'Có một bài ca không bao giờ quên...'

Trung úy Đặng Văn Phong, nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn Xe tăng 273, Quân đoàn 3 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273, Quân đoàn 34), nhiều năm qua, là Phó Ban liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 273. Trong ký ức của người lính xe tăng ngày 30/4 lịch sử của 50 năm trước là những khoảng lặng bi hùng, nơi cuộc chiến đấu kéo dài nhất tại ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả...

Ba chiếc xe tăng cháy tại Lăng Cha Cả ngày 30/4. (Ảnh: Corbis)

Ba chiếc xe tăng cháy tại Lăng Cha Cả ngày 30/4. (Ảnh: Corbis)

“Địch đầu hàng rồi! Hòa bình rồi! Không bắn nữa!”

28/4/1975, Trung đoàn Xe tăng 273 (sau này là Lữ đoàn Xe tăng 273) chính thức bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ đánh bóc vỏ, tiêu diệt lực lượng phòng ngự vòng ngoài. Tiểu đoàn 2 cùng Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) thọc sâu vào Sài Gòn theo quốc lộ 15, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Tiểu đoàn 1 cùng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) thọc sâu vào Sài Gòn theo quốc lộ 1, có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, đêm 29/4, đội hình thọc sâu của Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 1 đã đến sát rìa phía Tây Bắc của sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả dừng lại chuẩn bị cho trận đánh quyết định ngày hôm sau. Sáng 30/4, khi mặt trời vừa le lói, cả đội hình thọc sâu lại lên đường. Vì là đường độc đạo nên chỉ có thể sử dụng đội hình hàng dọc. Đại đội 1 vẫn là mũi nhọn dẫn đầu đội hình. Địch ngăn chặn ở ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Hai bên bắn nhau quyết liệt. Có điều kỳ lạ, là ngay phía trước, chỉ cách chừng 50m là trận đánh diễn ra ác liệt, súng nổ rầm trời, thì ở phía sau dân chúng vẫn bình thản ra xem Quân giải phóng chiến đấu. Dường như người Sài Gòn đã quá quen với bom đạn. Họ tò mò muốn nhìn chiếc xe tăng T-54 của Quân giải phóng như thế nào. Một vài chiếc xe đò chở khách bị kẹt giữa hai làn đạn tiến thoái lưỡng nan, làm cho chiến trường càng thêm chật chội.

Bị chặn đánh quyết liệt, Đại đội 1 không thể đột phá qua tuyến phòng ngự của địch, nên các đơn vị phía sau vẫn phải chờ. Sốt ruột quá, ông Đặng Văn Phong khi đó là pháo thủ xe tăng số hiệu 325 của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Xe tăng số hiệu 273 chủ động chui ra ngoài nắm bắt tình hình. Khi ông Phong (lúc đó 21 tuổi và đã ở chiến trường Tây Nguyên được gần 5 năm) đang đứng phía đuôi xe quan sát thì bỗng có hai người, một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi và một phụ nữ chạy xe Honda tới. Người đàn ông nắm lấy tay ông Phong khẩn khoản, run run nói không nên lời: “Dạ, ông... ông làm ơn giúp vợ chồng con với”. Người lính tăng hỏi lại: “Giúp gì”?, hai vợ chồng nhao nhác: “Dạ, ông... cho con về nhà, nhà con phía trước đây thôi. Sáng nay, vợ chồng con có việc phải đi sớm, khóa đứa con 5 tuổi ở trong nhà. Đấy, nhà con ở ngay gần chiếc xe tăng đang bắn đấy”. Rồi anh ta chỉ tay về phía một chiếc xe tăng của Đại đội 1 cách đó chừng vài trăm mét vừa phát hỏa, nói tiếp: “Con xin ông giúp con với”, ông Phong lắc đầu kiên quyết: “Không được! Lên đấy nguy hiểm lắm. Anh chị chờ cho im tiếng súng đã!”... Từ xe sau, Chính trị viên Đại đội 2 Vũ Ngọc Bình lưỡng lự một lát và nói: “Nếu đi được thì cậu đi cùng giúp người ta một tí. Nhớ an toàn mới đi nhé! Tuyệt đối không được vượt qua đội hình xe tăng ta. Không thấy xe tăng ta phía trước nhất định không đi tiếp!”. Ông Phong ngần ngừ bởi nhiệm vụ người lính là chiến đấu, dẫu có hy sinh trong xe vẫn không rời vị trí chiến đấu... Nhưng không kịp nghĩ nhiều, một tay người lính tăng xách khẩu AK, tay kia nắm lấy tay người đàn ông, cứ thế nép vào hông những chiếc xe tăng, lúc đi, lúc chạy...

Ta với địch vẫn đang bắn nhau, đạn nổ chát chúa. Tiếng súng AK, AR-15 cùng tiếng của những loại pháo, súng khác tạo nên một âm thanh chết chóc điên cuồng. Đạn bay viu viu qua đầu. Chợt người đàn ông reo lên: “Ông ơi, nhà con đây rồi!”. Ông Phong dừng lại ôm súng canh chừng, anh ta vội vàng mở cửa chạy vào ôm thốc đứa con vào lòng. Đứa bé sợ hãi, mặt mũi tái xám, khóc không ra tiếng. Về đến xe tăng 325, người mẹ ôm chầm lấy hai bố con trong nỗi vui mừng khôn xiết...

Trận chiến đấu càng lúc càng khốc liệt. Quân địch lợi dụng các nhà cao tầng, các ngõ hẻm... bố trí hỏa lực chống tăng, gây nhiều tổn thất cho xe tăng của ta. Khoảng 8 giờ 30 phút, một chiếc máy bay của địch ném hai quả bom vào đội hình. Một quả rơi trên mặt đường. Một quả đúng vào xe tăng 313 phía trước. Kíp xe tăng hy sinh hai người, còn bộ binh thương vong khá nhiều.

Đội hình Đại đội 2 tiếp tục dồn lên một cách thận trọng. Xe tăng 325 vừa cơ động vừa ngắm bắn vào các vị trí nghi ngờ địch bố trí hỏa lực. Hai vợ chồng nọ vẫn bám sau xe tăng 325. Xe tiến, họ cũng tiến, xe dừng, họ cũng dùng. Mãi đến khi trận đánh kết thúc, ông Phong quay lại nhìn thì không thấy họ đâu nữa. Khi đã tiến sát lên khu vực Lăng Cha Cả (nay thuộc quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), ông Phong thấy khá nhiều xe tăng của ta bị cháy nằm tại đó, khói lửa vẫn nghi ngút. Người lính tăng đang định bắn tiếp vào góc tường của một ngôi nhà vì phát hiện ở đó vừa bắn ra một loạt đạn thì Đại đội phó Hỗ giơ hai tay chéo nhau và nói: “Không bắn nữa. Địch đầu hàng rồi. Hòa bình rồi. Không bắn nữa!”...

Và mệnh lệnh từ trái tim của những người lính tên “quê”

Chiều 30/4, Tiểu đoàn 1 tập kết trong căn cứ Hoàng Hoa Thám. Không khí trong đơn vị trầm lắng. Thiếu vắng nhiều đồng đội quá! Ở chiến dịch này, họ đã chiến đấu bên nhau từ Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3) và tiến về Sài Gòn... Nhưng ngay trước thềm chiến thắng, hàng chục đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại Sài Gòn...

Ngày 3/5, khi ông Đặng Văn Phong đang ngồi kì cạch với chiếc máy chữ mới nhặt được, bỗng pháo thủ Giáp gọi: “Quê Phong ơi, có người cần gặp xe tăng 325 ngoài cổng gác kia kìa” (quê - những người lính xe tăng trong những năm tháng ở chiến trường đằng đẵng, đã gọi nhau bằng quê cho thỏa nỗi nhớ quê hương đất Bắc, PV). Ngoài cổng là đôi vợ chồng đã nhờ ông đưa về nhà để cứu đứa con. Hai vợ chồng mời ông Phong về nhà chơi và thông báo lúc trở về thì nhà bị bắn sập một góc, nếu không kịp đưa con ra thì bé đã không còn: “Cảm ơn anh chị. Anh chị cứ gọi tôi là anh giải phóng hoặc chú bộ đội là được. Còn hôm nay, tôi phải xin lỗi vì tất cả chúng tôi không được rời vị trí. Xin hẹn anh chị một dịp khác”. Hai vợ chồng để lại tên, địa chỉ số nhà: THT số 158/1А...

Trung úy Đặng Văn Phong (bên trái) và Trung tướng Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng - Trưởng Ban liên lạc CCB Lữ đoàn 273 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273) bên chiếc xe tăng 980 huyền thoại. (Ảnh: NVCC)

Trung úy Đặng Văn Phong (bên trái) và Trung tướng Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng - Trưởng Ban liên lạc CCB Lữ đoàn 273 (nay là Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273) bên chiếc xe tăng 980 huyền thoại. (Ảnh: NVCC)

Trước đó, ngay chiều 30/4, các đơn vị tổ chức thu dọn chiến trường, làm công tác thương binh tử sĩ. Riêng các xe tăng cháy phải đợi 4 ngày sau, khi xe đã nguội bớt mới làm được việc đó. Tuy nhiên, hầu hết hài cốt của các liệt sĩ chỉ còn là một nhúm tro. Các anh được đưa về an táng tại nghĩa trang Tân Xuân. Ở nghĩa trang này có 476 liệt sĩ thì có đến 108 người hy sinh ngày 30/4/1975.

Ngày 5/5/1975, ông Phong cùng các thủ trưởng, trong đó có Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ - Trưởng ban tăng với mệnh lệnh từ trái tim đi tìm đồng đội: “Người đại đội nào vào xe đại đội đó. Nhớ phải tìm cho kỹ xem có tý xương nào chưa cháy hết lấy về cho anh em”. Tuy nhiên, với nhiệt độ của viên đạn chống tăng lên đến 4.000 độ, cộng thêm hàng ngàn lít dầu cháy, hơn 30 viên đạn pháo 100, đạn 12,7 ly , đạn K53, đạn AK, lựu đạn thì còn mảnh xương nào? Hơn nữa, khi xe cháy các loại đạn nổ hất tung tro bụi, làm gì biết của ai nữa? Nên họ có thêm mệnh lệnh: “Vị trí của thành viên nào thì bốc tro cho người đó”.

“Lớp tro phía trên chúng tôi bốc cho trưởng xe. Lớp tro phía dưới bốc cho pháo thủ - chếch bên phải sau đuôi pháo là phần tro của pháo 2. Những người lính tăng hy sinh hài cốt chẳng còn, nắm tro cũng chỉ tượng trưng mà thôi”, ông Phong ngậm ngùi.

“Trận chiến đấu tại Lăng Cha Cả sáng 30/4/1975 ta sử dụng 2 đại đội xe tăng (C1 và C2 - D1-273). Số xe bị địch bắn cháy tại đây gồm 7 xe (1 xe K63 của C11, 2 xe của C1 và 4 xe của C2). Mỗi người được bốc một nắm tro bỏ vào hòm đạn 12 ly 8, trong số đó có 2 thành viên của xe 354 là Vi Ngọc Vinh (trưởng xe) và Nguyễn Văn Lán (pháo thủ). Đơn vị đã chôn cất tại nghĩa trang Tân Xuân - Hóc Môn. Tất cả đã được báo tử. Gần 2 tháng sau đơn vị nhận được thông báo từ Bệnh viện Vì Dân cho biết có thương binh Nguyễn Văn Lán đang điều trị tại đó. Vào dịp 27/7/1975, đơn vị đi thăm thương binh ở các bệnh viện xác nhận Lán vẫn còn sống (bị thương sọ não rất nặng). Sau đó chúng tôi ra nghĩa trang Hóc Môn bốc mộ Lán lên, phần tro đấy cho vào mộ Vi Ngọc Vinh. Trong danh sách liệt sĩ vẫn còn có tên của Lán và vị trí chôn cất...”.

“Cho đến nay, chúng tôi vẫn không lý giải được trường hợp hy hữu này, xe cháy, lại bị thương vào sọ não làm sao Lán ra được khỏi xe, trong lúc xe đang cháy có ai dám nhảy vào xe đưa Lán ra? Nếu vào thì một người cũng không thể đưa ra được? Hỏi Lán thì Lán nói khi tỉnh lại đã nằm trong bệnh viện rồi”...

10h45 phút, xe tăng của quân giải phóng xô đổ cổng Dinh Độc Lập. Qua 12h trưa, trên sóng phát thanh, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Trong suốt những giờ khắc ấy, cách Dinh Độc Lập 5km, ở Lăng Cha Cả, có 3 chiếc xe tăng T-54 vẫn đang cháy. Ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả nơi diễn ra một trận chiến bi hùng kéo dài nhất trong ngày cuối cùng của chiến tranh đã trở thành một phần ký ức thiêng liêng của những người đồng đội tên “quê” như thế...

50 năm đã trôi qua, là Phó Ban liên lạc CCB Lữ đoàn 273, ông Phong được xem như cuốn “sử sống” của Lữ đoàn 273 anh hùng, qua những thước phim tư liệu về Lữ đoàn do ông dựng và đọc lời bình, những trận đánh đi vào sử sách, những năm tháng miệt mài tìm kiếm đồng đội khắp mọi miền đất nước, những cuộc hội ngộ ân tình của những người lính tên “quê”... Họ nhắc nhở nhau rằng, lịch sử không chỉ làm nên bởi các biểu tượng, lịch sử được làm nên từ rất nhiều máu xương của đồng đội đã ngã xuống, thậm chí, ngay trước thềm chiến thắng...

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-mot-bai-ca-khong-bao-gio-quen-post546998.html
Zalo