'Cơn địa chấn' thuế quan - Bài 1: Trật tự thương mại toàn cầu rung lắc
Các nước đang nhanh chóng hành động để ứng phó trước nguy cơ biến động của thương mại toàn cầu và hầu hết các phản ứng cho đến nay đều khá thận trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Không hề cường điệu khi nhận định ngày 2/4/2025 đã đi vào lịch sử của kinh tế thế giới. Một số nhà quan sát đã ví von thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thuế quan đối ứng tại Vườn Hồng của Nhà Trắng hôm 2/4 là sự kiện tài chính quan trọng nhất kể từ vụ phá sản của Lehman Brothers ngày 15/9/2008. Nhưng nhiều khả năng lịch sử sẽ đánh giá sự kiện ở Vườn hồng còn quan trọng hơn, một sự kiện mà sức ảnh hưởng sẽ giao thoa giữa địa chính trị, kinh tế và thị trường tài chính.
Nếu như sự sụp đổ của Lehman Brothers khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất thế giới trong vòng một thế kỷ, thì chính sách thuế quan mới của Mỹ nếu được thực thi đầy đủ sẽ là một cuộc tổng tấn công vào hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã gần 80 năm tuổi.
Hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng Tổng thống Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả để buộc các quốc gia khác phải nhượng bộ. Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận: "Thuế quan mang lại cho chúng ta sức mạnh to lớn để đàm phán". Vậy liệu có phải chính quyền Mỹ chỉ đang sử dụng thuế quan như một con bài đàm phán? Nhưng nước Mỹ trên thực tế không thể đàm phán với gần 200 quốc gia cùng một lúc. Và nếu ông chủ Nhà Trắng chỉ sử dụng thông báo ngày 2/4/2025 như một lời đe dọa, có lẽ ông cũng sẽ không ấn định thời gian thực hiện chính sách thuế quan chỉ vài ngày sau khi công bố. Nhiều bằng chứng đang củng cố nhận định rằng đợt áp thuế quan toàn diện này của Mỹ có thể không chỉ đơn giản là một con bài mặc cả, mà là một kế hoạch cứng rắn với nhiều toan tính ẩn sau.
Cho dù mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng là gì chăng nữa thì thông báo ngày 2/4/2025 của nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới cũng làm thay đổi trật tự thương mại toàn cầu mà chính nước Mỹ đã dày công xây dựng. Đây là một "canh bạc" lớn nhằm biến đổi mối quan hệ kinh tế toàn cầu và làm dấy lên nỗi lo về một cú sốc đình lạm (nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao) tại nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ.
Thị trường đã choáng váng khi Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu dao động từ 10-49% đối với tất cả các quốc gia. Chứng khoán Mỹ đã chứng kiến hai ngày sụt giảm giá trị thị trường lớn nhất trong lịch sử, khi để "bốc hơi" 5.000 tỷ USD chỉ trong hai phiên 3-4/4/2025. Theo tính toán của sác nhà kinh tế, sự thay đổi chính sách này của Tổng thống Trump, nếu không được đảo ngược, có thể sánh ngang với quyết định năm 1971 của Tổng thống Richard Nixon nhằm lật lại các thỏa thuận do Mỹ và các đồng minh thời chiến tạo ra trong Thế chiến II, khi Washington đồng ý đổi USD lấy vàng với tỷ giá 35 USD một ounce vàng. Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Morgan Stanley nhận định, "đây có lẽ là nỗ lực lớn nhất nhằm định hình lại cơ bản cấu trúc thuế-thương mại tại Mỹ kể từ khi Tổng thống Nixon đưa chúng ta ra khỏi chế độ bản vị vàng vào đầu những năm 1970".

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ đại diện cho một chiến lược có độ rủi ro cao, nhưng phần thưởng cũng sẽ rất lớn. Nếu "cây gậy" thuế quan dẫn đến những nhượng bộ đáng giá từ các đối tác thương mại và sự phục hồi của ngành sản xuất Mỹ, đây sẽ là bằng chứng đầy sức thuyết phục cho thấy các chính sách kinh tế của ông Trump có hiệu quả lớn. Nhưng nếu chính sách này gây ra phản ứng trả đũa, các cuộc chiến pháp lý và tình trạng kinh tế ổn, nó có thể được coi là một ví dụ hùng hồn về cách tiếp cận thương mại sai lầm của ông Trump.
Điều chắc chắn là cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo từ các "người chơi" lớn để tìm đáp án cho một câu hỏi: liệu đây có phải là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, hay đây là sự khởi đầu của những gì mà lịch sử sẽ coi là một vòng xoáy chiến tranh thương mại hoàn toàn vô nghĩa.
"Cơn địa chấn" thuế quan - Bài 1: Trật tự thương mại toàn cầu rung lắc
"Cơn địa chấn" thuế quan - Bài 2: Giấc mơ Mỹ và chiến thuật "tất tay"
"Cơn địa chấn" thuế quan - Bài cuối: Để không lỡ nhịp với thời đại
Tác giả bài viết:

Nhà báo Vũ Hương Giang, Ban Biên tập tin Kinh tế, Thông tấn xã Việt Nam