Có nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm?

Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm, chỉ nên miễn đối với quy mô tiết kiệm nhỏ.

Góp ý về dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính mới đây, UBND TP Cần Thơ đề xuất mở rộng diện đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với khoản lãi tiền tiết kiệm, chỉ miễn thuế TNCN với các khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ.

Theo quy định hiện hành, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi (dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi) nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế.

Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận lại có ý kiến nên tăng danh mục miễn thuế, cụ thể là nên miễn thuế cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.

Có nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm? (Ảnh minh họa)

Có nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm? (Ảnh minh họa)

Trong dự thảo dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dẫn kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế được chia thành 8 loại, trong đó có cả thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng.

Tương tự, tại Trung Quốc, Luật Thuế TNCN quy định 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN, trong đó thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận.

Và tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là một khoản thu nhập phải chịu thuế TNCN.

Các nước thường có quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính bao quát đối với các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân.

Bộ Tài chính nhận định, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và các hình thức hoạt động kinh doanh mới đã phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định, cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế TNCN hiện nay như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại...

Về nội dung tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính cho biết Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có chỉ đạo mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau: Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế...

“Do vậy, việc sửa đổi, bồ sung đối tượng miễn, giảm thuế cần được nghiên cứu phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc phát triến các lĩnh vực uu tiên, phù hợp với thực tiễn và xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới”, Bộ Tài chính cho biết.

Nhiều năm trước, đã từng có ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với các khoản lãi tiết kiệm lớn bởi khoản này cũng giống như đầu tư chứng khoán, bất động sản...

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến trái chiều cho rằng cần miễn thuế cho các khoản lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu Chính phủ... để khuyến khích tiết kiệm, phát triển kinh tế.

Theo Điều 3 Luật Thuế TNCN, có 10 loại thu nhập đang thuộc diện thu nhập chịu thuế, gồm: (1) Thu nhập từ kinh doanh; (2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công; (3) Thu nhập từ đầu tư vốn; (4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; (5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; (6) Thu nhập từ trúng thưởng; (7) Thu nhập từ bản quyền; (8) Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; (9) Thu nhập từ nhận thừa kế; (10) Thu nhập từ nhận quà tặng.

Ngọc Bảo (T/h theo ĐSPL, Vietnamnet)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/co-nen-danh-thue-thu-nhap-ca-nhan-tu-lai-tien-gui-tiet-kiem-10754.html
Zalo