Đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo

Việt Nam đã có thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Hành trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp Việt Nam giữ đà tăng trưởng mạnh, bền vững và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050.

Đầu tư mạnh vào điện mặt trời mái nhà hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nguồn: Bộ Công Thương.

Đầu tư mạnh vào điện mặt trời mái nhà hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nguồn: Bộ Công Thương.

Cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp

Là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, từ năm 2009 công ty đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến nay tập đoàn này đã hoàn thành và chuyển giao hơn 1.000 dự án trong lĩnh vực điện mặt trời áp mái cho doanh nghiệp, hộ gia đình và nhà máy điện mặt trời.

Cũng theo ông An, hệ thống điện mặt trời mái nhà như một “mũi tên trúng nhiều đích” vì không chỉ góp phần tiết giảm chi phí sản xuất mà còn giúp DN có chứng nhận về sử dụng năng lượng sạch. Trong tương lai, phân khúc điện mặt trời mái nhà có tiềm năng phát triển rất lớn.

Năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với công suất của điện gió ngoài khơi lên mức 6.000MW và điện mặt trời áp mái lên 2.600MW.

Nói về tiềm năng điện gió ngoài khơi, ông Đặng Quốc Toản - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Asia Petroleum Energy Corporation cho rằng, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực thu hút nhà đầu tư. Nhất là khi Việt Nam có hơn 3.000km bờ biển, đây được xem là “mỏ gió” hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng năng suất năng lượng tái tạo cao nhất Đông Nam Á, với tỷ trọng 4 năm gần nhất ( từ 2019 đến 2023) vượt 55,6% trong tổng cung năng lượng điện tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ, ngành năng lượng tái tạo có rất nhiều không gian để phát triển và cơ hội đầu tư cho DN cũng không hề nhỏ.

Theo IRENA sự chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu có thể tạo ra 42 triệu việc làm vào năm 2050, trong đó Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể. Mở rộng quy mô các ngành năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam có thể phát triển lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Về mặt xã hội, việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống sẽ cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách cắt giảm ô nhiễm không khí, vốn ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Sự chuyển dịch này sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống…

“Với ưu điểm này, về lâu dài, vị thế dẫn đầu của Việt Nam về năng lượng tái tạo sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu truyền thống và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài” - báo cáo của IRENA nhấn mạnh.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) nhận định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Đến năm 2023, các nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 13% tổng lượng điện của cả nước - một bước nhảy vọt đáng kể so với mức ít ỏi chỉ vài năm trước đó. Thành công này được thúc đẩy bởi các chính sách có cấu trúc tốt, bao gồm biểu giá điện ưu đãi hấp dẫn cho các dự án năng lượng tái tạo, cùng với các khoản miễn thuế và giảm tiền thuê đất.

Từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Stuart Livesey, thành viên Ban điều hành và Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến đáng lưu ý trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng.

“Thời gian qua, sự hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo rất mạnh mẽ. EuroCham đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước để đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ đầu tư. “Trái ngọt” trong sự hợp tác của hai bên phải kể đến Nghị định 80 về cơ chế mua điện trực tiếp (DPPA). Nghị định đã giúp các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường năng lượng Việt Nam dễ dàng hơn” - ông Stuart Livesey chia sẻ.

Mặc dù đạt được những bước tiến đáng chú ý trong phát triển năng lượng tái tạo, song theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Cơ sở hạ tầng lưới điện không theo kịp tốc độ mở rộng nhanh chóng của công suất năng lượng tái tạo, dẫn đến tỷ lệ cắt giảm cao và tình trạng kém hiệu quả…

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng, thời gian qua Bộ Công thương đã và đang xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách để phát triển về năng lượng tái tạo trong việc thi hành Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/2/2025 và tất cả những cơ chế này sau khi ban hành sẽ phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư các công trình năng lượng tái tạo và các nhà sử dụng điện.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dau-tu-manh-cho-nang-luong-tai-tao-10298216.html
Zalo