Coi chừng 'chảy máu chất xám' khi tinh gọn bộ máy

Để không 'chảy máu chất xám' khi tinh gọn bộ máy cần công tâm, khách quan khi đánh giá cán bộ và thực hiện hiệu quả chính sách thu hút người tài năng vào cơ quan nhà nước.

Lắng nghe tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn là cách giúp họ yên tâm cống hiến. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên ngành y tế Hải Dương nêu ý kiến trong cuộc tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo tỉnh tháng 5/2024. Ảnh: THÀNH CHUNG

Lắng nghe tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn là cách giúp họ yên tâm cống hiến. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên ngành y tế Hải Dương nêu ý kiến trong cuộc tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo tỉnh tháng 5/2024. Ảnh: THÀNH CHUNG

Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, những ngày qua ở nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương đã có những cán bộ, công chức, viên chức xin về hưu sớm, nghỉ việc khi còn nhiều năm công tác. Có người còn 1-2 năm, cũng có người còn tới 5-6 năm, thậm chí 10 năm mới đến tuổi nghỉ hưu.

Trong số ấy, có cán bộ từng được đánh giá là “cây sáng kiến”, người góp phần mang lại thành tích cao cho đơn vị mình công tác trong nhiều năm.

Đây cũng là lý do nhiều người lo ngại chúng ta có nguy cơ “chảy máu chất xám” khi người rời khỏi bộ máy trong cuộc cách mạng này lại là những người có năng lực, người làm việc tốt.

Mối lo này không phải không có cơ sở. Thực tế là những người làm việc tốt, người có năng lực chuyên môn giỏi luôn được chào đón dù họ làm việc ở đâu, nhất là trong khu vực tư.

Tại Hải Dương, câu chuyện này đã hiện hữu ở lĩnh vực y tế. Theo thống kê của tỉnh, từ ngày 1/1/2021 – 15/6/2022, toàn tỉnh đã có 139 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 44 bác sĩ, nhiều người có chuyên môn giỏi.

Một thống kê của Bộ Nội vụ năm 2023 cũng cho thấy trong vòng 1 năm từ tháng 7/2022 – 6/2023, cả nước có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc, tập trung nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Có nhiều lý do khiến công chức, viên chức rời khu vực công, trong đó có vấn đề thu nhập, cơ hội phát triển. Nhiều người sau khi chuyển sang khu vực tư đã tìm được việc làm tốt hơn với mức lương cao hơn, nhất là viên chức trong các ngành y tế, giáo dục.

Để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” của khu vực công, thời gian qua đã có nhiều chính sách giữ chân cán bộ, thu hút người tài được ban hành. Tăng lương cơ sở, ưu tiên xét tuyển vào biên chế người có trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ, người tốt nghiệp đại học loại xuất sắc… là những giải pháp được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khoảng cách giữa chính sách hút người tài của khu vực công và khu vực tư vẫn cách nhau khá xa.

Tại Hải Dương, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại với nhân viên ngành y tế, giáo dục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đưa ra các chính sách hỗ trợ, thu hút người lao động. HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc chi hỗ trợ thêm giáo viên các cơ sở giáo dục công lập với mức từ 700.000 – 1.000.000 đồng/người/tháng trong thời gian từ 1/1/2024 đến hết 31/12/2025; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh giai đoạn 2025 – 2030…

Trở lại với câu chuyện tinh gọn bộ máy đang diễn ra. Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cùng ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 179 về quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Các quy định đã nêu rõ chính sách đối với cán bộ nghỉ việc do sắp xếp tinh gọn bộ máy, cũng nêu rõ chính sách để thu hút người giỏi, người tài năng cho khu vực công. Vấn đề là chúng ta cùng lúc làm thế nào để giữ người giỏi ở lại?

Điểm mấu chốt là đánh giá cán bộ thật công tâm, khách quan. Nghị định 178 đã nêu việc đánh giá cán bộ khi tinh gọn bộ máy dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất, dựa trên các tiêu chí về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kết quả, sản phẩm cụ thể, và tiêu chí đánh giá người nổi trội, tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đây là khâu khó nhất nhưng cũng là khâu quan trọng để giữ người tài ở lại.

Trong bối cảnh nhiều cá nhân có cùng chung danh hiệu nhưng thực chất kết quả, chất lượng công việc lại khác xa nhau, cần tỉnh táo để có đánh giá đúng bản chất, chứ không chỉ dựa vào hình thức thi đua, khen thưởng cuối năm.

Những người rời đi vì không đáp ứng được yêu cầu công việc của nhà nước thì lại đáng mừng.

Cùng với đánh giá đúng cán bộ, cần động viên người làm việc kém hơn về nghỉ sớm, khuyến khích người giỏi, người có đạo đức, năng lực chuyên môn tốt ở lại; tạo cơ hội để họ thể hiện tài năng, cống hiến cho việc chung.

HOÀI ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/coi-chung-chay-mau-chat-xam-khi-tinh-gon-bo-may-402993.html
Zalo