Cơ hội, thách thức nào cho Việt Nam khi thực thi thị trường carbon?

Thị trường carbon là vấn đề mới ở Việt Nam, là hàng hóa không thể sờ, nắm nhưng có giá trị và tiềm năng lớn về đầu tư, kinh doanh và đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi chưa sẵn sàng

Với mong muốn truyền tải thông điệp về chuyển dịch kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, kinh tế phát thải carbon thấp; đồng thời cung cấp thêm thông tin cập nhật về hiện trạng, thách thức cũng như đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam, ngày 25/12, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã tổ chức Tọa đàm ‘Thị trường carbon: Thách thức và cơ hội.

Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh: Với trách nhiệm là một bộ kinh tế đa ngành, Bộ Công Thương luôn quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022; Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường quản lý tín chỉ carbon...

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường; thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng; chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng khoa học công nghệ giảm phát thải; kiểm kê khí nhà kính. Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể gắn liền với nhiệm vụ chung của ngành. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn; tổ chức các hội thảo quán triệt, nâng cao nhận thức, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cũng như đẩy mạnh truyền thông.

Đối với giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon, trong kế hoạch triển khai Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ cùng các nhóm giải pháp thực hiện. Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Đáng lưu ý, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 2600/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 9,0% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 55,5% triệu tấn CO2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp. Khi có hỗ trợ thêm của quốc tế giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với 213,7 triệu tấn Co2tđ trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp.

Theo ông Hoàng Văn Tâm, thị trường carbon là vấn đề mới ở Việt Nam, tuy nhiên ở khu vực đã vận hành 10 năm nay. Đây là hàng hóa không thể sờ, nắm nhưng là sản phẩm có giá trị và tiềm năng lớn về cơ hội đầu tư, kinh doanh nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi chưa sẵn sàng. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đưa ra những yêu cầu khắt khe với hàng hóa nhập khẩu, điển hình như Liên minh châu Âu với Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), vấn đề sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính đóng vai trò quan trọng. Thách thức hiện nay là doanh nghiệp vẫn chưa hiểu, quan tâm nhiều đến hệ thống giao dịch phát thải (ETS) và thị trường carbon.

Ông Vũ Mạnh Thắng - Ban Năng lượng Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN) cho biết, đáp ứng xu thế phát triển bền vững và giảm phát thải carbon thông qua năng lượng hydrogen, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng dự án điện khí LNG tại Thái Bình với công suất 1.500 MW. Qua nghiên cứu thị trường, TTVN Group cũng nhận thấy nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là rất lớn. Do đó, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu và phát triển cơ chế bán điện DPPA, kết hợp với việc triển khai các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với tổng công suất lên tới 4.000 MW.

Việc tham gia vào thị trường carbon không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp năng lượng. Thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí liên quan đến phát thải, nâng cao uy tín thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, doanh nghiệp năng lượng đang đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc trên nhiều khía cạnh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và tiến trình thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Do đó, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và tận dụng cơ hội từ thị trường phát thải carbon.

Theo ông Vũ Mạnh Thắng, Chính phủ cần ban hành quy định cụ thể đảm bảo pháp luật liên quan đến thị trường phát thải carbon được xây dựng một cách minh bạch, nhất quán, tránh tình trạng chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật. Cùng đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường; khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp tham gia giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng tái tạo.

Về phía doanh nghiệp, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để đóng góp ý kiến, kiến nghị việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến thị trường carbon; chủ động tìm kiếm và hợp tác với tổ chức tài chính quốc tế, quỹ khí hậu và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực giảm phát thải.

Cùng đó, tiếp cận và áp dụng công nghệ mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, công nghệ lưu trữ năng lượng giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 về quản lý năng lượng, giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; triển khai hệ thống giám sát liên tục phát thải khí nhà kính để kịp thời điều chỉnh và cải thiện hiệu suất môi trường. Đặc biệt, chú trọng phát triển chiến lược kinh doanh dài hạn, linh hoạt, có tính đến kịch bản khác nhau của thị trường phát thải carbon; đảm bảo chất lượng và tính bền vững của sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Kim Ngân/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-hoi-thach-thuc-nao-cho-viet-nam-khi-thuc-thi-thi-truong-carbon/358011.html
Zalo