Cơ hội cho Việt Nam trong cuộc đua chuyển giao năng lượng tái tạo

Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới.

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao trong những năm tới, phát triển các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao trong những năm tới, phát triển các giải pháp năng lượng mới là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ

Trước tình hình biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên hóa thạch ngày càng cạn kiệt, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế cho các quốc gia.

Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về việc ngừng phát thải carbon vào năm 2050.

Chuyển giao công nghệ là quá trình chuyển nhượng các kiến thức, kỹ thuật, quy trình và sản phẩm từ quốc gia hoặc tổ chức sở hữu công nghệ đến quốc gia hoặc tổ chức có nhu cầu ứng dụng công nghệ đó.

Nước ta có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và sinh khối. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng. Hoạt động này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ hiện đại, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất. Qua đó, giúp Việt Nam cải thiện khả năng sử dụng năng lượng tái tạo, tạo ra một nền tảng vững chắc để xây dựng và hoàn thiện các chính sách.

Các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các cơ chế tài chính và pháp lý hợp lý; đồng thời có thể thu hút các khoản đầu tư quốc tế vào nước ta.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: Hoài Nam)

Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. (Ảnh: Hoài Nam)

Việt Nam cần xây các chính sách phù hợp

Tại Hội nghị Thượng đỉnh "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)" lần đầu tổ chức, ngày 18/12/2023, tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có quyết tâm và hành động thực tiễn.

Để hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng về 0, Thủ tướng đề xuất các lĩnh vực hợp tác thời gian tới phải đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch và công nghệ mới. Các nước cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nhằm đảm bảo người dân châu Á được tiếp cận rộng rãi nguồn năng lượng sạch, đáp ứng khả năng chi trả của họ. Việc này nhằm bảo đảm chuyển đổi năng lượng sạch phù hợp với điều kiện từng nước.

Năng lượng tái tạo sẽ thay thế dần các nguồn điện truyền thống. (Nguồn: TTXVN)

Năng lượng tái tạo sẽ thay thế dần các nguồn điện truyền thống. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Nước ta có nhiều cơ hội để ứng dụng các hình thức chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cho rằng, để thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần sự hợp tác từ ba phía là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp.

Việt Nam có nhiều cơ hội để ứng dụng các hình thức chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Nguồn: greeninvietnam)

Ông Dương nhấn mạnh, sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực nội địa về công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công.

Tại cuộc đàm phán Chính phủ Đức – Việt Nam vào tháng 11/2023, Chính phủ Đức cam kết sẽ cung cấp viện trợ phát triển chính thức không hoàn lại 61 triệu Euro cho các lĩnh vực năng lượng, bảo vệ rừng và đào tạo nghề, giúp nền kinh tế Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam, T.S. Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đức là rất lớn.

Ông Fabian Hartjes cho biết, tại Đức có rất nhiều doanh nghiệp thành công trong việc tạo ra những công nghệ năng lượng có giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường, đồng thời đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tại đây.

Ông Fabian nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường đầu tư vào và luôn sẵn sàng chia sẻ những công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam. Những công nghệ đổi mới sáng tạo đã được chứng tỏ có hiệu quả cao và đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch năng lượng của chúng tôi cũng như nhiều nước khác nữa”. Ông Fabian cho rằng, công nghệ là chìa khóa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. (Nguồn: VGP)

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. (Nguồn: VGP)

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sạch, xanh và bền vững, Việt Nam cũng đang dần khẳng định vị thế, trách nhiệm của mình trong việc phát triển năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ chuyển dịch năng lượng, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám định công nghệ cho rằng, cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí hóa lỏng tại Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo…

Như vậy, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là một yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững và đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần xây dựng các chính sách phù hợp, cải thiện môi trường pháp lý và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguyễn Trọng Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-cho-viet-nam-trong-cuoc-dua-chuyen-giao-nang-luong-tai-tao-305452.html
Zalo