Giúp việc đầu năm: Đến hẹn lại không lên
Người giúp việc đã và đang có tầm quan trọng nhất định trong cuộc sống của nhiều gia đình Hà Nội ngày nay. Sau Tết, tình trạng giúp việc về quê chưa quay lại khiến nhiều gia đình 'loay hoay', cuộc sống đảo lộn vài phần.
Khi người giúp việc thất hứa
Từ sau Tết Nguyên đán, bà Hoàng Thị Tâm (quận Thanh Xuân) phải từ bỏ hết tất cả những buổi sinh hoạt công tác xã hội mà mình vẫn tham gia đều đặn, kể cả các buổi thể dục thể thao yêu thích. Mỗi ngày của bà giờ đây chỉ xoay quanh việc đi chợ, lựa mua đồ ăn, nấu nướng rồi đến chiều vội vã đi đón ba cháu ngoại. Công việc nhà chồng chất, đến nỗi bà Tâm không còn thời gian thở, mắt lúc nào cũng mờ đi vì mệt mỏi. Nhìn chung, sau Tết, nhiều bà nội, bà ngoại như bà Tâm đều rơi vào cảnh bận rộn như thế. Tất cả chỉ vì một lý do duy nhất: người giúp việc về quê và không quay lại.
“Chờ đến nay vẫn chưa lên, vì họ còn bận đi chùa, hội làng... Nhiều khi cũng mệt mỏi nhưng cũng đành cố gắng", bà Tâm bày tỏ.
Gia đình bà Võ Lan Hương (quận Thanh Xuân) cũng rơi vào tình cảnh rất bị động khi người giúp việc không quay lại làm việc. Để con gái và con rể có thể yên tâm công tác, mỗi ngày bà phải di chuyển một quãng đường xa xôi, đến chăm sóc cháu ngoại mới 14 tháng tuổi. Việc làm "bảo mẫu bất đắc dĩ" khiến cuộc sống của bà Hương bị xáo trộn hoàn toàn. Mọi thói quen sinh hoạt, công việc hàng ngày của bà đều bị đảo lộn, từ những giờ nghỉ ngơi ít ỏi cho đến những kế hoạch cá nhân, tất cả đều phải gác lại để thay thế bằng vai trò người chăm sóc, bế bồng cháu nhỏ. Bà Hương chia sẻ: “Trong Tết, giúp việc nhà tôi hẹn về quê đến rằm thì lên, nhưng nay tôi gọi chưa thấy nghe máy".
Hiện nay, thị trường lao động giúp việc ở đô thị đang "nóng" lên từng ngày, trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi ở các khu tập thể, chung cư cao tầng. Đặc biệt là vào thời điểm sau Tết, khi không ít gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt người giúp việc. Với câu nói quen thuộc "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", những người lao động tự do thường trở lại thành phố rất muộn sau kỳ nghỉ Tết. Họ dành thời gian cho những lễ hội, những buổi ăn rằm, hoặc tham gia vào vụ cấy đầu xuân ở nông thôn. Chính vì vậy, họ chỉ quay lại thành phố sau khi hoàn thành công việc đồng áng, khiến nhiều gia đình ở đô thị phải đối diện với sự thiếu vắng người hỗ trợ, nhất là vào những ngày đầu năm.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, trong năm làm việc, nhiều người cố gắng đợi đến Tết để có thể nhận được quyền lợi trước khi nghỉ việc. Sau đó, họ về quê nghỉ Tết và không muốn quay trở lại. Khi đi làm, những người giúp việc vẫn có những mối quan hệ xã hội, đặc biệt khi họ không coi công việc của mình là lâu dài, nên việc giữ các mối quan hệ là rất thấp.
Khi cuộc sống không có giúp việc
Ngày nay, nhiều gia đình đã học cách thích nghi với cuộc sống không có giúp việc, từ cùng nhau kể chuyện gia đình, vợ chồng phân công nhau làm việc, hay tranh thủ đưa con đi học sớm…
Chị Lê Thị Hồng Ánh (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Việc tìm người giúp việc thật sự nan giải. Không có giúp việc, nhà cửa sẽ không được dọn dẹp và ngăn nắp. Mình phải mất thêm thời gian để nấu nướng và chuẩn bị cho các con".
Vai trò, vị trí của người giúp việc trong cuộc sống đã trở nên quá quen thuộc và cần thiết với nhiều gia đình, đặc biệt với những gia đình ở thành thị. Khó khăn trong việc tìm người phù hợp, gia đình chị Ánh đã quyết định tìm đến giúp việc theo giờ như một giải pháp thay thế khi gặp tình trạng khan hiếm giúp việc sau Tết.
Người giúp việc Philippines được ưa chuộng
Theo Bộ Lao động Di cư Philippines, năm 2016, nước này có 2,1 triệu lao động làm việc ở nước ngoài. Con số này giảm trong thời gian xảy ra đại dịch, nhưng đã tăng lên mức kỷ lục là 2,3 triệu người vào năm 2023. Người giúp việc đến từ Philippines được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng bởi họ có kỹ năng chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao, trung thực và khả năng ngoại ngữ tốt.
Tại Philippines, đào tạo người giúp việc nhà là một ngành học. Người muốn sang nước ngoài làm việc phải đăng ký tham gia khóa học tại Trung tâm đào tạo người giúp việc chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo được cấp phép bởi Cơ quan Giáo dục và phát triển kỹ năng (TESDA) của Philippines. Trong quá trình học, học viên sẽ được trang bị những kỹ năng, như: tiếng Anh; chăm sóc sức khỏe căn bản; chăm sóc trẻ, người cao tuổi; dọn dẹp buồng phòng; dinh dưỡng căn bản; sức khỏe và bảo vệ môi trường; sơ cấp cứu căn bản; ứng phó với trường hợp khẩn cấp; đa dạng văn hóa; giá trị đạo đức và phát triển cá nhân.
Mục đích đào tạo là giúp những người giúp việc có kỹ năng chuyên nghiệp cùng đạo đức, kỷ luật tốt. Sau khi học xong, học viên sẽ trải qua một kỳ thi kiểm tra năng lực do TESDA tổ chức và chứng nhận.
Do làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada... học viên cũng được trang bị về văn hóa của các quốc gia khi họ đến làm việc. Với việc được đào tạo bài bản về kỹ năng, kỷ luật và công việc nên người giúp việc Philippines hiện được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Cần xem giúp việc như một nghề chuyên nghiệp
Bất ngờ bị mất việc sau kỳ nghỉ Tết, chị Tống Thanh Hương (quận Hà Đông) đã đến trung tâm giới thiệu người giúp việc để tìm cho mình một công việc tốt hơn. Chị Hương chia sẻ đã từng làm công việc giúp việc, tuy nhiên chị cảm thấy công việc không được ổn định.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động giới thiệu người giúp việc cho các gia đình, đơn vị cũng đưa ra các tiêu chuẩn nhất định cho các ứng viên. Bởi giúp việc không chỉ là một nghề làm thuê thông thường, người giúp việc cũng được coi là một thành viên trong gia đình, có ảnh hưởng đến lối sống, nếp sinh hoạt, thậm chí cả sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ.
Theo anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Công ty “Giúp Việc Tốt”, công ty sẽ sàng lọc và lựa chọn những người đã có kinh nghiệm để tiết kiệm thời gian trong quá trình tuyển chọn.
Dù nhu cầu thuê người giúp việc ngày càng tăng tại nhiều gia đình, đây vẫn là một nghề chưa được đánh giá cao trong xã hội và chưa có sự chuyên môn hóa. Nhiều công ty kinh doanh dịch vụ giúp việc đã tự tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn. Tuy nhiên, đó chỉ là các nỗ lực đơn lẻ, nhìn chung còn manh mún và chưa hình thành các khóa đào tạo bài bản.
Nếu được nhìn nhận đúng đắn và tôn trọng như một nghề chuyên nghiệp, người giúp việc sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, được hưởng các quyền lợi xã hội đầy đủ và có mức thu nhập xứng đáng. Điều này không chỉ có lợi cho người lao động mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình.