành điểm đến lý tưởng không thể thiếu trong mỗi chuyến đi trải nghiệm của giới trẻ hiện nay.

Đội ngũ nhân sự tại các bảo tàng có chuyên môn, nghiệp vụ tốt về trưng bày, nghiên cứu… nhưng để sản xuất ra một chương trình, sản phẩm truyền thông thu hút sự quan tâm, tìm đến của du khách là rất khó. Để làm được điều này, bảo tàng cần có những ê-kíp sản xuất nghiên cứu hàng ngày, hàng tuần, tìm ra “trend”, sáng tạo sản phẩm thu hút du khách. Trong khi đó, các bảo tàng rất khó để “nuôi” một ê-kip sản xuất chương trình riêng. Đây là vấn đề khó hiện nay của nhiều bảo tàng.

Đạo diễn, nhà sản xuất, MC truyền hình Ninh Quang Trường

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-bao-tang-tro-thanh-diem-den-hap-dan.html
Zalo