Cơ hội nâng tầm thương hiệu làng nghề Hà Nội: Giữ truyền thống, phát huy sáng tạo

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng dệt Vạn Phúc là 2 làng nghề đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Kết quả này đã giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, phát huy tính sáng tạo để mở rộng thị trường, hướng ra quốc tế, trở thành điểm đến văn hóa, du lịch, thương mại sáng tạo và hấp dẫn.

Sản phẩm gốm sứ thủ công Bát Tràng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Quang Thái

Sản phẩm gốm sứ thủ công Bát Tràng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Quang Thái

Tài hoa, tâm huyết và nỗ lực giữ nghề

Đầu năm mới Ất Tỵ 2025, Hà Nội đón nhận tin vui khi 2 làng nghề truyền thống lâu đời trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới (WCC-International) ghi danh vào Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 28 gia nhập mạng lưới này.

Để được Hội đồng Thủ công thế giới lựa chọn, 2 làng nghề của Hà Nội phải đáp ứng được các tiêu chí đánh giá khắt khe gồm: Bảo đảm phát triển văn hóa - xã hội - kinh tế - môi trường; bề dày lịch sử văn hóa làng nghề; bảo đảm giữ gìn kỹ thuật thủ công truyền thống; có số lượng nghệ nhân đang truyền nghề; sự gắn kết cộng đồng...

Tại lễ đón nhận danh hiệu của 2 làng nghề diễn ra vào ngày 14-2 vừa qua tại Hoàng thành Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Còn Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới Saad al-Qaddumi đánh giá: “Những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam”.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển làng nghề Hà Nội, có thể thấy 2 làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc là những đại diện xứng đáng, tiêu biểu cho nỗ lực bền bỉ của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy và sáng tạo nghề truyền thống của ông cha. Đây là những làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 1.000 năm tuổi, gắn với lịch sử hình thành phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Khanh, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên 4 trụ cột: Kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

“Sản phẩm lụa truyền thống của làng nghề Vạn Phúc được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Làng hiện vẫn còn có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi miệt mài gắn bó với nghề, phát triển các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống” - ông Nguyễn Văn Khanh chia sẻ.

Với gần 1.000 năm phát triển, làng lụa Vạn Phúc đã tạo dựng được thương hiệu mạnh trong nước và vươn ra thế giới. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề Vạn Phúc là những sản phẩm lụa tơ tằm như lụa hoa, lụa trơn, lụa se với nhiều hoa văn phong phú từ truyền thống đến hiện đại. Đặc biệt phải kể đến sản phẩm lụa vân (mây trên lụa) - được ví như đặc sản của làng nghề dệt lụa. Hiện nay, các nghệ nhân của làng nghề còn khôi phục được sản phẩm gấm đã bị thất truyền. Vào thời Pháp thuộc, sản phẩm này cùng với lụa vân từng có mặt tại Đấu xảo quốc tế Paris và đã được tặng danh hiệu "Sản phẩm đệ nhất vùng Đông Dương"...

Còn với làng gốm sứ Bát Tràng, trải qua hơn 600 năm hình thành, phát triển hiện đã trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn, khẳng định thương hiệu gốm Hà Nội ở thị trường trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, Bát Tràng hiện có 900 hộ sản xuất kinh doanh, vẫn giữ được các phương thức làm nghề thủ công truyền thống đặc trưng, đồng thời không ngừng sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất dựa trên truyền thống để gốm Bát Tràng ngày càng đẹp, tinh xảo về kiểu dáng, mẫu mã đồng thời có thể bảo vệ môi trường làng nghề tránh khói bụi, ô nhiễm.

Sản phẩm lụa Vạn Phúc thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Ảnh: Quang Thái

Sản phẩm lụa Vạn Phúc thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Ảnh: Quang Thái

Nâng tầm thương hiệu làng nghề Hà Nội

Câu chuyện giữ nghề, truyền nghề, phát triển nghề của làng gốm sứ Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc là những bài học để Hà Nội và các làng nghề cả nước phát triển và nâng tầm thương hiệu. Hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng với những sản phẩm độc đáo; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa Nguyễn Văn Sử, Hà Nội có nhiều làng nghề hàng trăm năm, đang không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng tầm thương hiệu. Nhiều làng nghề đang trở thành điểm du lịch, không gian sáng tạo văn hóa của địa phương như nghề nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai), lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), làng mây, tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất), làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)... Trong đó, nhiều làng nghề có giá trị thương mại cao trong hoạt động xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tuy vậy, việc phát huy giá trị làng nghề của Hà Nội trong thực tế còn gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Sử nhìn nhận, bên cạnh nhiều làng nghề đang nỗ lực chuyển mình, tạo được giá trị thương mại thì vẫn còn hàng trăm làng nghề của Hà Nội đang gặp khó khăn, bị mai một do nhiều nguyên nhân như thiếu hụt nhân sự, giới trẻ quay lưng lại với nghề truyền thống, môi trường không bảo đảm, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng...

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh, cần phát triển làng nghề gắn với du lịch. Để làm được điều đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch dài hơi, có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, đầu tư dịch vụ, quảng bá, vận động người dân giữ nghề, bảo tồn giá trị văn hóa địa phương...

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy làng nghề, nhưng giá trị của các làng nghề Hà Nội luôn được các cấp lãnh đạo của Hà Nội quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch, thương mại của Thủ đô. Thành phố đã có nhiều chính sách “gỡ khó” cho các làng nghề. Điển hình như Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống. Thành phố cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Việc 2 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới không chỉ mang đến vinh dự, tự hào cho Hà Nội mà còn là “đòn bẩy” để Hà Nội nỗ lực hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô.

Hoàng Bình Phương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-hoi-nang-tam-thuong-hieu-lang-nghe-ha-noi-giu-truyen-thong-phat-huy-sang-tao-693932.html
Zalo