Tăng mức phạt cần tính đến thu nhập của người dân
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật là cần thiết, song cần tính đến điều kiện, thu nhập của người dân.
Đề xuất giữ nguyên thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều 16/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật.
Theo đó, chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua. Điều này sẽ bảo đảm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động thông suốt trong thời gian tới.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Đan Thanh
Đánh giá cao các nội dung sửa đổi theo dự thảo Luật, trong đó có việc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra trong thời hạn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc xử phạt được kịp thời, song ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại một số vấn đề.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1 Điều 6 như sau: “Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu là 6 tháng, kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vi phạm, nhưng không quá 3 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản này”. Luật hiện hành quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính 1 – 2 năm.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, nên giữ nguyên quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như Luật hiện hành. Nếu có mở rộng thì cần xác định rõ mở rộng thời hiệu đối với các vụ việc có liên quan đến hoạt động tố tụng. Bởi thực tế thời gian qua, với một số vụ án tham nhũng, việc xử lý vi phạm có vướng về thời hiệu. Vì vậy, nếu có kéo dài thời hiệu là để phục vụ việc xử lý một số vụ án tiêu cực tham nhũng theo chỉ đạo, quyết định của cơ quan có thẩm quyền – trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Trung ương hoặc cấp tỉnh. Không nên mở rộng cho các trường hợp khác.
“Việc giữ nguyên quy định hiện hành về thời hiệu sẽ bảo đảm xử lý vi phạm hành chính kịp thời, có tính răn đe. Nếu kéo dài sẽ không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Lê Hữu Trí nêu ý kiến.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh
Chia sẻ ý kiến trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc kéo dài thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Có những trường hợp cần kéo dài vì liên quan quá trình điều tra, truy tố, xét xử; song những trường hợp khác, như vi phạm về trật tự an toàn giao thông, cần giữ như quy định hiện hành, “trong vòng 1 năm là đủ”.
Tăng mức phạt ở các thành phố trực thuộc Trung ương là chưa đủ
Đối với một số lĩnh vực như văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, dự thảo Luật đề nghị tăng mức phạt ở địa bàn Hà Nội, nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương. Song, theo đại biểu Lê Hữu Trí, cần mở rộng phạm vi áp dụng sang cả các đô thị ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lý lẽ, theo đại biểu, hiện nay, tình trạng vi phạm về văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng…, đặc biệt là an toàn thực phẩm ngày càng phổ biến hơn, có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm. Do vậy, trong tương lai, cần phải tăng mạnh mức phạt hơn nữa để tăng hiệu lực quản lý cũng như ngăn chặn hành vi vi phạm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý, tới đây, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đều sáp nhập. Vậy xác định nội thành của các thành phố này như thế nào?
Theo đại biểu, sẽ có trường hợp giữa nội thành và ngoại thành chỉ cách nhau một con đường. “Nếu cùng một phường mà bên này đường bị phạt 500.000 đồng, bên kia đường bị phạt 1 triệu đồng cho cùng một lỗi vi phạm hành chính thì cần xem xét lại”.
Nhấn mạnh việc tăng mức xử phạt hành chính, xử phạt nghiêm minh, mang tính răn đe là cần thiết, song đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, mức phạt cũng cần tính tới điều kiện, thu nhập của người dân.
Cũng liên quan quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 52), ĐBQH Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) bày tỏ đồng tình với ý kiến của Cơ quan thẩm tra, đề nghị bỏ quy định riêng đối với địa bàn thành phố Hà Nội tại khoản này. Bởi lẽ, nội dung này đã được điều chỉnh tại Luật Thủ đô năm 2024.

ĐBQH Nguyễn Thị Thúy Ngần (Bắc Giang) phát biểu
Theo đó, mức tiền phạt có thể cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng trong một số lĩnh vực cụ thể. Việc quy định lại trong dự thảo Luật này là không cần thiết, dễ dẫn đến chồng chéo và mâu thuẫn pháp luật.
Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Ngần đề nghị quy định theo hướng mức phạt do HĐND quyết định nhưng không quá 2 lần mức phạt chung đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng (tương tự như đối với cơ chế áp dụng cho Hà Nội) để bảo đảm tính thống nhất, thuận lợi trong tổ chức triển khai.