'Cởi trói' thể chế để đất nước vươn mình

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: 'Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình', trong đó nhấn mạnh 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đưa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về 'Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới' vào cuộc sống. Bài viết đã thu hút sự quan tâm của những người hoạt động trong ngành Luật tại tỉnh Bình Dương, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đặc biệt quan tâm và đánh giá cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt trúng một “điểm huyệt” của tiến trình phát triển hiện nay: Muốn đất nước bứt phá, trước hết phải đột phá về thể chế, coi đây là động lực mang tính nền tảng, quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng lần đầu tiên được chỉ rõ một cách toàn diện, nhất quán và có tầm chiến lược từ người đứng đầu Đảng.

Theo Thạc sĩ, Luật sự Trương Quốc Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Luật Bi Law, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Bình Dương (BIAC): Từ thực tiễn 15 năm hành nghề pháp lý, ông nhận thấy nhiều điểm nghẽn của phát triển không nằm ở chỗ chúng ta thiếu luật, mà chính là ở cách mà hệ thống thể chế đang “cột tay” chính mình thông qua các tầng lớp thủ tục, sự trùng lặp, mâu thuẫn giữa các văn bản và đặc biệt là tâm lý e ngại trách nhiệm trong bộ máy thực thi.

Một trong những điểm nghẽn điển hình là tình trạng "luật chồng lên luật, nghị định phủ lên nghị định, thông tư nối tiếp thông tư, giấy phép con chồng lên giấy phép con, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Dù đã có nhiều nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nhưng thực tế cho thấy nếu thể chế không được tháo gỡ căn cơ, thì cán bộ vẫn ở trong trạng thái "sợ làm, sợ ký" và doanh nghiệp vẫn bị sợ hành, chưa mạnh dạn “dấn thân” vào thị trường.

Một văn bản có thể hiểu theo nhiều cách - thì dù cán bộ làm đúng quy trình, họ vẫn có nguy cơ bị quy kết là sai phạm. Đây không chỉ là rào cản hành chính, mà còn là vấn đề gốc rễ về niềm tin và hành lang pháp lý.”

Thạc sĩ - Luật sư Trương Quốc Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Luật Bi Law, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Bình Dương (BIAC). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Thạc sĩ - Luật sư Trương Quốc Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Luật Bi Law, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Bình Dương (BIAC). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

“Tôi đánh giá cao giá trị bài viết của Tổng Bí thư không chỉ là “chẩn đúng bệnh”, mà còn đưa ra “phác đồ điều trị” rõ ràng, phải kiên quyết sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những quy định lỗi thời và mạnh dạn thiết lập một hành lang pháp lý để “cởi trói cho cái đúng, bảo vệ người dám làm” - Luật sư Trương Quốc Hưng chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Trương Quốc Hưng cần bổ sung các cơ chế pháp lý mang tính đột phá như: Cơ chế bảo vệ pháp lý cho cán bộ thực thi đúng quy định, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; thiết lập quy trình rà soát và “gỡ chồng chéo” giữa các văn bản luật một cách định kỳ; quan trọng nhất là xây dựng một thể chế liên thông, minh bạch, có khả năng tự điều chỉnh theo thực tiễn.

"Chừng nào còn tư duy “quản lý bằng xin - cho”, chừng đó thể chế vẫn còn rối rắm. Muốn bứt phá, thể chế phải chuyển từ trạng thái “kiểm soát để tránh rủi ro” sang “trao quyền để kiến tạo phát triển”. Khi đó, pháp luật mới thực sự là công cụ dẫn đường - không chỉ để quản lý xã hội, mà còn để mở đường cho đổi mới, sáng tạo và hội nhập, phát huy tối đa quyền tự do kinh doanh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, Luật sự Trương Quốc Hưng đề xuất.

Luật sư Phạm Văn Viện – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng: Bài viết của Tổng Bí thư thể hiện một tư duy pháp quyền rất tiến bộ: "Thể chế không chỉ là hệ thống luật pháp, mà còn là năng lực tổ chức thực thi, giám sát và bảo đảm pháp luật được thực thi một cách hiệu quả, công bằng, minh bạch". Tư duy của Tổng Bí thư Tô Lâm là kim chỉ nam cho mọi hành động, gợi mở một cuộc cách mạng cải cách nền tư pháp nước nhà, cần được thấm nhuần, thống nhất ở từng cấp, ngành, địa phương, các cơ quan ban hành và cơ quan thi hành pháp luật.

Luật sư Phạm Văn Viện, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Luật sư Phạm Văn Viện, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Qua thực tiễn 20 năm hành nghề, Luật sư Phạm Văn Viện cho biết, bản thân nhận thấy có một số quy định của pháp luật còn chậm, chồng chéo giữa các ban, ngành, chưa kịp điều chỉnh so với sự phát triển của xã hội, thậm chí có những lĩnh vực mới phát sinh thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, chưa đáp ứng kịp công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Điều này là một bất cập, một rào cản cho sự phát triển, khơi thông nguồn nhân lực đầu tư, những mô hình đổi mới sáng tạo; rào cản cho việc hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, chúng ta cần có sự thay đổi tư duy để pháp luật không chỉ là công cụ quản lý mà phải dẫn dắt, định hướng, dự liệu cho sự phát triển của hiện tại và cả tương lai.

Luật sư Phạm Văn Viện cho rằng: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua các giai đoạn, các thời kỳ là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, đất nước ta đang phát triển và phát triển một cách vượt bậc về mọi mặt, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp. Để hài hòa với sự phát triển đó cũng như sự phát triển chung của thế giới thì tư duy đột phá thể chế, pháp luật như bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là một việc cần phải làm ngay, làm một cách toàn diện, quyết liệt góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/coi-troi-the-che-de-dat-nuoc-vuon-minh-20250507120112416.htm
Zalo