Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật

Chiều 17/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự thảo luật.

Thảo luận ở tổ 7 có Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 4 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang.

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ

Tham gia thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Tại tổ các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (dự thảo luật sửa đổi 7 luật).

Trong số các đại biểu phát biểu thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 3 đại biểu phát biểu.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về dự thảo luật sửa đổi 7 luật, phần nội dung sửa đổi liên quan đến Luật Đầu tư công. Đồng chí cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo luật. Đồng thời đánh giá cao dự thảo luật lần này đã đề cập đến nhiều nội dung có tính chất phân cấp, ủy quyền, giao trách nhiệm cho địa phương, đặc biệt là UBND tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh để chủ động thực hiện trách nhiệm trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương. Từ đó giảm thiểu được nhiều thủ tục hành chính có liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên đồng chí góp ý cụ thể vào Điều 6 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, mục 11 về sửa đổi, bổ sung Điều 31: “Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên”. Theo đồng chí dự thảo luật quy định “các UBND cấp xã liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao 1 UBND cấp xã làm cấp quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án” là chưa toàn diện, vì mỗi xã có đặc điểm tình hình, điều kiện thuận lợi, khó khăn trong triển khai dự án, và được hưởng lợi từ dự án là khác nhau. Do vậy để các xã tự thảo luận, thống nhất chọn 1 đơn vị làm cấp quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án sẽ khó thực hiện được. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và bổ sung quy định theo hướng UBND tỉnh lựa chọn, ủy quyền cho một xã thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ đầy đủ và dễ thực hiện hơn.

Về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức thưởng vượt dự toán thu của địa phương có số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, từ tỷ lệ không quá 10% số tăng thu lên mức từ 20% đến 30% hoặc 50%. Nhằm tạo động lực, khuyến khích cho địa phương có nguồn thu để tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cũng như khu vực cửa khẩu. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Tại khoản 10, Điều 8 nguyên tắc quản lý ngân sách Nhà nước quy định: “Đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 58 của luật này”. Tuy nhiên tại điểm c khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công (năm 2024) thì quy định: “Trường hợp sử dụng vốn ngoài kế hoạch đầu tư công để thực hiện các nhiệm vụ dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định khác của pháp luật liên quan”. Theo đại biểu, dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và Luật Đầu tư công chưa thống nhất về thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện, chưa rõ về quyết định đầu tư dự án, nhiệm vụ, kế hoạch ngoài kế hoạch đầu tư công… Do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh thống nhất.

Đại biểu góp ý về khoản 2 Điều 35, về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án chỉ điều tiết chia tỷ lệ phần trăm với số tăng thu từ nguồn thu sử dụng đất, không tính trên số dự toán, để tạo điều kiện cho địa phương được sử dụng 100% nguồn thu từ sử dụng đất trong trường hợp mà tỉnh không hoàn thành kế hoạch về chỉ tiêu thu này.

Góp ý về dự thảo luật sửa đổi 7 luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương, để điều chỉnh tương ứng đối với Luật Tổ chức quyền địa phương (sửa đổi), Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi)…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận ở tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Đại biểu đề nghị tại khoản 4 Điều 5 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam...”, cần làm rõ, bổ sung mở rộng phạm vi không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam đối với trường hợp công dân sinh sống ở nước ngoài, để bảo vệ công dân Việt Nam ở quốc gia khác.

Đại biểu đề nghị quy định cụ thể và minh bạch tiêu chí “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” tại khoản 1 Điều 19; đề nghị giao Chính Phủ quy định chi tiết rõ trong dự thảo luật về các điều kiện “có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam” tại Điều 23.

Đại biểu góp ý cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc để thu hút, trọng dụng và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, “tổng công trình sư” trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, và trí tuệ nhân tạo…

DƯƠNG DUYÊN - VIỆT THUẬN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-mot-so-du-thao-luat-5047395.html
Zalo