Đặc sản cá chép gù ở Ngọc Chiến
Đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, du khách được tận hưởng khí hậu trong lành, trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ, các mỏ suối khoáng nóng và được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong đó phải kể đến đặc sản cá chép gù được nuôi ở hồ thủy điện Nậm Chiến của hợp tác xã thủy sản Ngọc Chiến.
Tháng 7/2022, anh Quàng Văn Hoàng, bản Khâu Vai đã vận động một số hộ dân trong bản liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản Ngọc Chiến, do anh làm giám đốc, vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, HTX có 7 thành viên, nuôi 20 lồng cá; trong đó, có 12 lồng chép gù, còn lại là cá lăng, cá trắm. Trong quá trình hoạt động, HTX được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng; các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ xây dựng và thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm... Nhờ nuôi cá lồng, các thành viên HTX đã có cuộc sống ổn định.
Dẫn chúng tôi thăm khu lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến, anh Hoàng kể: Trước đây, cá chép được bà con đánh bắt tự nhiên trên suối Chiến. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách du lịch, bà con đã đầu tư làm lồng nuôi cá và phát hiện cá chép nuôi ở đây có đặc điểm khác so với nuôi ở các khu vực khác, như mình dài và dày, phần lưng hơi gù, da màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng có màu vàng nhạt. Cá có ít xương dăm và xương rất mềm. Loại cá chép này có thể được chế biến thành nhiều món, như: Pa pỉnh tộp, chiên hoặc rán, hấp, kho tộ, nấu canh chua, gỏi cá... Mỗi món ăn mang hương vị đặc trưng riêng, nhưng đều giữ được vị ngọt, thơm ngon riêng biệt.
Cung cấp sản phẩm cá chép gù chất lượng và an toàn đến người tiêu dùng, HTX chú trọng đến việc kiểm soát khâu chọn giống và thức ăn cho đàn cá. Giống cá chép được HTX nhập từ các trại giống có uy tín ở thành phố Sơn La và tỉnh Yên Bái. Thức ăn cho cá hoàn toàn tự nhiên, như thóc bột ngô... Ngoài cung cấp cá tươi, HTX đang chế biến sản phẩm cá chép gù hun khói. Cá sau khi được đánh bắt sẽ mổ và rửa sạch, để ráo nước; cắt thành khúc, ướp với ớt, mắc khén,... khoảng 15-20 phút. Sau đó, treo trên gác bếp, dùng củi gỗ để hun khói khoảng 24 giờ, sau đó tiếp tục đồ cho cá chín, sản phẩm được đóng túi hút chân không. Khi sử dụng chỉ cần bỏ cá vào lò vi sóng trong khoảng 7 phút, hoặc nướng lại trên than củi. Tháng 6/2024, sản phẩm cá chép gù khun khói của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Quàng Văn Hồng, thành viên HTX chia sẻ: Khi được vận động tham gia HTX, gia đình tôi góp hơn 200 triệu đồng cùng các thành viên HTX đầu tư làm lồng, mua cá giống và thức ăn. Các thành viên luôn đoàn kết, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả ở các huyện để áp dụng vào sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, gia cố lại lồng nuôi; đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới những tấm lưới cũ, rách; bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, đảm bảo môi trường cho cá phát triển khỏe mạnh.
Việc nuôi cá chép gù cho thu nhập gấp 2 lần so với cá chép thường. Hiện nay, giá bán cá chép gù của HTX dựa vào trọng lượng; trong đó, cá từ 0,5 kg đến hơn 1 kg, giá bán 160 nghìn đồng/kg; cá 2 kg, giá bán 180 nghìn đồng/kg; cá dưới 0,5 kg giá 300 nghìn đồng/kg. Đối với sản phẩm cá chép gù hun khói, giá bán 500 nghìn đồng/kg; cá tươi hút chân không có giá 160 nghìn đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, theo tính toán của HTX, mỗi lồng cá chép gù cho thu nhập 35-40 triệu đồng/năm; trừ chi phí lãi 15 triệu đồng/lồng/năm.
Anh Quàng Văn Hoàng, Giám đốc HTX thủy sản Ngọc Chiến, chia sẻ thêm: Nuôi cá chép gù trên hồ thủy điện Nậm Chiến phải thực hiện tốt phòng chống chống dịch bệnh, nhất là thời điểm chuyển từ mùa xuân sang mùa hè. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh lồng, sử dụng vôi bột rắc trên bề mặt nước. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, HTX rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trong chuyển giao khoa học kỹ thuật; quảng bá giới thiệu, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng thương hiệu cá sạch Ngọc Chiến.