Khởi nghiệp lần hai với tín chỉ carbon
Khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, nhiều người ví giống như khởi nghiệp lần 2 bởi phải bắt đầu làm lại, chấp nhận thử thách mới
Tín chỉ carbon (Carbon Credit) là một loại hình giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Cơ hội mới
Thống kê từ hai tổ chức Gold Standard và Vera cho thấy Việt Nam hiện có 116 dự án đăng ký, chờ xác thực hoặc đạt chứng nhận tín chỉ carbon. Trong đó, 40 dự án được chứng nhận với 10,7 triệu tín chỉ phát hành hằng năm.
Nếu tính theo ngành, lâm nghiệp với chỉ một dự án nhưng đang mang về tín chỉ carbon hằng năm nhiều nhất. Đây cũng là dự án quy mô lớn nhất Việt Nam: bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với 5 USD/tấn, dự án này thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) trong năm 2023, đánh dấu bước khởi đầu đầy tiềm năng trong việc bán tín chỉ carbon rừng.
Năm 2024 vừa qua là năm cụm từ "tín chỉ carbon" được bàn thảo nhiều với câu hỏi phổ biến: Làm thế nào để bán được tín chỉ carbon? Một số đơn vị sản xuất của Việt Nam bắt đầu tham gia các dự án bán tín chỉ carbon.
Cuối năm 2024, một trang trại nuôi 50.000 con gà đẻ trứng của HTX Nguyễn Gia (tỉnh Hưng Yên) đã ký kết thỏa thuận bán tín chỉ carbon về việc gà đẻ không nhốt lồng với Công ty Global Food Partners (Singapore) - đơn vị xây dựng tín chỉ đầu tiên trên thế giới, đang cấp cho hơn 50 đối tác lớn, trong đó có Unilever và Marriott. Tín chỉ này sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và khách sạn bù đắp phần thiếu hụt so với mục tiêu cam kết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Tuệ, Giám đốc HTX Nguyễn Gia, gọi nôm na cách chăn nuôi này là "nuôi gà nhân đạo", nếu thành công giá trị thu về sẽ cao hơn nhiều. Ngoài bán tín chỉ carbon, nuôi gà đẻ không nhốt lồng bán trứng có giá cao hơn 20%-30% so với cách nuôi thông thường.
Sau khi ký kết, HTX Nguyễn Gia bắt tay thực hiện quy trình nuôi gà với sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí chuyển đổi từ nuôi lồng sang không lồng của Global Food Partners. "Sau một thời gian, đơn vị tư vấn - cũng là đối tác - sẽ đến đánh giá xem quy mô, kỹ thuật, tiêu chuẩn chăn nuôi, từ số lượng, chỗ đậu đến nguồn thức ăn, nước, máng, ổ đẻ... có đúng yêu cầu hay không. Từ đó, họ mới đánh giá tín chỉ có đạt về việc giảm lượng khí nhà kính hay chưa và xem xét cấp chứng nhận" - ông Tuệ giải thích, đồng thời cho biết bản thân chưa biết rõ giá mua tín chỉ carbon cũng như chính xác thời gian có thể bán được tín chỉ.
Tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, với hơn 23 ha trà sản xuất theo quy trình hữu cơ, bà Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, cũng đang rất quan tâm, muốn khởi nghiệp lần nữa với thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, bà chưa biết bắt đầu từ đâu, làm ra sao nên rất mong có thêm thông tin, hỗ trợ từ cơ quan chức năng, tổ chức trong và ngoài nước.
Mất khá nhiều thời gian
Quay lại chuyện bán tín chỉ carbon rừng, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin quá trình thực hiện dự án này mất gần 10 năm, từ 2014-2023.
Như vậy, để một dự án bán được tín chỉ carbon mất khá nhiều thời gian. Hiện thời gian triển khai dự án tín chỉ carbon mất 18 tháng mới xong phần cơ sở, sau đó mất thêm 2-3 năm để tạo ra tín chỉ và thêm 6 tháng cuối để kiểm kê dự án.
Trong khi đó, ông Vũ Tùng Quân, Giám đốc Chương trình Đào tạo tín chỉ carbon - Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội), dẫn thống kê cho thấy thời gian trung bình ở châu Á mất 3-5 năm để một dự án bán được tín chỉ carbon. Với Việt Nam, ông dự báo sẽ mất trung bình khoảng 5 năm do cần hoàn thiện thêm về cơ chế, chính sách.
Ông Quân cũng cảnh báo rủi ro thất bại khi xây dựng dự án bán tín chỉ carbon vì cần phải kiểm định, chứ không phải cứ đầu tư là có tín chỉ để bán. Ông cho rằng cần có bên thứ 3 tham gia thẩm định ngay từ khâu đầu tiên là lập dự án, đến xây dựng và ký kết hợp đồng, đàm phán giá, chuyển giao tín chỉ. Song, hiện ở Việt Nam, việc tham gia của bên thứ 3 còn rất hạn chế, thậm chí bỏ bên thứ 3 nên giá bán tín chỉ carbon thấp.
"Chúng ta mới nghĩ đến việc bán tín chỉ carbon qua rừng, sản phẩm nông nghiệp, điện. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã bán tín chỉ carbon ở nhiều ngành, nhiều dạng, như làm dự án lưu trữ carbon. Đây là điều mà các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp, bước vào thị trường tín chỉ carbon cần lưu ý" - ông Quân nhấn mạnh.
Sẽ lập sàn giao dịch
Theo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2025-2027, nước ta thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Thọ so sánh thị trường tín chỉ carbon hoạt động như giao dịch chứng khoán, mở ra cơ hội mới cho các bên tham gia. Doanh nghiệp tạo ra tín chỉ carbon sẽ có thêm nguồn tài chính để chi trả cho khoản đầu tư công nghệ trước đó.
Ông Vũ Tùng Quân dự báo thị trường tín chỉ carbon sẽ sôi động trong vài năm tới. Trước mắt, thị trường carbon tuân thủ sẽ sôi động, sau đó thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tự nguyện phát triển mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường này.