Hạn chế tối đa xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản
Biên bản xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng, do vậy các đại biểu đề nghị cần hạn chế tối đa xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản.
Chiều 16/5, thảo luận tại Tổ 17 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 17 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau). Ảnh: Hồ Long
Trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức xử phạt vi phạm hành chính

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến Điều 58 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ về điểm giấy phép lái xe. Theo đó, việc trừ điểm giấy phép lái xe là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, cần bổ sung hình thức trừ điểm giấy phép lái xe tại điểm c, khoản 1, Điều 21, nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Dành sự quan tâm đến việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, hiện nay việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, chúng ta không có kho giữ phương tiện vi phạm, không có kinh phí để bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ; có trường hợp người bị xử phạt không đến nộp phạt, thì buộc phải thanh lý, bán đấu giá tài sản là các phương tiện bị tịch thu phải qua nhiều bước. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc xử lý, giải quyết các phương tiện vi phạm.
Hạn chế biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm
Dự thảo Luật bổ sung điểm c vào sau điểm b, khoản 4, Điều 126 như sau: “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật phương tiện theo giá thị trường, nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc một trong các trường hợp sau: Tang vật vi phạm hành chính còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị hết hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu hông được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, việc bổ sung quy định này cần cân nhắc. Vì tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu nhấn mạnh, nếu tài sản bị bán nhanh chóng do thiếu điều kiện bảo quản, chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp.
Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh. Giá bán của phương tiện có thể thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho người chủ sở hữu ban đầu. Điều này càng trở nên nghiêm trọng nếu phương tiện là tài sản có giá trị lớn.
Về nguyên tắc, trách nhiệm của Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu không bảo đảm thì đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định theo hướng hạn chế biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để không phải lo bán tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp “không có địa điểm và không đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo quản”, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lưu ý, hình thức xử lý vi phạm hành chính chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền, phụ là tịch thu tang vật, phương tiện. Và câu chuyện đang bàn ở đây là làm sao để xử lý tang vật, phương tiện mà cơ quan nhà nước đã thu giữ.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định hình thức phạt cảnh cáo áp dụng với những trường hợp không nghiêm trọng, nhưng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện lại là hình phạt nghiêm trọng. Hình phạt chính không nghiêm trọng kết hợp với hình phạt bổ sung là nghiêm trọng thì đã hợp lý hay chưa?
Đại biểu dẫn trường hợp có những người dân chỉ có phương tiện mưu sinh là xe máy. Khi Nhà nước tịch thu phương tiện thì cũng mất chi phí để bảo quản, lưu giữ phương tiện và người dân phải trả tiền cho việc lưu giữ, bảo quản phương tiện. Trong khi đó, theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định tính điểm và trừ điểm trên giấy phép lái xe. "Vậy nên chăng cần hạn chế tối đa việc tịch thu tang vật, phương tiện? - Như vậy Nhà nước cũng không mất một khoản tiền để bảo quản, lưu trữ, người dân vẫn có phương tiện mưu sinh, không mất thời gian và lãng phí tiền của xã hội", đại biểu đề xuất.
Dự thảo Luật có quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.
Theo đại biểu, biên bản xử phạt vi phạm hành chính là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm các tình tiết liên quan, là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan. Đây là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng. Hơn nữa, biên bản cũng làm minh bạch hóa quá trình xử phạt vi phạm và tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính công bằng của pháp luật. Vì vậy, cần hạn chế tối đa việc xử phạt vi phạm hành chính mà không lập biên bản.