Cô giáo sinh đúng năm Giải phóng miền Nam kể chuyện cha mình – người lính và bài học làm người

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, cô giáo Chu Thị Kim Đức, giáo viên Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội), luôn nhắn nhủ với học trò của mình một thông điệp tha thiết: Đất nước hôm nay hòa bình, tươi đẹp là thành quả của biết bao hi sinh, gian khổ của lớp lớp cha ông đi trước. Bởi vậy, thế hệ trẻ không chỉ cần ghi nhớ công lao ấy, mà còn phải nỗ lực không ngừng để vươn mình ra biển lớn, đóng góp cho tương lai Đất nước.

Cô Kim Đức nghẹn ngào kể lại, năm 1974, cha cô – ông Chu Văn Ban trở về từ chiến trường với cơ thể chằng chịt vết thương và mang theo cả những mất mát thầm lặng của một người lính từng đối mặt giữa lằn ranh sống chết. Một năm sau, vào đúng thời khắc thiêng liêng – ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, cô cất tiếng khóc chào đời, như một dấu mốc gắn bó đầy ý nghĩa giữa cuộc đời cá nhân và vận mệnh non sông.

Mỗi dịp tháng Tư về, khi đất trời rợp bóng cờ hoa, lòng người rộn ràng trong niềm hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Đất nước thống nhất, cô lại thấy tim mình bồi hồi, nôn nao khó tả. Trong huyết quản cô là dòng máu kiêu hãnh của người lính – dòng máu từng cháy bỏng ý chí, từng viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Trong căn nhà nhỏ giữa thành phố, không khí cũng tràn ngập niềm vui. Những đứa trẻ ríu rít quây quanh ông, háo hức nghe ông kể về những năm tháng chiến tranh, về những trận đánh không cân sức, về lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của những người lính đã đi qua lửa đạn để giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Cô giáo Chu Thị Kim Đức, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) sinh đúng năm Giải Phóng miền Nam, non sông liền một dải.

Cô giáo Chu Thị Kim Đức, Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) sinh đúng năm Giải Phóng miền Nam, non sông liền một dải.

Ông bà lặng lẽ hồi tưởng về những tháng ngày khói lửa, về những trận chiến khốc liệt đã ghi dấu trong lịch sử dân tộc. Họ nhẹ nhàng giải thích với các cháu nhỏ rằng, đúng vào ngày này cách đây 50 năm, cả dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại, đánh bại Đế quốc Mỹ, thống nhất hai miền Nam – Bắc, thu về một dải giang sơn liền mạch.

Giọng ông chùng xuống khi kể đến những đồng đội năm xưa – những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, không kịp trở về để chứng kiến những mùa xuân hòa bình, không được sống trong niềm vui và hạnh phúc của Tổ quốc hôm nay. Ông khẽ lau giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má, một phần vì mất mát, một phần vì xúc động.

Nhìn hình ảnh ấy, cô không giấu nổi niềm tự hào khi nghĩ về người cha của mình – một người lính từng đi qua chiến tranh, góp phần làm nên nền hòa bình hôm nay. Cô tự hào vì là con của bố, tự hào mang trong mình dòng máu của một thế hệ đã hiến dâng cả tuổi trẻ cho Đất nước.

Đau cùng những cơn đau của bố

Sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng cô Kim Đức vẫn cảm nhận rõ sự tàn khốc của chiến tranh qua những câu chuyện của bố và qua nỗi đau đớn khắc khoải của bà ngoại. Họ dù đã sống trong hòa bình nhưng chưa một ngày thôi mong ngóng hai cậu đã ra đi và mãi mãi không bao giờ trở về.

Cô kể, năm 1964, bố cô khi đó đang là công nhân ở Nhà máy Cơ Khí Hà Nội đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. 10 năm lăn lộn ở các chiến trường và năm 1974, ông may mắn trở về trong vòng tay của gia đình nhưng cơ thể chằng chịt vết thương với tỉ lệ thương tật là 54%. Di chứng của chiến tranh là những cơn sốt rét hành hạ.

Cô Đức và bố nay đã 85 tuổi trong những ngày đất nước rực rỡ cờ hoa.

Cô Đức và bố nay đã 85 tuổi trong những ngày đất nước rực rỡ cờ hoa.

Cô nhớ như in giữa mùa hè mà bố cứ run cầm cập. Trong nhà có bao nhiêu chăn mẹ đều đắp hết lên người bố nhưng ông vẫn run rẩy, co rúm người. Mẹ vừa ôm chặt bố vừa gạt nước mắt vì thương. Cùng với thời gian, những cơn sốt rét giảm dần nhưng những vết thương, chứng tích của đạn bom, của chiến tranh vẫn còn đó khiến ông đau đớn đến vẹo người mỗi khi trái gió trở trời khiến trái tim cô thắt lại vì thương.

Hòa bình nhưng người lính năm xưa vẫn phải sống chung với những mảnh đạn. Đó là một mảnh đạn găm chặt ở mang tai. Nó cứ phồng to dần, đến lúc nó to như quả trứng gà, ông mới vào bệnh viện để mổ. Chiến tranh vẫn hằn lên khóe mắt in hình chân chim của mẹ vì những đêm dài lo lắng, giấc ngủ chập chờn, thấp thỏm lo cho sức khỏe của chồng.

"Mẹ vẫn kể câu chuyện, ngày mẹ trở dạ sinh tôi vẫn phải chở bố vào bệnh viện trên chiếc xe đạp cà tàng vì ông bị thương chỉ đạp được xe bằng một chân, không thể chở được mẹ. Nhưng mẹ vẫn thấy may mắn vì bố đã trở về để có con cháu vui vầy như hôm nay”, cô chia sẻ.

Khát khao hòa bình

Khi lớn lên, cô Đức đã trở thành giáo viên bộ môn tiếng Pháp. Trong một lần dịch bộ phim "Mùi Cỏ Cháy" vì có quá nhiều cảnh quay bi thương, cô đã xúc động bật khóc và quay ra hỏi bố của mình: “Tại sao biết là sẽ hy sinh mà những người chiến sĩ ấy vẫn lao lên? Điều gì đã thôi thúc họ vậy bố?”.

"Trong chiến tranh máu lửa, ai cũng khao khát một ngày im tiếng đạn bom, Đất nước được bình yên", ông nói với con gái bằng giọng thầm thì mà cô Đức ngỡ ông đang nói với chính kí ức của mình. Và cô hiểu ngày đó ước mơ được quay về nhà máy, tiếp tục tăng ca sản xuất, đi đánh bóng, chơi cờ với các bạn trở thành động lực mãnh liệt để ông và đồng đội có thể làm được những việc phi thường.

Mỗi ngày đều đặn, những chàng trai ở tuổi đôi mươi cõng trên vai ba lô hơn 30 kg đi bộ trong rừng, dưới cái nắng thiêu đốt, hoặc dưới những cơn mưa rừng tầm tã. Bữa cơm đa phần là lương khô, hiếm hoi lắm mới có cơm và canh rau rừng. Đối mặt với cái đói cái rét nhưng các chiến sĩ vẫn không nản lòng, nhụt chí bởi họ hiểu những gian khó hôm nay sẽ mang lại Độc lập cho quê hương, cho đồng bào.

Trong kí ức của ông điều khủng khiếp hơn nhất trong những ngày chiến đấu gian khổ là phải chứng kiến đồng đội hi sinh. "Chiến tranh khủng khiếp hơn rất nhiều lần những gì con thấy trên phim ảnh”, ông thường nhắc lại với con gái mình như thế.

Lạc quan, truyền đam mê sách vở cho con cháu

Là một người lính trở về từ chiến trường, được sống trong những năm tháng đất nước thanh bình, cha cô luôn giữ một tinh thần lạc quan, yêu đời. Trước khi nhập ngũ, ông là một chàng trai có đôi mắt sáng, nhanh nhẹn, đặc biệt giỏi chơi cờ tướng – môn mà ông đam mê từ nhỏ. Ngoài ra, ông còn chơi rất thạo cầu lông, bóng bàn, là người vừa trí tuệ, vừa năng động.

Nhưng, sau chiến tranh, những vết thương để lại khiến ông không còn đủ sức tham gia thể thao như trước. Ông đành gác lại những bước chạy, nhường lại đam mê cho bàn cờ, nơi ông tiếp tục thể hiện trí tuệ và sự minh mẫn của mình. Cờ tướng trở thành người bạn đồng hành cùng ông suốt những năm tháng hậu chiến.

Ông còn là một “mọt sách” đích thực. Ông đọc nhiều, hiểu sâu, thuộc lòng cả Truyện Kiều cùng vô vàn bài thơ hay của nền văn học dân tộc. Với con cháu, ông như một cuốn Bách khoa toàn thư sống – hỏi gì cũng biết, chuyện gì cũng có thể giảng giải thấu đáo.

Giờ đây, ở tuổi 85, đôi mắt đã mờ, đôi tai không còn tinh như xưa, nhưng ông vẫn giữ thói quen xem những chương trình trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia, Vua Tiếng Việt, Ai là Triệu Phú. Ông bảo xem để đầu óc không quên, để trí tuệ còn được rèn giũa mỗi ngày.

Chính ông là người đã thắp lên trong con cháu tinh thần hiếu học và niềm đam mê với sách vở. Dù những năm bao cấp còn đầy khó khăn, ông vẫn chắt chiu từng đồng để mua sách cho các con. Cô vẫn nhớ rõ, những ngày nghỉ hiếm hoi, ông lại đạp xe lên hồ Hoàn Kiếm, lặng lẽ tìm tòi, chọn lựa từng quyển sách quý, rồi vui vẻ mang về như những món quà nhỏ đầy ý nghĩa dành cho cả nhà.

Được bố truyền tình yêu ham mê sách vở, cô Đức chăm chỉ học tập, phấn đấu trong nghiệp cầm phấn, đạt nhiều thành tích tốt.

Được bố truyền tình yêu ham mê sách vở, cô Đức chăm chỉ học tập, phấn đấu trong nghiệp cầm phấn, đạt nhiều thành tích tốt.

"Bố tôi thường nói, gia tài bố để lại cho các con chỉ có tri thức và bố tin rằng đó là thứ quý giá nhất giúp các con sống tốt, sống tử tế. Đến nay, tôi vẫn thấy lời bố nói thật đúng nên chăm chỉ học tập, phấn đấu trong nghiệp cầm phấn, đạt nhiều thành tích tốt", cô tâm sự.

Có lẽ, nhờ được truyền tình yêu với sách từ sớm nên cô Đức giữ thói quen đó đến ngày hôm nay. Khi trở thành cô giáo đứng trên bục giảng, cô vẫn thường nói với học sinh rằng, mỗi ngày cô và trò được đến trường dạy và học trong ngôi trường đẹp, phòng học hiện đại, thư viện ăm ắp sách hẳn là các em thấy hạnh phúc biết bao. Cô cũng nhắc nhở học sinh phải luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha anh đi trước và không ngừng nỗ lực vươn lên, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Chúng ta được sống trong hòa bình như vậy là nhờ công ơn của bao thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu để giành độc lập và để bảo vệ nền độc lập đó. Các em học tập tốt cũng là một cách để tri ân thế hệ cha ông, và để chúng ta có thể bảo vệ thành quả mà cha ông đã giành được”, cô giáo Trường THCS Giảng Võ nhắn nhủ các thế hệ học sinh.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-giao-sinh-dung-nam-giai-phong-mien-nam-ke-chuyen-cha-minh-nguoi-linh-va-bai-hoc-lam-nguoi-post1738477.tpo
Zalo