'Cơn địa chấn' thuế quan - Bài cuối: Để không lỡ nhịp với thời đại
Trước chính sách thuế quan đối ứng gây nhiều tranh cãi của Mỹ, phản ứng của các nước sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu.

Nhà Trắng tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chắc chắn, hành động trả đũa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính quốc gia đã quyết định phản công. Trong khi đó, việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào "người khổng lồ" Mỹ cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nói một cách ngắn gọn là ngồi lại để đàm phán, thương lượng với Mỹ về một thỏa thuận mới có lẽ là lựa chọn tốt nhất đối với nhiều quốc gia. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Kevin Hassett cho biết, tính đến ngày 6/4, hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán thương mại.
Trong cuộc đàm phán này, nước Mỹ có một bản danh sách dài những mong muốn, như Tổng thống Donald Trump đã công khai tiết lộ, đó là: đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ; ứng phó với các chính sách thương mại không công bằng từ các quốc gia khác; tăng nguồn thu thuế; và trừng phạt hoạt động di cư bất hợp pháp vào Mỹ cũng như nạn buôn bán chất gây nghiện fentanyl. Ở thời điểm bước ngoặt của toàn cầu hóa, các nước sẽ sẵn sàng "hy sinh" như thế nào trong cuộc đàm phán cân não với Washington để duy trì sự ổn định quốc gia? Cho dù lựa chọn của các nước là gì, thì phương án an toàn nhất có lẽ vẫn là phải tự cứu mình bằng cách làm cho nền kinh tế quốc gia trở nên cạnh tranh hơn - một nền kinh tế sáng tạo hơn, hiệu suất cao hơn.
Ngay sau thông báo áp thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ, các đối tác thương mại của Mỹ, từ đối thủ truyền kiếp đến các đồng minh thân cận đều gấp rút vào cuộc để ứng phó. Các phản ứng khá đa dạng. Nếu như Trung Quốc ngay lập tức phản đòn với một loạt biện pháp được giới quan sát đánh giá là "nặng đô", thì Nhật Bản và Singapore lại lựa chọn cách tiếp cận có phần thận trọng. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết sẽ hối thúc Tổng thống Trump xem xét lại các biện pháp thuế quan. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thành lập khoảng 1.000 trung tâm tư vấn để đánh giá hậu quả đối với các doanh nghiệp và đảm bảo rằng các công ty vừa và nhỏ đang gặp khó khăn có đủ nguồn tài trợ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore, ông Gan Kim Yong mặc dù "thất vọng" khi nước này bị Mỹ áp thuế 10%, nhưng đã khẳng định chắc nịch: "Trả đũa thuế quan sẽ chỉ làm tăng thêm chi phí nhập khẩu của chúng tôi". Ông cũng cho biết Singapore sẽ cố gắng tiếp cận Mỹ để hiểu các vấn đề mà Tổng thống Trump quan tâm và xem liệu có thể giải quyết được hay không.
Trên bình diện khu vực, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) muốn tìm giải pháp thông qua đàm phán, nhưng cũng sẵn sàng cho tình huống đàm phán thất bại. Tại Đông Nam Á, Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã triệu tập cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng kinh tế ASEAN vào ngày 10/4 để thảo luận về phản ứng phối hợp của ASEAN nhằm duy trì lợi ích kinh tế của khu vực.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cho dù chính sách thuế quan của Mỹ báo trước "sự giải phóng" của cường quốc số 1 hành tinh, hay thay vào đó là sự tan rã của trật tự thương mại toàn cầu, thì chính sách này cũng đang ảnh hưởng đến mọi nền kinh tế. Để ứng phó, một cách tiếp cận chủ động, linh hoạt, trên tinh thần xây dựng và hợp tác có lẽ là con đường hiệu quả nhất để đáp ứng lợi ích của các bên. Và đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tối ưu các nguồn lực có hạn,...
Trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, một nền kinh tế sẽ cần hơn bao giờ hết những chính sách có thể thu hút đầu tư, giảm rào cản đối với đổi mới và tăng cường cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng. Các nước cũng cần nỗ lực ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Và thời điểm hiện nay có thể là là cơ hội "ngàn năm có một" để nhiều nền kinh tế chuyển đổi chính sách thương mại của mình, để không chỉ bảo vệ chủ quyền kinh tế mà còn đảm bảo tương lai thịnh vượng cho người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ phải trải qua những bước chuyển sâu sắc và mạnh mẽ, chính phủ các nước đều đang có những hành động ứng phó phù hợp, bởi nếu không kịp thời nhận diện được cơ hội và thách thức, sẽ bị lỡ nhịp với dòng chảy của thời đại.