Chạy đua từng giây giành lại mạng sống cho người đàn ông ngừng tuần hoàn
Người đàn ông ngừng tuần hoàn ngoại viện, sốc điện lần thứ 4 có mạch trở lại, tạm qua cơn nguy kịch.
Ê kíp bác sĩ cấp cứu người bệnh ngừng tuần hoàn ngoại viện. (Video: BVCC)
Đêm Giao thừa năm Ất Tỵ, sau khi uống vài ly rượu chúc mừng năm mới, người đàn ông 65 tuổi, quê Tuyên Quang lơ mơ, mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng. Ông được đưa đến Phòng khám Đa khoa Hùng Vương Sơn Dương (Tuyên Quang) trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn tối đa.
Các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ, ép tim, bóp bóng, sốc điện, dùng thuốc vận mạch, chạy đua từng phút giành lại sự sống cho người bệnh.
Sau 3 lần sốc điện, người này có mạch trở lại nhưng chỉ 4 phút sau mạch lại mất, các chỉ số sinh tồn không còn hiển thị.
Đội ngũ y tế tiếp tục cấp cứu theo phác đồ, hội chẩn khẩn cấp với các chuyên gia khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Lần sốc điện thứ 4, bệnh nhân có mạch trở lại, tạm thời qua cơn nguy kịch.

Ông được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện, đồng tử giãn tối đa. (Ảnh: BV)
Người đàn ông được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để tiếp tục điều trị chuyên sâu, lọc máu, hồi sức để duy trì các chỉ số sinh tồn và phục hồi chức năng.
Sau 20 ngày nỗ lực cấp cứu, bệnh nhân hồi phục, xuất viện.
Ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan đến bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc. Người dân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện một số bất thường tiềm tàng.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ như bỏ hút thuốc lá, điều trị tăng huyết áp (cơ bản quanh 120/80 mmHg), rối loạn lipid máu, kiểm soát cân nặng, kiểm soát tốt đường huyết, tăng cường vận động.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột như sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện, bệnh thận mạn tính. Người khỏe mạnh cần đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.
Khi đột ngột có các biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều, khò khè không giải thích được, khó thở, có cơn ngất hoặc thỉu, chóng mặt cũng cần đi khám sớm.