Cô giáo vùng cao Yên Bái và sáng kiến được nhân rộng nhiều tỉnh thành

Sáng kiến bảo tồn và phát huy trò chơi dân gian trong môi trường giáo dục của cô giáo huyện Mù Cang Chải, Yên Bái được áp dụng nhiều tỉnh thành.

Cô giáo Đỗ Thị Loan cùng các em học sinh ứng dụng STEM. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đỗ Thị Loan cùng các em học sinh ứng dụng STEM. (Ảnh: NVCC)

Giúp trẻ tự tin, hứng thú với lớp học

Cô giáo Đỗ Thị Loan – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải có những sáng kiến đáng chú ý nhằm giữ gìn nét văn hóa các trò chơi dân gian trong môi trường giáo dục mầm non.

Sáng kiến mang tên “Một số giải pháp giữ gìn và phát huy hiệu quả tổ chức trò chơi dân gian trong trường Mầm non” đã được áp dụng tại nhiều trường học trên toàn quốc, tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc thu hút trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống.

 Cô Loan cùng học sinh tham gia trò chơi "Luồn luồn tổ dế". (Ảnh: NVCC)

Cô Loan cùng học sinh tham gia trò chơi "Luồn luồn tổ dế". (Ảnh: NVCC)

Trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa phi vật thể của người Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ và quá trình đô thị hóa đã làm cho các trò chơi này ít được biết đến và thực hành.

Cô Loan nhận thấy rằng nhiều trẻ em ngày nay không còn hứng thú với các trò chơi truyền thống, mà thay vào đó, chúng thường bị cuốn hút vào những trò chơi hiện đại, có thể mang tính bạo lực và xa lạ với giá trị nhân văn của dân tộc.

Xuất phát từ lo lắng về việc bảo tồn văn hóa truyền thống, cô Loan quyết định nghiên cứu và áp dụng bốn giải pháp tại trường Mầm non Kim Nọi, nơi cô công tác. Những nỗ lực này không chỉ giúp trẻ em tìm lại niềm vui với các trò chơi dân gian mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc gìn giữ văn hóa truyền thống.

Sáng kiến của cô đưa ra 4 giải pháp: Xây dựng và thực hiện kế hoạch lồng ghép tổ chức trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi mầm non, vùng miền trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục; Đa dạng hóa các hoạt động tập thể có lồng ghép trò chơi dân gian cho trẻ; Tạo môi trường cho trẻ được tham gia trò chơi dân gian mọi lúc mọi nơi; Tạo cầu nối đưa trẻ về với trò chơi dân gian trong trường mầm non.

 Học sinh trường Mầm non tại Lai Châu áp dụng sáng kiến. (Ảnh: NVCC)

Học sinh trường Mầm non tại Lai Châu áp dụng sáng kiến. (Ảnh: NVCC)

Từ đó, cô Loan đã tiến hành khảo sát và sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi mầm non. Bước đầu tiên là thu thập danh sách các trò chơi đặc trưng của từng vùng miền. Sau khi xác định được các trò chơi cơ bản, cô đã xây dựng bộ tài liệu, giúp giáo viên dễ dàng áp dụng trong giảng dạy. Cô đã đề xuất các hoạt động tập thể như "Ngày hội thể dục thể thao của bé", "Ngày tết quê em" có lồng ghép trò chơi dân gian.

Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ vui chơi mà còn tạo điều kiện cho các em cảm nhận được sự yêu thương từ gia đình và cộng đồng. Tạo môi trường thuận lợi để trẻ có thể tham gia trò chơi dân gian mọi lúc mọi nơi.

Sự kết hợp giữa không gian chơi linh hoạt và phương tiện hỗ trợ đã giúp trẻ tiếp cận trò chơi một cách tự nhiên và vui vẻ. Cùng với đó phát động phong trào "Một tuần một trò chơi dân gian", khuyến khích phụ huynh tham gia cùng trẻ.

Có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm văn hóa mà còn gắn kết cộng đồng. Trẻ sẽ nhận biết và tham gia vào các trò chơi dân gian, phát triển tự tin và hứng thú.

Sáng kiến này yêu cầu kinh phí đầu tư thấp, chủ yếu sử dụng nguyên vật liệu đã qua sử dụng.

Ứng dụng công nghệ nâng sự hấp dẫn cho trẻ

Việc phát triển trò chơi dân gian theo hướng hiện đại, hóa biến tấu từ trò chơi dân gian truyền thống với các yếu tố sáng tạo hấp dẫn trẻ nhỏ. Đồng thời, giúp các cơ sở giáo dục mầm non chủ động trong các hoạt động tập thể có lồng ghép trò chơi dân gian.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo video hướng dẫn trò chơi giúp các đơn vị trường áp dụng sáng kiến có thể dùng chung những video hướng dẫn đầy sinh động bằng cách sử dụng mã quét QR, hoặc đường link, website…

 Trường Mầm non Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình áp dụng sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Loan. (Ảnh: NVCC)

Trường Mầm non Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình áp dụng sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Loan. (Ảnh: NVCC)

Những video này với hình ảnh sinh động, âm thanh rõ nét giúp thu hút trẻ trong các hoạt động tập thể. Giải pháp bộ trò chơi dân gian di động giúp các đơn vị trường có thể di chuyển đến nhiều khu vực khác nhau khi tổ chức các hoạt động.

Từ đó, tạo được môi trường hấp dẫn trong và ngoài lớp học giúp trẻ có thể tham gia trò chơi dân gian 1 cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tất cả các đơn vị trường. Với những điểm nổi bật đó, sáng kiến của cô đã được áp dụng tại tại 6 tỉnh, 15 trường mầm non với 131 lớp, 240 giáo viên áp dụng trên tổng số 3.500 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hảo – Trường Mầm non Hoa Quỳnh, Quảng Khêm huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông chia sẻ: “Là một giáo viên chủ nhiệm trực tiếp áp dụng sáng kiến, tôi nhận thấy hiệu quả thu được rất khả quan. Kinh phí đầu tư làm đồ dùng dùng đồ chơi ít, chủ yếu là sử dụng các vật liệu tái chế. Trò chơi dân gian giúp trẻ phát triển toàn diện về 5 lĩnh vực thể chất ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”.

 Các em học sinh tại xã Phúc Lợi, Lục Yên, Yên Bái hào hứng tham gia các trò chơi. (Ảnh: NVCC)

Các em học sinh tại xã Phúc Lợi, Lục Yên, Yên Bái hào hứng tham gia các trò chơi. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Bùi Thị Luyến – Trường Mầm non Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: “Việc tổ chức và thực hiện các giải pháp trong sáng kiến được chúng tôi đưa vào các hoạt động trong ngày và một số hoạt động tập thể của nhà trường một cách hiệu quả, được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh và cộng đồng. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ”.

Cô giáo Giàng Thị Sao – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên khẳng định: “Hiệu quả thu được từ việc áp dụng sáng kiến của cô Loan là rất khả quan. Tỷ lệ trẻ đạt về 4 nội dung được đánh giá tăng lên so với đầu năm học. Giúp trẻ có thêm nhiều hiểu biết về trò chơi dân gian, hứng thú, tự tin, có kỹ năng khi tham gia trò chơi cùng bạn bè, cô giáo, qua đó góp phần gìn giữ văn hóa dân gian. Trường tiếp tục áp dụng sáng kiến này trong thời gian tới”.

Cô Đỗ Thị Loan mong muốn: “Tôi hy vọng sẽ có sự hỗ trợ từ các tổ chức giáo dục và văn hóa để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa quý báu này”.

Đức Hạnh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-vung-cao-yen-bai-va-sang-kien-duoc-nhan-rong-nhieu-tinh-thanh-post719899.html
Zalo