TP HCM lo hàng Tết thiếu hụt cục bộ, tăng giá vì kẹt xe

Dù hàng Tết không thiếu nhưng lo ngại lớn nhất tại TP HCM hiện nay là việc vận chuyển khó khăn có thể gây đứt hàng cục bộ

Ngày 13-1, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng dẫn đầu đã làm việc với TP HCM về chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện các chợ đầu mối, siêu thị, doanh nghiệp bình ổn TP HCM cho biết đã chuẩn bị phương án phục vụ Tết với lượng hàng hóa dồi dào, giá bình ổn. Các doanh nghiệp khẳng định không lo thiếu hàng, thậm chí còn có phương án xử lý khi hàng hóa thừa, không tiêu thụ hết.

Bà Phan Thị Thắng (áo đỏ) khảo sát một gian hàng bánh mứt Tết tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức)

Bà Phan Thị Thắng (áo đỏ) khảo sát một gian hàng bánh mứt Tết tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức)

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên hiện nay là việc vận chuyển khó khăn do kẹt xe kéo dài ở TP HCM.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, thông tin với mặt hàng thịt heo nóng, chợ cung ứng hơn 50% cho toàn thị trường TP HCM.

"Nếu vận chuyển thông suốt từ cơ sở giết mổ về chợ thì giá thịt heo sẽ bình ổn, còn kẹt xe hàng không về kịp, giá sẽ bị đẩy lên. Quanh chợ đầu mối có nhiều chợ tự phát, khiến kẹt xe thêm nặng nề" – ông Phong nói.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết với hàng thực phẩm công nghệ, các siêu thị đã có trữ tại chỗ nhưng với hàng tươi sống, rau củ quả phải đưa về hằng ngày có nguy cơ bị đứt hàng cục bộ vì tình hình giao thông hiện nay.

Việc giao hàng đến khách lẻ bằng xe máy cũng bị trở ngại khi một số tài xế bị cơ quan chức năng "tuýt còi" dù thùng hàng phía sau không nhiều.

Siêu thị hiện chủ động một số giải pháp như kéo dài thời gian phục vụ để giảm quá tải.

Quầy bán hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí xá tại siêu thị

Quầy bán hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí xá tại siêu thị

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại hệ thống MM Mega Market, cũng nhận nhiều phản ánh của đối tác về khó khăn trong vận tải nhưng nhờ có các kho trung chuyển lớn, hiện hệ thống vẫn đang vận hành thông suốt đối với kênh bán hàng trực tiếp.

Ở kênh online, do tần suất mua và lượng mua tăng dịp Tết nên hệ thống đã ký hợp đồng thêm với nhiều doanh nghiệp vận tải mới, trong đó có cam kết tăng trưởng sản lượng 10%-15%, hy vọng sẽ đáp ứng tốt về dịch vụ giao hàng cho khách.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng biểu dương TP HCM là hình mẫu trong công tác chuẩn bị nguồn hàng bình ổn Tết.

Về tình trạng vận chuyển hàng hóa khó khăn, bà Phan Thị Thắng nhìn nhận đây là thách thức mỗi dịp Tết nhưng năm nay khó khăn hơn.

"Tôi đề nghị TP HCM cần chủ động các biện pháp điều phối linh hoạt. Trường hợp cần ý kiến của Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ sẵn sàng" – bà Phan Thị Thắng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương gợi ý các doanh nghiệp có thể bán hàng và giao hàng tập trung qua kênh Công đoàn để tối ưu việc vận chuyển. Cần xử lý các chợ tự phát quanh chợ đầu mối để tạo thông thoáng giao thông tại đây cũng như kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cạnh tranh công bằng.

"Trường hợp xảy ra hụt hàng cục bộ do trục trặc vận chuyển, cần tuyên truyền cho người dân biết để các đối tượng đầu cơ không tận dụng khoảng trống đẩy giá hàng hóa" – bà Phan Thị Thắng nêu rõ.

Tin-ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-lo-hang-tet-thieu-hut-cuc-bo-tang-gia-vi-ket-xe-196250113143439713.htm
Zalo