Còn hơn 3.200 tấn thủy sản chưa thu hoạch

Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh còn hơn 1.800ha và hơn 5.000 lồng với khoảng 3.200 tấn thủy sản nuôi vẫn chưa thu hoạch kịp thời trước mưa lũ.

Thủy sản nuôi xen ghép ở Phú Xuân (Phú Vang) chưa được thu hoạch

Thủy sản nuôi xen ghép ở Phú Xuân (Phú Vang) chưa được thu hoạch

Trong số diện tích ao hồ toàn tỉnh chưa thu hoạch, chủ yếu tại huyện Quảng Điền có đến 300ha, TP. Huế 670ha, Phú Vang 420ha, Phú Lộc 400ha... với 5.000 lồng cá đang nuôi, tập trung nhiều nhất tại Quảng Điền gần 1.300 lồng, TX. Hương Trà gần 1.200 lồng, TP. Huế hơn 1.000 lồng...

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền), ông Trần Kìm thông tin, hiện nay trên địa bàn xã Quảng Thọ còn nhiều lồng cá nuôi trên sông Bồ chưa thu hoạch. Phần lớn số lồng chưa thu hoạch do cá còn quá nhỏ, chưa đạt kích cỡ thương phẩm. Địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân tranh thủ thu hoạch tỉa, cần thiết phải thu hoạch đại trà nhằm tránh thiệt hại do bão, lũ. Trường hợp cá còn quá nhỏ thì phải giằng neo lồng kỹ càng, tránh bị lũ cuốn trôi gây thiệt hại.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền), ông Nguyễn Hữu Truyền chia sẻ, khó có thể tránh khỏi thiệt hại nếu thủy sản nuôi không thể thu hoạch xong trước lũ. Tại thời điểm này, trên địa bàn xã vẫn còn một số diện tích nuôi thủy sản xen ghép, chuyên tôm vẫn chưa thu hoạch xong. Số thủy sản chưa thu hoạch do còn quá nhỏ, một phần người dân nuôi để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết. Địa phương vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, tôn cao bờ bao, đê điều nhằm bảo vệ an toàn thủy sản trong mùa mưa lũ.

Mô hình nuôi thủy sản vượt lũ

Mô hình nuôi thủy sản vượt lũ

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An thông tin: Để chủ động phòng tránh bão, lụt trong nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Sở phối hợp với các huyện, thị xã và TP. Huế khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho thủy sản nuôi trên đầm phá, trên sông và trên cát ven biển.

Các địa phương tuyên truyền, vận động bà con tích cực thu hoạch hết thủy sản thương phẩm, vệ sinh lồng bè, trang thiết bị máy móc và vận chuyển đến nơi an toàn để kết thúc vụ nuôi trồng thủy sản năm 2023 theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Với các diện tích đang tiếp tục nuôi phải xây dựng phương án, áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để chủ động phòng chống, bảo vệ thủy sản an toàn trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Trong đó, tập trung các biện pháp rào lưới, gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát vật nuôi. Nuôi chuyên tôm, cá, xen ghép trong ao nước lợ, mặn phải có kế hoạch điều tiết nước giữ được độ mặn thích hợp trong ao nuôi. Các hộ nuôi phải theo dõi môi trường thường xuyên và bón vôi đảm bảo độ pH ổn định; nâng cao sức đề kháng cho đối tượng nuôi bằng cách bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn.

Người dân chuẩn bị, dự phòng đầy đủ máy phát điện đảm bảo cho tôm, cá ở các ao nuôi mật độ cao không bị chết hàng loạt do thiếu ôxy. Đồng thời, kiểm tra lại lồng bè, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi có dòng chảy nhẹ để tránh mưa lũ làm hư hỏng lồng.

Trong quá trình diễn ra bão, lũ tuyệt đối không lưu lại chòi canh, lồng bè... nhằm bảo đảm an toàn tính mạng. Các địa phương và người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn thủy sản nuôi một cách hiệu quả.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/con-hon-3200-tan-thuy-san-chua-thu-hoach-132837.html
Zalo