Đẹp từ những nếp chăn
Đến với các đơn vị trong Quân đội, ngoài vẻ đẹp toát lên từ sức mạnh, sự trang nghiêm, chính quy, thống nhất, chúng ta còn ấn tượng sâu sắc về tính cụ thể, tỉ mỉ trong cách sắp xếp nội vụ vệ sinh, đặc biệt là những hàng chăn thẳng tắp, vuông vức. Đó chính là thành quả của sự rèn luyện từng ngày, từng giờ và đã thấm sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của Bộ đội Cụ Hồ.
“Nội vụ gọn gàng, sẵn sàng cơ động”
Trong tác phẩm “Hát về anh”, nhạc sĩ Thế Hiển viết: “Một ba lô cây súng trên vai/Người chiến sĩ quen với gian lao/Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ/Nặng tình quê hương canh giữ trên miền đất mẹ”, những ca từ mộc mạc, giản dị ấy đã khắc họa chân thực, sâu sắc vẻ đẹp tự nhiên của cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Dù trong chiến tranh hay giữa thời bình, dẫu đi đến bất cứ nơi đâu, thực hiện nhiệm vụ gì thì hành trang của họ cũng chỉ có trái tim, cây súng và chiếc ba lô đơn sơ trên vai.

Hướng dẫn chiến sĩ mới gấp chăn tại Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1.
Quân đội là môi trường đặc thù với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột xuất. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải rèn luyện cho mình bản lĩnh, trình độ về mọi mặt và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng cơ động để xử trí mọi tình huống với tinh thần “có lệnh là lên đường”. Chính bởi thế mà ngoài tác phong khẩn trương, nhanh nhẹn, việc sắp xếp quân tư trang cá nhân sao cho gọn gàng nhất, ngăn nắp nhất là một trong những yêu cầu không thể thiếu ở mỗi quân nhân. Đây cũng là một trong những bài học đầu tiên của người chiến sĩ ngay từ ngày đầu nhập ngũ.
Cũng có không ít người băn khoăn, việc gấp chăn như thế liệu có khó khăn và tốn thời gian, công sức của bộ đội hay không? Điều này rất dễ lý giải, bởi khi đã hình thành kỹ năng thì mọi hành động sẽ trở nên thuần thục và nhanh chóng, điều quan trọng là chúng ta phải kiên trì, bền bỉ.
Hơn nữa, rèn luyện không chỉ là yêu cầu mà còn là thói quen của Bộ đội Cụ Hồ và 11 chế độ trong ngày của Quân đội là bất di bất dịch, đòi hỏi mọi cán bộ, chiến sĩ đều phải “giờ nào việc nấy”. Do đó, tất cả đều phải khẩn trương, nghiêm túc, tuyệt đối không cho phép bất cứ quân nhân nào có tư tưởng, hành động qua loa đại khái ngay từ những việc làm nhỏ nhất, trong đó có gấp chăn.

Cán bộ Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 3, Quân khu 1 hướng dẫn chiến sĩ mới sắp xếp ba lô, quân tư trang cá nhân.
Không biết tự bao giờ câu nói “chăn vuông góc, tóc ba phân” đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi quân nhân. Những ai đã phấn đấu rèn luyện, cống hiến, trưởng thành trong Quân đội chắc chắn sẽ không thể nào quên ngày đầu làm quen với việc luyện tập gấp vuốt sao cho chiếc chăn của mình thật đẹp và gọn gàng sau khi thức dậy. Đó có thể là điều rất lạ lẫm đối với mỗi thanh niên khi chưa nhập ngũ nhưng lại là việc làm thường ngày của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Bởi lẽ, nếu chúng ta không nhẫn nại rèn giũa bản thân ngay từ những việc nhỏ nhất thì làm sao có đủ bản lĩnh, khí phách để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách?
Học việc nhỏ để làm việc lớn
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự có độ tuổi từ 18 đến 25 đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe, văn hóa. Rất nhiều thanh niên đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trước khi nhập ngũ.
Điều đó có nghĩa là các em đã được trang bị một vốn sống cơ bản, những kiến thức cần thiết từ gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng khi bước chân vào môi trường quân ngũ, mọi thứ điều mới mẻ, đòi hỏi mỗi cá nhân phải học, phải rèn. Vẫn là đi đứng, chào hỏi, ăn uống, ngủ nghỉ... nhưng tính chất, yêu cầu sẽ cao hơn, nghiêm túc hơn và cũng gần gũi hơn, đoàn kết hơn, làm cơ sở để hoàn thành những nhiệm vụ lớn hơn, quan trọng hơn.
Gấp chăn là việc làm gắn với sinh hoạt đời thường của bộ đội. Rèn luyện việc gấp từng nếp chăn sao cho đúng kích thước, vuông thành sắc cạnh sẽ góp phần rèn luyện tính kiên trì, cụ thể, tỉ mỉ, làm cơ sở để nâng cao tác phong, ý thức tự giác trong chấp hành kỷ luật của mỗi quân nhân. Đặc biệt, tinh thần sống có trách nhiệm với bản thân, đơn vị chính là nền móng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ Quân đội thực hiện lý tưởng cao đẹp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến sĩ mới tại Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 1 tích cực rèn luyện kỹ năng gấp chăn.
Ngày nay, đất nước đã hòa bình, độc lập; nhân dân yên vui sống trong tự do, hạnh phúc. Tuy nhiên, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn điên cuồng chống phá ta với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng nham hiểm, thâm độc, trực diện. Bên cạnh đó, nguy cơ an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúng ta nhớ lại những ngày tháng đau thương tại Làng Nủ, hay trong cơn bão Yagi hồi tháng 9-2024 vừa qua. Bộ đội đi trong mưa, ăn trong mưa, dầm mình trong mưa, hy sinh trong mưa; mạnh mẽ, kiên cường cùng nhân dân vượt qua giông bão. Bộ đội Cụ Hồ đến giản dị với bộ quân phục màu xanh, ngôi sao vàng trên mũ, chiếc ba lô gói ghém cả hành trang cuộc đời rồi rời đi để lại biết bao niềm thương, nỗi nhớ, sự trân trọng, yêu quý của đồng bào về một đội quân suốt đời “vì nhân dân quên mình”.
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, Bộ đội Cụ Hồ không chỉ sáng trong lòng nhân dân mà còn đẹp trong mắt bạn bè năm châu bốn biển; luôn sẵn sàng kề vai, sát cánh giúp đỡ các nước khắc phục hậu quả của thiên tai và thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế. Điển hình là hình ảnh các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt hàng ngàn cây số, chắt chiu từng giây phút để cứu hộ, cứu nạn sau trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng triệu người cảm phục. Xa xôi, gian nan, vất vả là vậy nhưng hành trang mang theo của cán bộ, chiến sĩ chỉ có “mệnh lệnh trái tim” và chiếc ba lô đơn sơ trên vai tuy giản dị mà đẹp lạ thường.
Vinh quang được tiếp bước truyền thống cha anh trong hàng ngũ điệp trùng, những người chiến sĩ hôm nay sẽ luôn vững ý chí, sáng niềm tin, bền bỉ phấn đấu, rèn luyện từ những việc nhỏ nhất để có đủ bản lĩnh, trí tuệ, thực sự là điểm tựa vững chắc của Tổ quốc và nhân dân, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.