Câu chuyện về những gia đình giàu có làm cách mạng

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có nhiều gia đình ở Sài Gòn (tên gọi trước năm 1975) đã tích cực tham gia hoạt động và đóng góp cho cách mạng. Đại gia đình họ Đỗ với rất nhiều tiệm vàng ở khu Tân Định, Sài Gòn lúc bấy giờ là một minh chứng. Họ luôn đứng về phía cách mạng và hành động vì chính nghĩa.

Làm được gì cho cách mạng là làm

Thế hệ trực tiếp điều hành các tiệm vàng mà trong tên gọi đều có một chữ "Xuân" ở khu Tân Định trước năm 1975 đến nay hầu hết đã qua đời. Chỉ còn lại ông Đỗ Đình Chi, từng làm việc và sau đó thừa kế, điều hành tiệm vàng Phú Xuân đến năm 1963.

Năm nay đã 91 tuổi, ông Chi vẫn nhớ như in, trước năm 1953, người cô ruột của ông là bà Đỗ Thị Thoa làm chủ tiệm vàng, đã góp công, góp của cho cách mạng. Ông là một thanh niên đã giác ngộ cách mạng, tham gia in và rải truyền đơn. Đến khi được thừa kế tiệm vàng, ông tiếp tục công việc bà Thoa đã làm và tự căn dặn mình, làm được gì cho cách mạng là không nề hà. Ông Chi góp tiền đều đặn hằng tháng cho cách mạng, mua sắm nhu yếu phẩm và thuốc men theo yêu cầu của căn cứ kháng chiến. Mỗi khi trong cứ cần gì, nhắn ra là ông Chi âm thầm chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng chờ người đến lấy.

“Không những thuốc men mà còn nhiều thứ khác. Ở trong đó cứ thiếu gì thì báo với mình, mình mua chuẩn bị đầy đủ hết để gửi vào. Mua bằng tiền của mình. Ở chiến khu lúc bấy giờ gần như thứ gì cũng thiếu, tùy từng thời điểm mà thiếu thứ này nhiều, thứ kia ít. Đó gần như là công việc chính của mình. Còn việc tuyên truyền thì mình in truyền đơn rồi chờ trời tối, khi người ta ít đi lại, mình đi đến từng nhà, mỗi nhà mình luồn truyền đơn vào khe cửa, khắp khu Tân Định”, ông Chi nhớ lại.

Anh Trần Vũ Bình con trai Anh hùng LLVT Trần Văn Lai cho ông Đỗ Đình Chi xem lại những dụng cụ chế tác vàng của hiệu vàng Phú Xuân xưa.

Anh Trần Vũ Bình con trai Anh hùng LLVT Trần Văn Lai cho ông Đỗ Đình Chi xem lại những dụng cụ chế tác vàng của hiệu vàng Phú Xuân xưa.

Không chỉ tiệm vàng Phú Xuân của ông Chi, mà các tiệm vàng khác của dòng họ Đỗ ở khu Tân Định như: Vĩnh Xuân, Tiến Xuân, Đức Xuân, Việt Xuân đều tham gia đóng góp cho cách mạng. Từ những năm 1950 kéo dài đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, không thể kể hết các chủ tiệm vàng này đã đóng góp bao nhiêu tiền của, nhu yếu phẩm, thuốc men cho cách mạng.

Sự đóng góp đều đặn và cả đột xuất khi có yêu cầu đều thông qua mạng lưới các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong nhóm của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (Năm Lai). Ông Năm Lai lúc đó cũng là một nhà tư sản, là thầu khoán ở Dinh Độc Lập nên có nhiều cơ hội tiếp xúc và vận động tầng lớp giàu có ở Sài Gòn tham gia đóng góp cho cách mạng. Anh Trần Vũ Bình, con trai ông Năm Lai kể lại, sau giải phóng, ông Năm Lai đã cố gắng tìm gặp từng gia đình để tri ân họ. Có khoảng 100 gia đình như thế ở Sài Gòn, họ là chủ tiệm vàng, chủ sạp vải, chủ các cửa tiệm lớn đã không tiếc của, tiếc công đối với cách mạng.

Anh Trần Vũ Bình nói, ba tôi vận động theo phương châm "đồng ngành, đồng nghề, đồng hương". Chuỗi các tiệm vàng "Xuân" là họ hàng của nhau và đều góp của cho cách mạng. “Trước đây ba tôi đóng góp cho cách mạng, đóng góp bằng tiền của vì đây là nơi kinh doanh. Cách mạng cần thì các tiệm vàng này lo trong khả năng của mình. Khi giải phóng, các tiệm vàng lo ăn lo mặc, lo đón tiếp quân giải phóng, đặc biệt nhất là ở khu Tân Định”, anh Trần Vũ Bình cho biết thêm.

Nhiều nữ giao liên trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và hoạt động đến năm 1975, đều tự hào kể câu chuyện về sự đóng góp cho cách mạng của các tiệm vàng ở khu Tân Định. Lúc đó, giao liên thường được lãnh đạo giao nhiệm vụ vào nội thành, đến các tiệm vàng để nhận tài chính, thuốc men, dụng cụ y tế. Các tiệm vàng luôn chuẩn bị rất đầy đủ, chu đáo, đóng thành từng khối, ngụy trang cẩn thận để dễ vận chuyển.

Đã là người Việt Nam thì phải yêu nước

Có lẽ rất khó để lý giải tại sao trong chiến tranh, nhiều gia đình giàu có với cuộc sống sung túc và yên ổn vẫn bất chấp nguy hiểm để ủng hộ cách mạng bằng nhiều cách. Nhưng chắc chắn một điều, tất cả đều có lòng yêu nước, như bà Đỗ Thị Thoa là cô ruột ông Chi, như ông Chi, như ông Năm Lai và vợ ông là bà Phạm Thị Phan Chính...

Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.Hồ Chí Minh nay được phục dựng.

Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.Hồ Chí Minh nay được phục dựng.

Ông Đỗ Đình Chi còn có nhiều bạn bè giàu có, văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng tham gia đóng góp cho cách mạng bấy giờ. Ông Chi còn dùng thẻ môn bài của tiệm vàng đi bảo lãnh cho "người của ta" và cả dân thường khi bị địch bắt. Ông Chi cho rằng, bấy giờ không chỉ riêng gia đình nào mà đến 90% người dân tham gia, ủng hộ cách mạng. Mình ở thành phố thì mình phải tham gia bí mật thôi. Tinh thần chính là đứng lên chống ngoại xâm giành lại độc lập cho dân tộc. Đó là yếu tố chính để mọi người dân tham gia đóng góp, ủng hộ cho cách mạng.

Những chiến sĩ cách mạng có dịp làm việc, tiếp xúc với các cơ sở nội thành, trong đó có nhiều gia đình giàu có trước năm 1975 cũng cảm nhận được điều đó. Những gia đình giàu có như ông Chi và nhiều người khác rất quan tâm đến chiến sĩ quân giải phóng, quan tâm đến cách mạng, ủng hộ hết lòng bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Điều đó, chỉ có thể lý giải là xuất phát từ tình yêu nước của người Việt Nam chúng ta, từ lòng nhân hậu.

Khi đất nước hòa bình, các gia đình như nhà ông Đỗ Đình Chi gần như không nhắc đến sự đóng góp của mình. Bởi với họ, điều đó xuất phát từ tình yêu, từ trách nhiệm với đất nước khi đất nước lâm nguy. Nhưng chúng ta, thế hệ đang sống trong hòa bình, cần ghi nhớ và tri ân.

Bài, ảnh: MINH HẠNH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/cau-chuyen-ve-nhung-gia-dinh-giau-colam-cach-mang-e500923/
Zalo