Con trai tỷ phú nuôi lợn ở Trung Quốc 1 năm 'đốt' 32 tỷ NDT, cơ nghiệp lao đao
Trung Quốc - Một năm 'đốt' 32 tỷ NDT (112.000 tỷ đồng), để lại khoản nợ 34,8 tỷ NDT (121.800 tỷ đồng), câu chuyện của Lâm Phong - con cựu tỷ phú Lâm Ấn Tôn - là ví dụ điển hình cho hậu quả của tham vọng thiếu tính toán và lạm dụng đòn bẩy tài chính.
Thành tỷ phú nhờ nuôi lợn
Báo chí Trung Quốc đưa tin, Lâm Ấn Tôn khởi đầu tập đoàn Chính Bang từ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, dược thú y và chính thức bước chân vào lĩnh vực nuôi lợn năm 2003.
Cú hích lớn đến vào năm 2018, khi dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung tại Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá thịt tăng phi mã. Tại các đô thị lớn như Thượng Hải, giá mỗi cân thịt lợn có lúc vọt lên tới 40 NDT, biến nghề nuôi lợn vốn bị xem là lam lũ thành mỏ vàng không kém bất động sản.

Lâm Ấn Tôn lập ra tập đoàn Chính Bang và trở thành tỷ phú từ nuôi lợn. Ảnh: Baidu.
Tập đoàn Chính Bang liền nhập khẩu hơn 11.000 con lợn giống, đẩy mạnh chăn nuôi và thu về lợi nhuận khủng.
Nhờ bắt đúng chu kỳ thị trường, tập đoàn Chính Bang phất lên như diều gặp gió. Khi giá trị công ty ngày càng tăng, Lâm Ấn Tôn không chỉ thu về bộn tiền mà còn hiện thực hóa giấc mơ trở thành "Vua heo Trung Quốc".
Cũng trong giai đoạn này, tổng giá trị sản xuất của tập đoàn vượt mốc 1.000 tỷ NDT, trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Giang Tây đạt cột mốc này.
Ông bước lên hàng tỷ phú với tài sản ước tính 32 tỷ NDT và trở thành người giàu nhất tỉnh Giang Tây. Khi ở đỉnh cao, ông tin tưởng giao lại công ty cho con trai, kỳ vọng Lâm Phong sẽ đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.
Trước khi lui về hậu trường, ông Lâm tuyên bố một kế hoạch đầy tham vọng: mỗi năm bán 100 triệu con lợn, đưa giá trị công ty lên 10.000 tỷ NDT.

Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, ông đã giao lại công ty cho con trai Lâm Phong. Ảnh: Baidu.
Để thực hiện mục tiêu này, tập đoàn triển khai chiến lược “4 tranh”: tranh giành lợn giống, lợn con, chỉ tiêu nuôi và đội ngũ nhân tài. Con trai tỷ phú vay hơn 60 tỷ NDT, lao vào cuộc đua "gom" lợn với giá cao hơn thị trường 30%, mở rộng chuồng trại, thuê đất, sắm thiết bị.
Lâm Phong thuộc thế hệ 8X được cha kỳ vọng sẽ đưa Chính Bang lên tầm cao công nghệ. Ông đã quyết định đổi tên công ty thành Chính Bang Khoa học Kỹ thuật, tuyển dụng hàng nghìn sinh viên đại học mới tốt nghiệp với mức lương khởi điểm cao (đến 9.000 NDT/tháng), biến công ty nuôi lợn thành trung tâm tài chính thu nhỏ.
Đội ngũ “cử nhân nuôi lợn” này nhanh chóng áp dụng các công cụ tài chính như vay mượn vốn (đòn bẩy tài chính), bảo hiểm, cầm cố chứng khoán và vay tiêu dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh. Nợ của Chính Bang từ mức 20% vọt lên gần 80%.
Các trại lợn lúc này giống như những ngân hàng trá hình, hoạt động chủ yếu dựa vào các giao dịch tài chính và vay mượn.
Đòn chí mạng từ thị trường: Lợn rớt giá
Khi Lâm Phong vẫn mải mê với kế hoạch ứng dụng AI và dữ liệu lớn để tối ưu hóa chăn nuôi thì thị trường bất ngờ đảo chiều.
Năm 2022, chi phí nuôi một con lợn tại Chính Bang là 1.500 NDT trong khi giá bán chỉ còn 1.100 NDT. Nếu giữ lại không bán, tiền thức ăn tiêu tốn hơn 10 triệu NDT/ngày. Đành "cắt lỗ", Chính Bang bán tháo 8 triệu con lợn, mỗi con lỗ 400 NDT. Chỉ riêng cú bán tháo này đã “đốt” 3,2 tỷ NDT. Tổng kết năm, công ty lỗ gần 10 tỷ NDT.
Khi dòng tiền cạn kiệt, Chính Bang phải bán tháo lợn non, giảm trọng lượng xuất chuồng, cắt giảm nhân sự từ 22.000 xuống còn 8.000 người. Hệ lụy nặng nề nhất là mất kiểm soát chuỗi cung ứng. Nhiều hộ nuôi đối tác không được cấp thức ăn đúng hạn.

Mở rộng quy mô quá tham vọng và thiếu tính toán, đế chế Chính Bang nhà họ Lâm cuối cùng sụp đổ. Ảnh: Baidu.
Tháng 7/2022, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập clip ghi lại cảnh “lợn ăn thịt đồng loại” do đói ở các trang trại hợp tác với Chính Bang tại Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Nam... Hiện tượng này được xác nhận là do công ty không cung cấp kịp thức ăn vì thiếu tiền.
Hệ thống “công ty + nông hộ” từng giúp Chính Bang phát triển nhanh chóng giờ trở thành gánh nặng. Do công ty giữ quyền sở hữu vật tư và vật nuôi, các hộ nuôi không thể tự ý bán lợn. Nhiều người dù chịu bỏ tiền túi mua thức ăn cũng không được thanh toán đúng hẹn, dẫn đến mất niềm tin nghiêm trọng.
Năm 2023, Chính Bang vỡ nợ. Câu chuyện càng trở nên trớ trêu khi đơn vị tiếp quản Chính Bang lại là Tập đoàn Song Bào do ông Bào Hồng Tinh lãnh đạo - người từng bị vị cựu tỷ phú Lâm Ấn Tôn xem thường vì "thiếu tầm" và "kém cỏi".
Dù cùng khởi nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi, hai doanh nghiệp đặt trụ sở chỉ cách nhau 1 km nhưng lại chọn hướng đi hoàn toàn khác biệt. Trong khi Chính Bang mở rộng quy mô bằng đòn bẩy tài chính và kỳ vọng vào thị trường vốn thì Song Bào kiên trì với chiến lược tăng trưởng hữu cơ: không vay nợ ngân hàng, không niêm yết cổ phiếu, duy trì hoạt động chăn nuôi bằng vốn tự có.
Hiện tại, Chính Bang đang trong quá trình tái cấu trúc dưới sự lãnh đạo của Song Bào với mục tiêu phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong ngành chăn nuôi lợn. Ở tuổi đời chưa đến 40, Lâm Phong đã gánh trên vai món nợ khổng lồ và vết nhơ không thể xóa nhòa: một năm đánh mất cơ nghiệp 32 tỷ NDT, trở thành biểu tượng của “phá gia”.
(Theo Baidu)