Có nên mua hợp đồng đặt cọc nhà đất tại tiệm photocopy?

Theo chuyên gia, BLDS không đặt ra quy định bắt buộc về nội dung thỏa thuận đặt cọc và không cần phải tuân theo một mẫu nào.

Gửi câu hỏi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, bạn đọc Hải Anh (TP.HCM) hỏi:

Hôm trước ra tiệm photocopy, tôi thấy họ bán đầy các mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất.

Trước đó, khi ngỏ ý muốn mua nhà, anh bạn môi giới cho tôi cũng đưa ra một hợp đồng họ soạn sẵn. Khi xem tôi thấy có đủ điều khoản về phạt cọc nhưng mẫu tôi nhận được và ở tiệm photocopy thì ghi khác nhau nhiều điều.

Không biết phải theo mẫu nào mới chuẩn và tôi cần lưu ý gì về nội dung hợp đồng cọc trước khi ký hay không, có nên ra văn phòng công chứng?

 Hợp đồng đặt cọc sẽ không quy định bắt buộc về nội dung và mẫu. Ảnh: QUANG HUY

Hợp đồng đặt cọc sẽ không quy định bắt buộc về nội dung và mẫu. Ảnh: QUANG HUY

Thạc sĩ Trần Nhân Chính, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của BLDS, đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Ngoài quy định kể trên, BLDS không đặt ra quy định bắt buộc về nội dung cụ thể của thỏa thuận đặt cọc, do đó, thỏa thuận đặt cọc không cần phải tuân theo một mẫu nào mà có thể tùy biến sao cho phù hợp với giao dịch dân sự giữa các bên.

Tuy nhiên, để có được một hợp đồng đặt cọc đúng quy định của pháp luật, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thỏa thuận đặt cọc phải xác định được mục đích đặt cọc nhằm bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, tức các bên cần phải chỉ ra rõ đây là hợp đồng đặt cọc, và được đặt ra nhằm bảo đảm giao kết cho hợp đồng nào hoặc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nào. Đây là một bước cần thiết để phòng ngừa tranh chấp phát sinh do các bên không xác định được đúng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Thứ hai, trong trường hợp tài sản đặt cọc là một khoản tiền, cần phải xác định rõ đây là tiền đặt cọc, vì theo quy định của Điều 37 của Nghị định 21/2021, thì trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, việc công chứng là do các bên tự thỏa thuận dựa trên nhu cầu.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-mua-hop-dong-dat-coc-nha-dat-tai-tiem-photocopy-post850061.html
Zalo